Kinh hoàng đất nước thời… loạn nhậu!

(Dân trí) - Khó có thể nói khác về những gì đã xảy ra ở đất nước Việt Nam chúng ta những ngày qua ngoài hai từ: Kinh hoàng!.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Theo báo Thể thao & Văn hóa, chỉ trong 3 ngày tết, đã có hơn 17 ngàn ca tai nạn giao thông (tăng 113% so với năm 2015) với gần 90 ca tử vong, hơn 1.900 ca chấn thương sọ não.

Không chỉ có thế, cũng trong 3 ngày tết, cả nước còn xảy ra gần 2.000 vụ đánh nhau, 4 người tử vong. Tất nhiên, đây là những con số chưa đầy đủ.

Trước tình hình trên, Bộ trưởng Bộ Công an vừa yêu cầu công an các địa phương phải tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, nhất là các trường hợp xe vận chuyển quá số người quy định, chạy quá tốc độ, người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia…

Song, đây là những con số kinh hoàng!

Kinh hoàng bởi bình quân gần 6.000 vụ tai nạn giao thông/ngày, tức là 250 vụ/giờ và cũng có nghĩa là hơn 4 vụ/phút.

Kinh hoàng bởi năm nào cũng vậy, cứ vào dịp tết là tai nạn giao thông lại tăng và dù đã có rất nhiều nỗ lực nhưng gần như cái tỉ lệ này cứ “năm nay cao hơn năm ngoái”.

Kinh hoàng còn bởi mỗi ngày, có tới gần 700 vụ đánh nhau.

Vì sao vậy?

Tất nhiên có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn và ẩu đả nhưng không thể không nói đến một nguyên nhân chính, nguyên nhân cơ bản: Rượu!

Ở một đất nước mà mỗi năm tiêu thụ khoảng 3,4 tỉ lít bia, 70 triệu lít rượu, đặc biệt vào dịp tết, lượng tiêu thụ tăng gấp nhiều lần ngày thường thì tai nạn giao thông và cãi cọ, đánh nhau tăng cao là điều tất yếu.

Người xưa đã chia việc uống rượu đại loại ra làm ba loại: Tiên tửu, ngộ tửu và cuồng tửu.

Tiên tửu (ý nói uống rượu đẹp như tiên), uống để hưng phấn sáng tạo hơn, để cao đẹp hơn, để nhân ái hơn.

Còn ngộ tửu, uống rồi mất cảm giác (có người gọi là trư tửu) và cuối cùng là cuồng tửu, tức là gây sự, la hét, đánh cãi chửi nhau.

Cũng không thể giải thích tại sao bây giờ, hiện tượng người đối với người nhiều khi “tệ bạc” và cả độc ác đến thế.

Người ta sẵn sàng gây gổ với nhau chỉ vì một lẽ vô cớ.

Mới đây, người viết bài này đã chứng kiến một cuộc suýt dẫn đến “thượng cảng chân, hạ cẳng tay” vì một vụ va chạm nhỏ.

Ngày tết, đường Hà Nội chật như nêm. Hai người đàn ông cùng đèo hai người phụ nữ (chắc là vợ) va chạm nhẹ vào nhau.

Thế là họ để cả hai người phụ nữ ngã chỏng chơ cùng hai chiếc xe đang nổ máy, lao vào nhau gây lộn.

Bây giờ, những chuyện như thế hoặc tương tự như thế không hiếm.

Không chỉ trộm cướp, cờ bạc… mà ngay cả những vụ va chạm nhẹ cũng dẫn đến ẩu đả.

Án mạng có thể xảy ra vì mọi lẽ, từ một câu nói, một cái “nhìn đểu” hay chỉ vì không được phát một suất cơm từ thiện…

Trở lại với tai nạn giao thông và những vụ đánh nhau, sâu xa hơn, đó là văn hóa.

Một người có văn hóa không bao giờ uống rượu đến mức không kiểm soát được hành động của mình.

Về sự xuống cấp của văn hóa, có lẽ xin mượn lời của ĐB Dương Trung Quốc: “suy thoái văn hóa chạm ngưỡng, đẩy dân tộc này đến những hiểm họa khôn lường”.

Suy thoái kinh tế có thể vực dậy được trong một thời gian ngắn, còn suy thoái văn hóa thì nếu có vực dậy được cũng phải mất rất nhiều năm, thậm chí nhiều chục năm.

Chỉ trong 3 ngày tết, 17 ngàn vụ tai nạn giao thông và gần 2 ngàn vụ đánh nhau, đất nước như đang ở vào thời… tang tóc với “những hiểm họa khôn lường”!

Bùi Hoàng Tám