Những cái chết… “đúng qui trình”!

(Dân trí) - Nếu đằng nào dân cũng “chết đúng qui trình” thì lập ra ban nọ, bệ kia mỗi năm tiêu tốn cả đống tiền của dân để làm gì nhỉ? Hay là giải tán quách nó đi để cho dân “chết đúng qui trình” vì đằng nào chả thế, chết là hết, cần gì đúng qui trình hay không đúng qui trình?


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

“Đúng qui trình” đang là cụm từ “hot”. Vào trang tìm kiếm Google lúc 14g30 ngày 14/4/2016 cho 03 từ này, thấy 353.000 kết quả trong 0,47 giây với đủ các nội dung.

Từ việc bổ nhiệm cán bộ sia qui định, cấp sổ đỏ hay cho phép xây nhà trái phép, cấp cứu người bệnh cho đến tăng giá các mặt hàng thuộc nhóm độc quyền… Tất tần tật đều rất “đúng qui trình”.

Trên tờ Vn Economy, ông Nguyễn Sĩ Cương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã từng chua chát thốt lên: “Thật lạ lùng là cái gì cũng đúng quy trình! Tiêm chết người rồi vẫn khẳng định là... đúng quy trình, bỏ tù oan đến cả 10 năm vẫn... đúng quy trình, bỏ lọt 230 kg ma túy qua cửa khẩu vẫn... đúng quy trình. Tôi cho rằng đấy chỉ là sự biện hộ và rũ bỏ trách nhiệm một cách vô cảm”.

Thế nhưng Tại Hội nghị Thành ủy Đà Nẵng lần thứ 4 ngày 13/4, ông Lê Minh Trung, Bí thư Quận ủy Thanh Khê còn có một khái niệm mới về “qui trình”: “Chết dần dần đúng… qui trình”.

Ông Trung nói: "Thành phố có hàng trăm héc-ta rau sạch, rau sạch này bán ở đâu, địa chỉ nào, chỉ cho dân đến mua. Không biết rau sạch hay là dơ thì cứ ăn, ăn xong rồi chết dần dần, gọi là "chết đúng qui trình".

Thật ra, chuyện thực phẩm bẩn của ta thì chả có gì mới. Nghĩa là nó cũ một cách nguy hiểm hay nói một cách khác, một mối nguy hiểm rất… cũ.

Rau tưới bằng dầu hỏa, trồng ở bãi tha ma vừa chôn người chết, rửa ở rãnh nước thải. Gạo chứa thuốc trừ sâu, diệt cỏ. Tôm cá đồng nhiều dư lượng kháng sinh, hải sản ướp phân bón ure. Thịt lợn chứa chất tạo nạc và thuốc an thần. Thịt bò bơm nước. Thịt gà bôi phẩm màu hóa chất dùng để đánh bóng bàn ghế… là chuyện thường ngày.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa kể: “Hồi ở Đài Tiếng nói Việt Nam, một phóng viên của tôi đi công tác Hà Tĩnh về, có tặng tôi hai quả bưởi. Bưởi đặc sản, quý lắm. Tôi cất trong tủ. Đợi có khách quý thì khao. Thế rồi quên. Mấy quả bưởi lăn lóc trong đống báo đã đọc. Khi được tặng bưởi, tôi đang là Giám đốc Kênh Truyền hình. Rồi sau đó, tôi chuyển sang làm Phó Bí thư Đảng uỷ. Bốn năm sau, tôi có lệnh điều động chuyển hẳn sang Hội Nhà văn. Lúc bấy giờ, tôi mới chuyển cơ quan, nghĩa là sau khoảng 6 năm, dọn tủ, tôi bất ngờ thấy hai quả bưởi mà mình đã bỏ quên. Càng bất ngờ hơn khi sau 6 năm, bưởi vẫn tươi nguyên, và lúc bổ ra, múi bưởi vẫn đẹp, vẫn tươi mọng. Thật kinh hoàng”.

Chuyện “trường tồn” của thực phẩm ở ta thì kinh hoàng rồi. Có người hài hước nói rằng rồi đây Việt Nam sẽ có nhiều… xác ướp nhất thế giới. Lý do là bởi khi còn sống, ăn nhiều chất phocmol nên khi chết, thịt sẽ “tươi” mãi mãi…

Có một câu hỏi cũng “tươi mãi”: Ai chịu trách nhiệm?

Câu trả lời nhìn chung là giống nhau và cũ: Không ai cả!

Thế nhưng lần này, có một câu mới, mới như.. cũ. Đó là của bà PGS TS Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia LÊ THỊ HỒNG HẢO: “Đầu tiên là trách nhiệm của người sử dụng”.

Lại nhớ có lần ông Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng than thở: “Các bộ nói phối hợp rất tốt, nhưng thực tế dân vẫn cứ ăn thực phẩm bẩn, thế thì tốt ở đâu, tốt để làm gì, chẳng nhẽ nói dân cứ tạm ăn bẩn đi để các bộ xây dựng lộ trình?”.

Các bộ “phối hợp rất tốt” nhưng dân thì vẫn phải “ăn bẩn”, thế thì “tốt ở đâu” và “tốt để làm gì”? Rồi giờ đây trách nhiệm “đúng qui trình” là “của người sử dụng”.

Mà quan đúng qui trình thì dân chết cũng… đúng qui trình là phải lẽ tự nhiên thôi. Cái “qui trình chết” này của dân bắt đầu từ ăn phải thực phẩm bẩn, rồi nhiễm bệnh, rồi ốm, rồi chết. Rất đúng qui trình vì chả mấy ai chưa ốm đã chết trừ tai nạn gì đó thì không tính ở đây.

Chỉ có điều, nếu đằng nào dân cũng “chết đúng qui trình” thì lập ra ban nọ, bệ kia mỗi năm tiêu tốn cả đống tiền của dân để làm gì nhỉ? Hay là giải tán quách nó đi để cho dân “chết đúng qui trình” vì đằng nào chả thế, chết là hết, cần gì đúng qui trình hay không đúng qui trình?

Vì thế tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Xuân Anh cho biết, thành phố sẽ lập lại Ban chỉ đạo an toàn vệ sinh thực phẩm mà thành viên Ban chỉ đạo phải là cấp trưởng ở các sở ngành, quận huyện và giám đốc các Sở Y tế, Công thương, Công an… cùng chủ tịch các quận, huyện.

Ban sẽ do một Phó Chủ tịch UBND TP làm trưởng ban, có cơ chế báo cáo trực tiếp với Thường trực Thành ủy và đề xuất các giải pháp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đây là nét rất mới bởi chao ôi, người xưa có câu “Sinh có hạn, tử bất kỳ” nhưng giờ đây nếu mà chết cũng có… qui trình thì còn có gì để nói, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám