Những câu hỏi “thảng thốt” và sự “phẫn nộ” của Chủ tịch Quốc hội

(Dân trí) - “Nhân dân có tin tưởng hoạt động của Viện kiểm sát không?". Đó là câu hỏi “thảng thốt” của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 25/2 về Báo cáo của Viện trưởng VKSND Tối cao nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Tại đây, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nêu một loạt câu hỏi như: “Hoạt động kiểm sát đã làm tốt chưa? bởi nhiệm vụ cuối cùng là bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Công an làm gì, tòa án làm gì, mình đứng ngoài thì vai trò của viện kiểm sát là gì?”, và “5 năm vừa rồi nhân dân có tin tưởng hơn với hoạt động của Viện kiểm sát không?".

Thật ra, câu hỏi này không mới bởi đã hơn một lần, người đứng đầu Quốc hội đã hỏi những câu tương tự.

Tại phiên thảo luận về Luật căn cước công dân và Luật Hộ tịch sửa đổi sáng 14/7/2014, ông Hùng nói: "Hành dân đủ kiểu thì ai chịu được...".

Trước đó, thảo luận về dự thảo sửa đổi Luật xây dựng diễn ra vào chiều 21/2/2014 tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đã bức xúc: “Bắt người dân chạy 15, 20 cái giấy mới đủ. Luật này có cải cách hành chính không?... Thế này thì chỉ chết dân thôi”!

Khi đặt câu hỏi vì sao ít đơn thư tố cáo tham nhũng, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cũng từng chua chát nói thẳng ra: “Hay người ta chán rồi?”. Ông còn đặt tiếp câu hỏi: “Liệu có tham nhũng trong lực lượng chống tham nhũng?”…

Ngày 23/2 vừa qua, cũng tại phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội, khi cho ý kiến về báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý một số nội dung lớn của dự án Luật dược (sửa đổi), Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đã thốt lên: "Thủ tục hành chính của mình cay độc lắm, độc ác lắm, quá nhiều thủ tục hành chính gây phiền hà cho người dân, nhiều thủ tục để làm gì?, để có tiền thì mới xong chứ sao nữa…".

Với những từ ngữ trên, không thể nói là bức xúc. Cũng không thể nói là bực tức. Nó đích thực là sự phẫn nộ. Chỉ khi phẫn nộ cao độ với những thủ tục hành chính, Chủ tịch Quốc hội mới thốt lên những từ như “cay độc lắm, độc ác lắm”.

Những ngôn từ trên quả là nặng, rất nặng. Thế nhưng tiếc thay, nó lại đúng, rất đúng không chỉ với phương án cấp chứng chỉ hành nghề dược mà có thể, với cả nền hành chính hiện nay. Một nền hành chính mà người dân chua chát và hài hước chơi chữ: “Hành là chính”.

Tất nhiên, sự bức xúc ấy chỉ xuất hiện khi không chịu chi tiền. Còn ngược lại, khi đã có cái “vo vo ngón tay” thì nó lại cực kỳ nhanh chóng và thuận lợi, đúng như lời của Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng: “Có tiền thì mới xong chứ sao nữa”.

Khó có thể nói khác, một nền hành chính mà để người dân nói rằng “hành dân là chính”, khiến người đứng đầu cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, nơi đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân phải thốt lên những từ đắng chát: “cay độc lắm, độc ác lắm”... thì đó là một nền hành chính “cai trị”.

Và nếu vậy, liệu nó có còn là “của dân, do dân, vì dân” nữa không hả các bạn?

Bùi Hoàng Tám