Những cuốn sổ “thần thánh” và một câu hỏi khó cho Thống đốc?
(Dân trí) - Khái niệm cuốn sổ “thần thánh” là của báo chí thời gian nói về sự “thăng trầm”, “bốc hơi” của những đồng tiền trong các cuốn sổ tiết kiệm. Người viết bài này thì nghĩ đến cụm từ “Đồng tiền có ma”, tên một truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Công Hoan cách đây gần một thế kỉ.
Tờ VietnamNet cách đây ít lâu trong bài “12 sổ tiết kiệm trị giá căn nhà: Sau 20 năm còn 3 bát phở” tổng hợp thông tin từ các báo cho biết, rất nhiều trường hợp gửi tiền tiết kiệm vài chỉ vàng, thậm chí cả căn nhà sau hàng chục năm, giá trị chỉ còn vài ba bát phở. Có cuốn sổ số tiền bằng… 0 đồng và nếu đem thanh toán, có thể phải trả thêm vì… trừ “phí quản lý sổ”.
Theo thông tin từ báo PL TP.HCM, bài báo trên cho biết ngày 27/9/1983, ông Nguyễn Vinh Rượu (Hòa Vang, Đà Nẵng) gửi 90 đồng vào Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh huyện Hòa Vang theo dạng tiết kiệm không kỳ hạn. Đến tháng 11/1988, tính cả vốn lãi, số tiền là 266 đồng, có thể mua được hơn một chỉ vàng hoặc một số tài sản có giá trị khác.
Sau khi ông Rượu qua đời, ngày 31/3/2015, con gái ông Rượu mang quyển sổ tiết kiệm đến thanh toán và theo ước tính của nhân viên ngân hàng, sẽ được nhận hơn 20.000 đồng, tức là gần được… một bát phở loại be bé.
Theo báo Kiến thức, từ năm 1982-1985, vợ chồng ông Lê Minh Toán (phường Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội) gửi 12 cuốn sổ tiết kiệm, với tổng giá trị là 4.100 đồng. Ở thời điểm ấy, số tiền này đủ mua một căn hộ nhỏ ở trung tâm Hà Nội. Sau 20 năm (2002), cả gốc lẫn lãi, ông Toán nhận được 109.778 đồng.
Báo Tuổi Trẻ cho biết, năm 1983, bà Lê Thị Bích Thủy (ngụ Bình Thạnh, TP.HCM) gửi tiết kiệm 270 đồng (bằng 5 tháng lương của một công chức). Sau hơn 30 năm, tính cả gốc lẫn lãi là 4.385 đồng.
Song, “vui” nhất là trường hợp của anh Hoàng Nam Thành trên báo An ninh Thủ đô. Cuối năm 1983, anh Thành gửi 400 đồng (khoảng 2 chỉ vàng). Sau 34 năm, tính lãi các kiểu thì số tiền tiết kiệm còn 0 đồng.Thậm chí, giờ đi đòi còn mất thêm tiền, vì phải trả “phí quản lý sổ”.
Từ những thông tin này, tác giả bài báo trên đã gọi những cuốn sổ này là sổ “thần thánh” còn người viết bài này, không có ý so sánh (vì bản chất sự việc khác nhau) nhưng vẫn gợi nhớ đến truyện ngắn của Nhà văn Nguyễn Công Hoan cách đây gần một thế kỉ mang tên “Đồng hào có ma”.
Có lẽ, chỉ là những “đồng tiền có ma” trong “cuốn sổ thần thánh” thì nó mới… biến hóa như vậy chăng?
Song, trả lời báo chí, TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng việc tiền tiết kiệm “bốc hơi” sau nhiều năm và nay không còn giá trị là hệ quả của nền kinh tế, không phải lỗi của người dân và ngân hàng …
Người viết bài này có cảm nhận từ những vụ việc trên cho thấy, có lẽ đây là một trong những nguyên nhân gây nên khó khăn trong việc huy động tiền, vàng trong dân hiện nay.
Mới đây, tại nghị trường Quốc hội, trong phiên bàn về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng vừa qua, ĐB Lê Công Nhường (Bình Định) đã đặt câu hỏi:
"Theo dự báo có khoảng 500 tấn vàng và trên 10 tỷ USD đang nằm trong dân. Đây là vốn chết, dân cất giữ vừa không an toàn, vừa không có lợi cho phát triển kinh tế xã hội. Vậy xin hỏi Thống đốc có giải pháp gì để huy động số vốn này trong dân để đầu tư vào sản xuất kinh doanh, đầu tư vào hạ tầng phát triển đất nước?”.
Theo người viết bài này, đây có lẽ là câu hỏi khó mà Thống đốc Lê Minh Hưng không dễ trả lời, phải không các bạn?
Bùi Hoàng Tám