Chuyện bà hiệu trưởng và chiếc taxi “đi vòng”
(Dân trí) - Sự việc đáng tiếc về tai nạn khiến cháu Trần Chí Kiên, học sinh lớp 2A4, trường Tiểu học Nam Trung Yên bị gãy chân đã xảy ra từ đầu tháng 12 năm ngoái. Cho đến nay, hơn hai tháng rưỡi trôi qua, sự thật về nguyên nhân gây ra tai nạn vẫn trong trạng thái giằng co, chờ cơ quan chức năng đưa ra phán xét cuối cùng.
Tai nạn của cháu Kiên xảy ra trong trường học, giữa thanh thiên bạch nhật và vào giờ ra chơi, không thể nói không có ai chứng kiến. Thế nhưng, vấn đề trở nên phức tạp khi “mắt xích” vụ tai nạn lại chính là cô hiệu trưởng – người có quyền lực cao nhất trong trường.
Nếu như ban đầu, cháu bé và gia đình khẳng định cháu va vào một chiếc ô tô màu xanh nước biển trong sân trường thì phía nhà trường lại khăng khăng cháu chạy chơi trong sân và tự ngã. Thậm chí, cô Hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc còn cho biết, trường đã lấy phiếu khảo sát của các cá nhân và học sinh liên quan, 100% đều cho biết không nhìn thấy cháu Kiên va chạm với ôtô nào trong sân trường. Và rằng, trường chỉ có 3 ô tô, không có xe nào màu xanh nước biển.
Việc lấy ý kiến số đông và được số đông làm chứng có lẽ là “tấm khiên” vững chãi nhất cho vị lãnh đạo nhà trường thời điểm bấy giờ.
Cho đến khi gia đình không chấp nhận phản hồi của nhà trường và phát đơn kiến nghị gửi cơ quan chức năng, đề nghị làm rõ sự việc thì phải tới hơn một tháng sau đó, cô Hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc mới “chợt nhớ ra” hôm đó, cô có bắt taxi đi từ bệnh viện về trường. Lúc này, cô Ngọc vẫn úp mở rằng, trong quá trình xe di chuyển vào trường không va chạm với bất cứ học sinh nào, nhưng khi taxi quay trở ra có va chạm với học sinh nào thì cô không được biết.
Sự việc đẩy lên cao trào bà Mạnh Thị Hoa, vợ của ông Trần Quốc Tuấn - lái xe chở cô Ngọc và người đi cùng là cô Hương (Hiệu phó) vào trường, thừa nhận với cơ quan công an là có va phải cháu Kiên. Vợ ông Tuấn còn nói thêm rằng, sau khi sự cố xảy ra thì cô Hiệu trưởng đã đi thẳng vào bên trong còn cô Hương ở lại với cháu bé, nói với tài xế cháu không việc gì.
Gần đây, một số giáo viên cũng đã lên tiếng trên báo chí về những tình tiết thêu dệt của bà hiệu trưởng, trong đó, khẳng định cuộc khảo sát không phải xuất phát từ đề xuất của gia đình cháu Kiên như cô Hiệu trưởng nói, mà do chính lãnh đạo nhà trường yêu cầu thực hiện… Những lời dối trá dần lộ ra.
Kể cả khi cơ quan công an chưa đưa ra kết luận cuối cùng, thì với tất cả tình tiết của vụ việc được đưa lên mặt báo, người ta có thể dễ dàng nhận thấy một sự vòng vo, không trung thực ngay từ đầu của bà Hiệu trưởng.
Thậm chí, tôi đã tự hỏi rằng, là một người lớn – chứ chưa nói là với tư cách một Hiệu trưởng, vì sao bà Ngọc lại có thể hành xử như vậy, kể cả trong trường hợp chiếc taxi chở bà có không may gây tai nạn cho học sinh đi chăng nữa? Nói như Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, ông Đoàn Duy Khương thì vụ việc không đến mức quá phức tạp, “nếu có tai nạn thì thăm hỏi đền bù, nhưng cô hiệu trưởng đã có những thủ đoạn để che giấu”.
Thật đáng ghê sợ khi một lãnh đạo nhà trường dẫu biết mình sai nhưng vẫn không chịu nhìn nhận sai trái mà vẫn cố tình dùng quyền lực, địa vị để gây sức ép cho những giáo viên khác, những học sinh trong trường phải dối trá theo nhằm “đổi trắng thay đen”, đẩy hết bất hạnh về phía một bé trai 7-8 tuổi. Và cũng đáng buồn thay khi những người thầy người cô khác – những người nhẽ ra luôn phải đề cao đạo đức và lòng trung thực, cùng những đứa trẻ còn non nớt chưa bao giờ nếm trải phức tạp của cuộc đời, nhưng đã bị sức ép của quyền lực làm lung lay lòng tin, không những chỉ biết im lặng mà còn bất đắc dĩ nói dối về vụ việc xảy ra.
Chỉ đạo đình chỉ chức vụ Hiệu trưởng với cô Tạ Thị Bích Ngọc, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã cho rằng, để xảy ra tai nạn phải đưa học sinh đi cấp cứu, mời gia đình lên nói chuyện, nhưng hiệu trưởng lại bưng bít.
“Chuyện rất nhỏ nhưng Phó thủ tướng Vũ Đức Đam 3 lần trực tiếp nhắc tôi. Không nên để hiệu trưởng tư cách đạo đức, hành xử không ổn trong môi trường sư phạm, Sở Giáo dục & Đào tạo phải rút về Phòng GD&ĐT, thay cô khác trong lúc chờ xác minh”, ông Chung kể.
Chuyện rất nhỏ, thế nhưng vẫn phải chờ Phó Thủ tướng lên tiếng và Chủ tịch thành phố chỉ đạo. Chuyện rất nhỏ, nhưng xảy ra trong môi trường sư phạm và xảy ra với một người đứng đầu trường tiểu học, nơi đang nuôi dưỡng những mầm non, mới thấy rằng, sự xuống cấp về đạo đức đã trở nên báo động.
Trường học, hơn bất cứ nơi nào khác, phải là mảnh đất trong lành nhất để gieo lên những hạt mầm đạo đức cho xã hội. Bởi, hơn tất cả những kiến thức ở đời, trước khi thành những nhân tài, trẻ em phải được giáo dục về nhân cách để làm một người tốt, biết bảo vệ cái đúng, chống lại cái sai, không bao giờ luồn cúi trước quyền lực, địa vị.
Bích Diệp