Bát bún “oan nghiệt”, hành vi “táng tận” & năm “Kỉ cương hành chính”!

(Dân trí) - Dù nhiều ngày đã qua, dư luận vẫn chưa nguôi phẫn nộ trước hành vi vô cảm đến táng tận của một số cán bộ xung quanh vụ việc 6 lần đi xin giấy chứng tử của gia đình chị Vũ Thanh Hoa tại UBND Phường Văn Miếu, Hà Nội.

Bát bún “oan nghiệt”, hành vi “táng tận” & năm “Kỉ cương hành chính”! - 1

Hiện, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu làm rõ, có biện pháp xử lý nghiêm nếu vi phạm. Những cán bộ liên quan, trong đó có cả bà Phó Chủ tịch UBND phường này bị tạm thời đình chỉ để phục vụ cho công tác điều tra.

Tại Hội nghị giao ban trực tuyến giữa lãnh đạo UBND TP Hà Nội với UBND các quận huyện và các sở ngành ngày 28/7, ông Chung nói: “Tới đây khi kết luận xong như nào các đồng chí phải xử lý nghiêm minh vụ việc này. Tất cả các đơn vị của thành phố phải lấy đây là bài học để rút kinh nghiệm”.

Đây được coi là hành động nhanh, quyết liệt của lãnh đạo Hà Nội.

Tuy nhiên, dù sự việc đã trôi qua nhiều ngày, dư luận vẫn không khỏi bức xúc đến phẫn nộ và nó có lý do của nó.

Không phẫn nộ sao được nếu như đặt vào địa vị khi người thân nằm xuống, tang gia bối rối đủ điều, đáng lẽ với tình làng, nghĩa xóm, đặc biệt là trên tinh thần phục vụ chính bà con nơi mình đảm nhiệm, cán bộ phường không chỉ có trách nhiệm giúp đỡ mà còn phải có hành động thể hiện tinh thần sẻ chia mất mát, thương cảm. Trong khi đó thì trái lại, còn có hành vi vô cảm đến nhẫn tâm, chưa nói là động cơ vòi vĩnh, nếu có.

Không phẫn nộ sao được nếu bất cứ ai ở vào hoàn cảnh khi người thân yêu nhất của mình đến chết vẫn chưa được yên thân.

Không phẫn nộ sao được khi sự đau thương đó tiếp tục phải kéo dài thêm một ngày trong khi theo phong tục, sự mai táng phải hợp tuổi, đúng giờ.

Không phẫn nộ sao được khi kéo dài thêm một ngày là nảy nở biết bao phiền phức, nhất là khi lịch tang lễ đã được thông báo.

Không phẫn nộ sao được bởi phong tục của người Việt từ ngàn xưa “Nghĩa tử là nghĩa tận”…

Rồi đây, sự việc chắc chắn sẽ được làm rõ, chỉ mong rằng sự nhẫn tâm đó không có nguồn gốc “bôi trơn” 200 ngàn đồng như lời người dân tố cáo bởi đó là điều xót xa khủng khiếp.

Cách đây gần 80 năm (1938), trong truyện ngắn “Thịt người chết”, Nhà văn Nguyễn Công Hoan đã kể về một người bị chết đuối đúng vào ngày thứ 7 nên phải đợi đến ngày thứ hai, quan trên mới về xem xét, cho chôn. Trong cái nắng gay gắt của mùa hè, cái xác trương phềnh và bốc mùi nồng nặc…

Càng đau xót hơn, buổi chiều thứ 2, sau một hồi mặc cả, gia chủ đã phải “bôi trơn” với giá 70 đồng để được đem chôn.

Đọc câu chuyện trên từ gần 50 năm trước, người viết bài này vẫn không khỏi ghê sợ và càng ghê sợ hơn, nếu 80 năm sau, nó lại tái diễn. Văn chương có thể là hư cấu, còn chuyện này thì không, nó là hiện thực.

Trở lại vụ việc xảy ra ở phường Văn Miếu, điều đáng tiếc là khi đến xin lỗi gia đình, bà Phó chủ tịch Nguyễn Thị Thúy Hà đã “quá vô cảm", "không thắp cho bố tôi nén nhang" như lời gia đình chị Vũ Thanh Hoa kể lại. còn trên báo chí, bà Chủ tịch UBND phường thì trả lời theo… qui trình!

Và "đáng tiếc" nữa, là cái camera đúng ngày hôm đó lại... bị hỏng phần ổ ghi lại hình ảnh nên hình ảnh sự việc không ghi lại được.

Thật buồn vì cũng chỉ cách đây ít lâu, một vụ việc tồi tệ đã xảy ra tại quận Thanh Xuân, Hà Nội. Đó là chuyện bà Phó chủ tịch UBND Quận này khi đi ăn bún, đậu xe sai qui định, còn “lời qua, tiếng lại” với người dân, không biết vụ việc này sẽ được xử lý ra sao?

Và đau xót hơn tất cả, năm 2017 được Hà Nội xác định là “Năm kỉ cương hành chính”!

Bùi Hoàng Tám