Phí "phi chính thức": Hãy đừng chỉ "tuyên chiến" rồi bỏ lửng...

(Dân trí) - Mặc dù điểm số, vị trí xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2017 đã được tăng lên nhiều bậc (đánh giá của Ngân hàng Thế giới). Nhưng điều đó vẫn chưa đồng nghĩa với thực tế các khoản chi phí không chính thức, các khoản phí "đen" của doanh nghiệp đã giảm đi. Hôm qua (3.4), lãnh đạo TPHCM đã chính thức "tuyên chiến" với nạn phí này.

Phí "phi chính thức": Hãy đừng chỉ "tuyên chiến" rồi bỏ lửng... - 1

Ai cũng biết rằng, để tính ra chi phí sản xuất, kinh doanh bình thường của một doanh nghiệp là bài toán rất dễ. Một nhân viên kế toán có thể dễ dàng làm điều đó. Chi phí của các doanh nghiệp trong các ngành hàng sản xuất cũng không khó: Các doanh nghiệp và các hiệp hội doanh nghiệp đều tính toán và công bố được hàng năm... Và đó là các khoản chi phí chính thức mà tất cả các cơ quan thống kê đều tính toán được.

Tuy nhiên, các khoản phí không tên thì không có giới hạn. Đó là các khoản tiền "mãi lộ" dọc đường vận chuyện hàng hóa, là tiền chi phí "dưới gầm bàn" để được cấp giấy phép, là các khoản "bồi dưỡng", phong bì, phong bao cho các đoàn thanh tra, kiểm tra... mà người ta không bao giờ gọi được hết tên.

Đã có hàng chục, hàng trăm cuộc hội thảo, họp bàn, rà soát, kiểm tra để điểm tên các khoản phí "phi chính thức" của doanh nghiệp thời gian qua; hàng chục cuộc khảo sát, đánh giá của các viện nghiên cứu, hiệp hội về vấn đề này.

Năm ngoái, có chuyên gia kinh tế phải kêu thay cho doanh nghiệp ở một hội thảo: Kiếm được một đồng lợi nhuận mà mất tới 0,7 đến 1 đồng để "bôi trơn" thì doanh nghiệp Việt làm sao mà lớn được ? Và đó là một cách lý giải tại sao, có một tỷ lệ lớn doanh nghiệp Việt Nam không chịu lớn, thậm chí "nhỏ dần đi", nhỏ li ti, như đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa qua.

Có lẽ một phần của câu chuyện mãi chưa có hồi kết trên là do người ta mới chỉ nêu ra, đánh giá mà chưa có giải pháp nào mạnh mẽ, cụ thể để giải quyết? Cho dù khó nêu hết, nhưng có lẽ nào không thể "điểm mặt, chỉ tên" từng khoản phí phi chính thức, đặt tên cho từng khoản đề từng bước một, xử lý, loại bỏ nó ra khỏi danh sách phí không tên?

Hôm qua, tại TPHCM, ở một cuộc họp của thành phố, có lẽ vấn đề này được nêu một cách quyết liệt hơn. Đáng chú ý, điều này lại đặt trong bối cảnh kết quả cải cách hành chính công của TPHCM năm 2017 có vẻ như đã đạt kết quả tốt. Theo báo cáo của UBND thành phố: Năm 2017, qua khảo sát tỷ lệ hài lòng của người dân, doanh nghiệp với dịch vụ hành chính công của TPHCM đạt trên 80%, tỷ lệ trả hồ sơ đúng hạn đạt trên 99%.

Nhưng ngay chính lãnh đạo Thành phố cũng chưa bằng lòng với điều đó: Một câu hỏi đặt ra là: Số liệu trên có thực chất, phản ánh đúng chất lượng nền hành chính công? Chính bà Nguyễn Thị Quyết Tâm – Chủ tịch HĐND TPHCM cho biết: Trong thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND TP và theo phản ảnh của người dân thì việc khảo sát, đánh giá chất lượng hài lòng của người dân trong thời gian qua còn mang tính hình thức chứ thực chất không đạt được như trên.

Theo bà Quyết Tâm, thực tế, khi tiếp xúc cử tri thì người ta phàn nàn nhiều quá, chẳng hạn như vấn đề nhũng nhiễu người dân, tiêu cực của cán bộ công chức... Và theo bà, rõ ràng ở đây UBND TP cũng nhìn nhận việc đánh giá còn mang tính hình thức.

Đánh giá trên cũng nhận được sự đồng tình của Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM Tô Thị Bích Châu. Bà Châu cũng cho rằng phí phi chính thức mà doanh nghiệp hay phàn nàn, kêu ca là một vấn đề mà TPHCM cần lựa chọn để tập trung xử lý đột phá.

Cụ thể hơn, bà Chủ tịch MTTQ TPHCM cho rằng, cần có định lượng, phải khảo sát xem có bao nhiêu doanh nghiệp đến làm thủ tục hành chính tại các đơn vị thì bị phí phi chính thức.

"Từ con số đó ta sẽ có đánh giá hiện nay phí phi chính thức nặng nề như thế nào với doanh nghiệp. Sau đó có chính sách cụ thể để tuyên chiến với phí phi chính thức, nhằm nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Phải có giải pháp thật mạnh mẽ”, bà Châu nói.

Những nhận thức khá sâu sắc về thực tế đời sống doanh nghiệp như trên của cả lãnh đạo HĐND và Ủy ban MTTQ TPHCM thật đáng quý và đáng trân trọng hơn là họ đưa ra được cả giải pháp, một quyết tâm đủ mạnh để "tuyên chiến" với các khoản phí phi chính thức của cộng đồng doanh nghiệp chứ không phải chỉ dừng lại việc nhận diện, đánh giá như nhiều nơi trước đây.

Có lẽ chính nhờ có những quyết tâm, giải pháp mạnh như vậy, TPHCM vẫn luôn được gọi là "đầu tàu kinh tế" của cả nước. Ngay trong câu chuyện này, nếu TPHCM cũng làm được nữa thì thật đáng mừng, "đầu tàu kinh tế" sẽ càng đi nhanh và xa hơn.

Nhưng để tốt hơn nữa thì không chỉ TPHCM mà Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng... và tất cả các tỉnh, thành khác, các bộ, ngành khác cũng cùng tuyên bố "tuyên chiến" với nạn phí phi chính thức, tuyệt đối chấm dứt các khoản phí "bôi trơn", phí "không tên", phí "dưới gầm bàn"... thì còn gì tốt hơn nữa? Doanh nghiệp sẽ được giải phóng, cởi trói, giảm bớt các khoản chi phí "đen" để tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh thì nền kinh tế mới "cất cánh" được.

Mạnh Quân