“Biệt phủ” nhà Trịnh Xuân Thanh và những “khoảng tối” công khai tài sản

(Dân trí) - Một lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước thua lỗ với căn biệt phủ triệu đô ngự trên Tam Đảo. Một cán bộ sở lái “xế sang”, ở nhà biệt thự. Một Thứ trưởng có hàng trăm tỷ đồng trong cổ phiếu… Vấn đề đặt ra không phải quy trình, mà dư luận luôn canh cánh mối băn khoăn: “Lương quan chức, cán bộ Nhà nước đâu có nhiều, tiền đâu sắm tài sản khủng?

”.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Ngày 5/4, phóng viên Dân trí tiếp tục cung cấp thêm những thông tin mới quanh vụ mua bán bất thường ngôi “biệt phủ” trên đỉnh núi Tam Đảo mà Trịnh Xuân Thanh có liên quan – một tòa biệt thự nổi tiếng, đến nỗi ở Tam Đảo không ai không biết tới với tên gọi “tòa nhà dầu khí”.

Ở đây, người viết không muốn đi sâu vào những uẩn khúc phía sau thương vụ mua bán khu biệt thự này. Chỉ thấy rằng, với một quan chức Nhà nước, khối tài sản này quả thực là… kỳ vĩ!

Theo mô tả, khu đất (có tổng diện tích lên tới 3.400 m2, do Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng) và toàn bộ khối nhà biệt thự 3 tầng bao gồm cả bể bơi, phòng chiếu phim... được một số người am hiểu về thị trường nhà đất ở khu du lịch Tam Đảo đánh giá có giá trị không dưới 50 tỷ đồng. Trong một số thời điểm, đã có người giấu tên, rao bán căn biệt thự trên với giá 52 tỷ đồng.

Tuy không phải là thông tin chính thức, nhưng theo lời một cán bộ của Bộ Công Thương từng đến biệt thự này thì Trịnh Xuân Thanh luôn khẳng định, thực tế đây là biệt thự của chính mình và Công ty Mai Phương chỉ để đứng tên chủ sở hữu.

“Ông Thanh thường xuyên ở đây nghỉ vào cuối tuần, khi lên chơi golf ở sân golf Tam Đảo thường mời bạn bè, quan chức mà ông Thanh quen biết về biệt phủ đãi tiệc và khoe toà biệt thự này có giá trị trên 100 tỷ đồng cả tiền đất và tiền đầu tư xây dựng”.

Nếu quả như lời vị cán bộ Bộ Công Thương nói là đúng, thì đời sống Trịnh Xuân Thanh thời còn đương chức, đương quyền rất đáng để vạn người mơ ước. Chi cả trăm tỷ đồng xây biệt thự, cuối tuần nhàn nhã với thú ăn chơi đầy chất thượng lưu. Trong khi “di sản” mà ông ta để lại trên chặng đường “thăng quan tiến chức” đầy kỳ ảo của mình là những gì?

Cùng với dàn lãnh đạo PVC, Trịnh Xuân Thanh đã “góp công” chính để biến một công ty hùng mạnh trong lĩnh vực xây lắp dầu khí trở thành một doanh nghiệp bết bát, lỗ lũy kế hơn 3.200 tỷ đồng. Hàng loạt công ty con của PVC cũng phần nào “nhờ tài năng lãnh đạo” của ông Thanh mà nợ nần chồng chất, rồi lâm vào tình cảnh phá sản.

Điển hình như PVC-ME, một công ty con của PVC dưới thời Trịnh Xuân Thanh còn làm Chủ tịch, đến giữa năm 2012 (trước thời điểm ông Thanh “hạ cánh an toàn” về Bộ Công Thương) đã bộc lộ tình hình tài chính mất cân đối vốn nghiêm trọng, có nguy cơ phá sản vì hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp, nhiều công trình thi công thua lỗ dẫn đến mất cân đối vốn.

Thế nhưng, giai thoại để đời về công ty này mà người ta còn nhớ được đó là vụ lập “quỹ đen trăm tỷ” để sử dụng vào việc tiếp khách, biếu xén. Nhiều khoản chi tiêu như “chi 550 triệu sinh nhật bố sếp Thanh” hay “350 triệu bộ đánh golf cho sếp” khiến cộng đồng không khỏi bức xúc trong một thời gian dài.

Thật khó hiểu! Ở chỗ, những chuyện “động trời” như thế, cả một căn biệt thự lớn dường đó ngự trên đỉnh Tam Đảo, bản thân Trịnh Xuân Thanh cũng đã “vỗ ngực” tự xưng là của mình… thế nhưng phải nhiều năm sau, dân mới biết tới và cơ quan điều tra mới vào cuộc.

Ấy thế mà, chuyện nhà Trịnh Xuân Thanh “gây sốc” như thế song cũng không phải hiếm gặp, có thể khác về sự biểu hiện nhưng ở góc độ này, góc độ khác đã hé lộ về những khoảng tối không hề nhỏ trong vấn đề công khai tài sản quan chức.

Cuối năm 2013, báo chí ồn ào khi khối tài sản “khủng” với nhiều biệt thự, lô đất của ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ bị “khui” ra. Thế rồi gần đây, dư luận lại thêm một phen xôn xao với quá trình thăng tiến thần tốc của bà Trần Vũ Quỳnh Anh - nguyên Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng Thanh Hoá) cùng khối tài sản “lộ thiên” hàng chục tỷ đồng bao gồm các bất động sản và xe hơi hạng sang của bà này... Hay như mới đây, có vị Thứ trưởng sở hữu hàng trăm tỷ đồng cổ phiếu.

Vấn đề đặt ra không phải quy trình, mà dư luận luôn canh cánh một mối băn khoăn: “Lương quan chức, cán bộ Nhà nước đâu có nhiều, tiền đâu mà sắm tài sản khủng?”

Rõ ràng, không phải chúng ta không có luật. Năm nào các cơ quan cũng yêu cầu thực hiện thống kê, tổng kết, yêu cầu tất cả các cán bộ, công chức phải kê khai tài sản; bên cạnh đó, việc tố cáo, chống tham nhũng cũng thường xuyên được khuyến khích, động viên.

Kết quả là, cứ 12.000 người thực hiện kê khai chỉ có 6 người được xác minh tài sản thu nhập. Hay, 10 năm xác minh được gần 4.900 trường hợp có dấu hiệu bất minh trong kê khai tài sản nhưng lại chỉ phát hiện, xử lý kỷ luật 17 người kê khai tài sản không trung thực. Từ năm 2006-2015 chỉ có 10 trường hợp vi phạm được phát hiện và xử lý.

Những con số được Thanh tra Chính phủ tổng kết lại, thật không biết nên vui hay buồn! Nên vui vì sự trong sạch của quan chức ở ta hay nên buồn về sự lúng túng, bất lực của pháp luật trong công tác chống tham nhũng?

Dân gian có câu “con voi chui lọt lỗ kim”. Cuộc đời nhiều sự lạ, có những thứ nhãn tiền mà như không nhìn thấy, có những chuyện cá biệt tưởng như bất thường, mà nói nhiều quá lại hóa ra bình thường. Chỉ mong riêng chuyện chống tham nhũng, đừng bao giờ để cái “cá biệt” thành “phổ biến”, “bất thường” lại trở nên “bình thường” trong xã hội.

Bích Diệp