Dân chủ đâu phải là mạt sát, ném đá người có suy nghĩ khác mình!
(Dân trí) - Một ai đó đã từng nói đại để “tôi không thể đồng ý với anh, nhưng dù chết vẫn bảo vệ quyền được nghĩ khác của anh”. Dân chủ là tôn trọng quyền nghĩ khác của nhau, tôi tôn trọng anh, anh tôn trọng tôi chứ dân chủ đâu phải là ném đá, mặt sát, lăng nhục người có ý kiến khác mình!
Cuộc tranh luận bùng nổ dữ dội về ý tưởng cải tiến chữ quốc ngữ trên nhiều trang báo những ngày qua đang có những chuyển biến theo hướng tích cực.
Nếu như ban đầu, hầu hết các ý kiến đều chê bai, dè bửu, thậm chí mạt sát, ném đá tác giả thì giờ đây, đã xuất hiện sự điềm tĩnh với nhiều ý kiến của các nhà khoa học, nhà chuyên môn. Không ít người bênh vực ý tưởng của vị Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngôn ngữ 83 tuổi này.
Người viết bài này xin không bàn về chuyện đúng – sai của việc cải tiến bởi đây là lĩnh vực chuyên môn, rất khó và cũng không thể bày tỏ qua một bài báo.
Song, tôi thật sự thấy ngạc nhiên vì không nghĩ việc này lại “dậy sóng” với nhiều ngôn từ “đao to, búa lớn” đến thế dù biết rằng việc phản ứng đối với cái mới, cái lạ là chuyện không lạ, đã nhiều lần xảy ra trong lịch sử. Khi chữ Quốc ngữ mới ra đời cũng đã từng gặp sự phản ứng dữ dội qua “cuộc chiến”: “Bút lông tông… bút sắt”.
Mặt khác, ý tưởng cải tiến chữ Quốc ngữ của PGS Bùi Hiển không mới. Cách đây gần một thế kỉ (khoảng năm 1927 – 1928), học giả Nguyễn Văn Vĩnh đã đưa ra đề xuất này. Tiếp theo đó, học giả Trần Trọng Kim và ông Nhà văn Nguyễn Ngu Í những năm 1950 cũng đã từng xuất bản sách của mình với cách viết của riêng ông Í.
Có thể sau này, hậu thế sẽ vẫn còn đặt ra vấn đề cải tiến bởi ngôn ngữ là sinh ngữ nên cũng không thoát khỏi “sinh – tử”. Thực tế, nó vẫn đang sinh ra và mất đi theo thời gian. Đặc biệt là với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, nhiều từ mới đã và sẽ sinh ra cùng nhiều từ cũ đang và sẽ mất đi.
Vả lại, Galile đã từng lên giàn thiêu. Không ít ý tưởng đã từng bị coi là điên rồ bị vứt vào sọt rác và cũng không ít ý tưởng từng bị coi là điên rồ đã làm thay đổi diện mạo thế giới.
Cho nên, người viết bài này chỉ muốn đề cập đến vấn đề khác, đó là cách hành xử văn hóa, khoa học và trên tinh thần dân chủ. Có lẽ cũng nên có một quan niệm rằng cần nâng niu, trân trọng những cái mới lạ, cái độc đáo, nhất là trong lĩnh vực khoa học và nghệ thuật. Hãy xác định rằng những cái hôm nay hoàn toàn có thể là cái lỗi thời, cái sai lầm, cái ấu trĩ của ngày mai.
Thế nên với PGS Bùi Hiển, người viết bài này trân trọng ông ở hai điều. Thứ nhất, ở tuổi 83 chắc ông không còn nhiều ham hố, không còn thói háo danh vô bổ. Thế nhưng tuổi cao, sức yếu, ông vẫn miệt mài nghiên cứu suốt 20 năm qua với một mong muốn làm cho tiếng Việt giản tiện hơn, chính xác hơn, khoa học hơn và tiết kiệm hơn. Trong khi không ít người, khi mới về hưu thôi đã có tư tưởng “buông xuôi”.
Thứ hai, ông tin ở mình và cho rằng việc cải tiến chữ viết là có cơ sở khoa học, có mục tiêu rõ ràng chứ không viển vông, làm kiểu cao hứng.
Thứ ba, một điều vô cùng quan trọng, nhất là trong thời buổi mà không ít người nhân danh khoa học để “bày vẽ” ra những công trình “giời ơi, đất hỡi” chỉ với một mục đích là moi tiền ngân sách (tiền thuế của dân) thì ông đã tự bỏ tiền túi của mình.
Một nhà khoa học tuổi cao, dành hết tâm huyết 20 năm trời, không vì danh cũng không vì lợi mà chỉ vì tâm huyết với nghề, muốn đóng góp cho đất nước là rất đáng kính trọng. Vì thế, hãy phản biện ông trên tinh thần khoa học và tôn trọng một người cao tuổi như đạo lý người Việt. Xin hãy lắng nghe lời ông tâm sự:
"Thực sự, tôi rất bất ngờ khi bị "ném đá" như vậy. Trước đây, nếu đồng ý hay không thì mọi người đều tranh luận trên cơ sở khoa học, chứ không ai phản ứng thái quá, mạt sát nhà khoa học như vậy… Dù có bị ném đá, chửi bới tôi sẽ không lùi bước, không bỏ cuộc. Năm nay tôi đã 83 tuổi, nếu sức khỏe cho phép, tôi sẽ trình bày phần còn lại của ý tưởng cải tiến chữ quốc ngữ tại Hội nghị ngôn ngữ học vào tháng 3.2018.
Nhưng tôi mong dư luận hãy coi trình bày của tôi chỉ là ý kiến cá nhân để tham khảo giữa các nhà khoa học với nhau, chứ chưa phải là một công bố chính thức. Nếu đề án khả thi, giới khoa học sẽ tự đề xuất với cơ quan chức năng, để lắng nghe góp ý của mọi người”.
Còn Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, PGS.TS. Phạm Văn Tình bày tỏ: “Ông Bùi Hiền có luận cứ riêng của ông, chúng ta nên ghi nhận tinh thần, thái độ của ông đối với tiếng Việt. Đó là một nhà giáo, nhà khoa học nghiêm túc, tâm huyết”.
Một ai đó đã từng nói đại để “tôi không thể đồng ý với anh, nhưng dù chết vẫn bảo vệ quyền được nghĩ khác của anh”. Dân chủ là tôn trọng quyền nghĩ khác của nhau, tôi tôn trọng anh, anh tôn trọng tôi chứ dân chủ đâu phải là ném đá, mặt sát, lăng nhục người có ý kiến khác mình!
Bùi Hoàng Tám