Những “cái giá” của chiếc “ghế nóng” PVN
(Dân trí) - Có thể nói, không phải ai cũng có thể có đủ đức, đủ tài, đủ khả năng và tâm huyết để ngồi vào chiếc ghế Chủ tịch PVN.
Sáng 3/1, sau hơn 1 năm để trống, “chiếc ghế” Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí PVN cũng đã được trao cho ông Trần Sỹ Thanh.
Việc ông Thanh về ngồi “ghế nóng” PVN ở thời điểm này trở thành một sự kiện khiến nhiều người quan tâm. Bởi, mấy đời chủ tịch gần nhất của tập đoàn này đều đã bị dính vào vòng lao lý. Ông Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Quốc Khánh đều chỉ làm Chủ tịch trong vòng 1 năm và sau đó đã bị khởi tố, bắt tạm giam. Ông Sơn đã bị ra tòa và bị kết án tử hình trong phiên tòa sơ thẩm. Ông Phùng Đình Thực, ông Đinh La Thăng cũng đã từng là Chủ tịch PVN và hiện nay cũng đã bị khởi tố trong các vụ án kinh tế của ngành dầu khí, chờ ngày xét xử.
Hơn 20 cán bộ, nguyên lãnh đạo trong ngành này dính vào vòng lao lý, bị khởi tố vì “cố ý làm trái”, “buông lỏng quản lý”, gây thiệt hại cho Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng, nhiều cá nhân trong đó lạm dụng chức vụ, tham ô tài sản.
Những con số kỷ lục cứ lần lượt xuất hiện trên báo chí: Vụ góp vốn vào OceanBank gây thiệt hại 800 tỷ đồng, PVC thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng, PVTex với dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyeste Đình Vũ thua lỗ hơn 1.470 tỷ đồng sau 3 năm hoạt động… Không ít người trong chúng ta hẳn không tránh khỏi cảm giác “giật mình” lẫn xót xa.
Là một tập đoàn hàng đầu, một “quả đấm thép” đúng nghĩa của nền kinh tế, bản thân PVN cũng hiểu rất rõ vai trò của mình. Trên website của doanh nghiệp, PVN tự giới thiệu mình là “một trong những trụ cột kinh tế của đất nước”, thực hiện vai trò là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô; là “tập đoàn tiên phong” trong hợp tác, hội nhập quốc tế; là “nòng cốt, hạt nhân” trong việc hình thành nên các khu công nghiệp tập trung; là “đơn vị nòng cốt, chủ lực” của ngành dầu khí; là “trụ cột, đầu tàu” dẫn dắt các lĩnh vực kinh tế khác phát triển…
Với doanh thu hàng năm lên trên 500.000 tỷ đồng, không thể phủ nhận PVN là một trong số “tập đoàn hàng đầu” tại Việt Nam. Chỉ trong 10 tháng đầu năm 2017, PVN đã hoàn thành kế hoạch nộp ngân sách cho Nhà nước với con số hơn 76.000 tỷ đồng, là một trong những yếu tố quan trọng để hỗ trợ cán cân ngân sách năm vừa qua. Và cũng chính bởi vai trò, tầm vóc như vậy, nên PVN từng có thời gian trực thuộc Chính phủ, lãnh đạo PVN gần như ngang hàng với các vị bộ trưởng, trước khi tập đoàn này được đưa về trực thuộc Bộ Công Thương.
Lãnh đạo, điều hành một doanh nghiệp khổng lồ, quản lý tới 60.000 con người trong bộ máy đó, quả thực là điều không hề dễ dàng, phải đối mặt với nhiều thách thức và đương nhiên là cả nhiều… cám dỗ!
Thế nên, khi được tuyển chọn, bổ nhiệm vào vị trí thuyền trưởng, lèo lái con tàu PVN, bản thân Chủ tịch PVN phải tự tin về mình. Bởi, không phải ai cũng có thể có đủ đức, đủ tài, đủ khả năng và tâm huyết để ngồi vào chiếc ghế Chủ tịch PVN.
Và cũng chính bởi vai trò, vị trí của PVN đầy quan trọng, nên chỉ cần sai lầm của một vài cá nhân có thể đẩy cả một tập thể lớn vào khó khăn và nền kinh tế phải trả giá đắt.
Tuy nhiên, nói cho cùng, làm lãnh đạo tập thể nào chẳng là thử thách! PVN rất lớn, nhưng đằng sau PVN là Chính phủ, là Nhà nước. Các lãnh đạo của PVN được sự hậu thuẫn lớn về chính sách, đó là điều mà những người đứng đầu tại các doanh nghiệp tư nhân không có được.
Năm 2017, khi kinh tế đã mạnh mẽ phục hồi thì cả nước vẫn có tới hơn 60.000 doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, hơn 12.000 doanh nghiệp phá sản hoàn toàn. Nói thế để thấy, trong cơ chế cạnh tranh của thị trường hiện nay, để có thể trụ vững và sống sót (chứ chưa nói là phát triển, phát triển mạnh mẽ) đã là cả một thách thức lớn lao. Trong khi đó, ít nhất, PVN vẫn đang là một doanh nghiệp độc quyền!
Khi nhiều cựu lãnh đạo PVN “xộ khám”, không ít người nói rằng, nếu cứ đầu tư sai lầm là bị bắt, là bị kỷ luật thì sợ quá! Song có lẽ nên hiểu thật rõ ràng: khi bắt tay vào “làm thật” thì ai cũng có thể gặp sai lầm, còn bất chấp quy định, bất chấp luật pháp… dẫn đến sai lầm lại là một câu chuyện khác!
Tôi tin rằng, pháp luật luôn công bằng, những lãnh đạo dám nghĩ dám làm, dám xông pha, dám thử sức sẽ luôn được vinh danh, ghi nhận, chứ không phải là “trả giá”. Nên nhớ, PVN đã và đang sản xuất - kinh doanh trên tài nguyên của quốc gia!
Chỉ có điều, một bàn tay không thể nào vỗ thành tiếng được. Cho nên, trong giai đoạn cũ, để xảy ra những sai phạm tại PVN, nên chăng cũng cần làm rõ trách nhiệm của Bộ Công Thương, của những người đã hậu thuẫn các lãnh đạo PVN để xảy ra vi phạm?
Và để kết thúc bài viết, xin chúc ông Trần Sỹ Thanh trên cương vị mới sẽ là một lãnh đạo doanh nghiệp có tâm, có tầm để đưa PVN phát triển hơn nữa, xứng đáng với những ưu ái, kỳ vọng mà đất nước dành cho tập đoàn này!
Bích Diệp