Cành sâu thì chặt bỏ, có gì đâu mà không thể công khai?

(Dân trí) - “Đừng sợ làm sẽ mất uy tín, sợ khuyết điểm là không tiến bộ được, mà làm để lấy lại uy tín và đã như thế thì phải công khai”. Đây là phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tại cuộc họp ngày 27/4/2018 vừa qua.

Cành sâu thì chặt bỏ, có gì đâu mà không thể công khai? - 1

Chỉ đạo này được Tổng Bí thư đưa ra giữa bối cảnh rất nhiều cán bộ lãnh đạo là đảng viên, giữ vai trò quan trọng trong các tổ chức, đơn vị đang bị điều tra và đưa ra xét xử.

Chỉ trong vòng vài năm trở lại đây, người dân đã chứng kiến hàng loạt vụ án chấn động xảy ra trong lĩnh vực dầu khí (tại PVN, PVC), lĩnh vực ngân hàng (tại Ocean Bank, VNCB), thậm chí cả lực lượng vũ trang (công an, quân đội) cũng đã bắt đầu công khai xử lý không ít tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật.

Điều đáng nói là tại các vụ án này có những nhân vật “cộm cán”, là cán bộ đương chức, nắm quyền hành lớn, đúng như Tổng Bí thư từng tuyên bố: “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng cháy”. Nói cách khác, chống tham nhũng, tiêu cực không có vùng cấm, không có ngoại trừ và cũng không có chuyện “giơ cao đánh khẽ”. Mọi đối tượng, hành vi phạm pháp đều phải bị trả giá trước pháp luật.

Tuy vậy, việc đưa củi vào lò rõ ràng là câu chuyện không phải dễ dàng. Mà rào cản trước hết cần phải phá bỏ là tư tưởng e ngại, lo sợ bị suy diễn, xuyên tạc khi “cởi áo cho người xem lưng”, cho rằng, nếu phanh phui thì uy tín của ngành, của tổ chức bị ảnh hưởng.

Sự e ngại này có thể sẽ dẫn đến tâm lý bao che, dung túng cho sai phạm, mà cái giá phải trả càng ngày càng đắt, lòng tin của người dân càng ngày càng mai một. Bất cứ sự bất minh nào cũng đều là môi trường cho lòng tham và cái xấu tồn tại, bành trướng.

Ngay cả khi sai phạm bị phát hiện, nếu việc xử lý không công khai mà theo xu hướng “đóng cửa bảo nhau” như người nhà thì việc chống tiêu cực, tham nhũng cũng không thể nào đạt được mục đích răn đe như mong muốn.

Gần 70 năm trước, từng có một Đại tá trong quân đội là Trần Dụ Châu – nguyên Cục trưởng Cục Quân nhu bị tước quân hàm và bị Toà án binh tối cao xử tử hình về tội “Biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, phá hoại công cuộc kháng chiến”. Vào thời điểm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh nếu quan điểm rất dứt khoát: “Một cái ung nhọt, dẫu có đau cũng phải cắt bỏ, không để nó lây lan, nguy hiểm”.

Đến năm 1964, thêm một cán bộ cấp cao là Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Trương Việt Hùng bị tử hình vì phạm pháp. Bác Hồ chỉ đạo: “Thà chặt một cành sâu để cho cây xanh tốt”.

Tuy nhiên, những vụ việc đó rõ ràng đã tạo nên những hồi chuông cảnh tỉnh cho hàng triệu người và uy tín của Đảng không vì thế mà sụt giảm trong lòng nhân dân. Ngược lại, việc tuyên chiến với tiêu cực và tham nhũng gắn liền với hành động, gắn liền với công khai, minh bạch thì mới lấy lại được uy tín, niềm tin vào Đảng trong lòng dân chúng.

Làm những điều đúng, bảo vệ cho chính nghĩa và công lý là việc làm đàng hoàng, cớ sao mà phải che đậy?

Bích Diệp