Bác sĩ “Kinh - Công” và trường nông lâm mở khoa… Tú Mỡ!

(Dân trí) - Nếu trường đại học Kinh doanh & Công nghệ mở được ngành Y thì tại sao các trường khác như Thương mại hay Nông lâm chẳng hạn, không mở khoa Tản Đà, Tú Mỡ giống như Đại học Văn hóa có khoa Viết văn mang tên cụ Nguyễn Du chẳng hạn?

 

(Minh họa: Ngọc Diệp)
(Minh họa: Ngọc Diệp)

Gần đây, dư luận xôn xao xung quanh việc Trường Đại học Kinh doanh Công nghệ được Bộ Giáo dục & Đào tạo và Bộ Y tế đồng ý cho mở ngành Y đa khoa và Dược trình độ đại học. Nhiều ý kiến bày tỏ không đồng tình, thậm chí có nhà báo còn hài hước gọi đây là trường đào tạo ra các bác sĩ… “Kinh - Công” (gọi tắt từ Kinh doanh Công nghệ).

Trước hết, về cá nhân, mình luôn ủng hộ sự dũng cảm của Bộ Giáo dục & Đào tạo suốt thời gian qua. Từ việc bỏ chấm điểm tiểu học, gộp hai kỳ thi và cả việc tích hợp môn Sử (dù việc tích hợp này đã bị Quốc hội bác bỏ). Dù chưa thành công như mong đợi, song những nỗ lực của Bộ trong thời gian qua là rất đáng ghi nhận.

Song, với việc Thứ trưởng Bùi Văn Ga ký cho phép trường Đại học Kinh doanh & Công nghệ đào tạo ngành y – dược thì mình thấy có gì đó không ổn.

Lý do không ổn thứ nhất, hiện nay chúng ta đang có nhiều trường đại học đào tạo lĩnh vực này như Đại học Y Hà Nội, ĐH Y TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Thái Bình, Thái Nguyên, Huế, Cần Thơ… Đó là chưa kể các trường thuộc lực lượng vũ trang. Nếu cung chưa đáp ứng cầu, hoàn toàn có thể đầu tư, nâng cấp cho các cơ sở trên.

Thứ hai, đành rằng theo Nghị quyết của Đại hội VI (1986), đến năm 2010, chúng ta phấn đấu đạt có 40% các trường đại học ngoài quốc doanh, việc xã hội hóa giáo dục là cần thiết, thậm chí rất cần thiết (bởi hiện mới đạt chưa đầy 20%) nhưng không vì thế mà xã hội hóa một cách thiếu thận trọng, thiếu cân nhắc. Bài học để các trường đại học mọc lên như nấm vẫn còn nguyên giá trị.

Thứ ba, hiện trong hệ thống giáo dục, không nhiều trường đại học còn giữ được uy tín như các trường thuộc ngành y, đặc biệt cánh cổng trường Đại học Y Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh là niềm mơ ước của hàng triệu triệu học sinh các thế hệ.

Việc cho một trường đại học không có nhiều uy tín “cạnh tranh” với các trường đại học Y danh tiếng hiện nay vừa thiếu thực tế, vừa… bất công! Đành rằng vẫn còn nhiều điều phải bàn trong khâu đào tạo nhưng khó có thể “bằng vai phải lứa” giữa một trường đại học tuyển sinh đầu vào 27 – 28 điểm (9 điểm/môn vẫn… trượt) với trường tuyển sinh dự kiến đầu vào 20 điểm như lời một lãnh đạo trường này dự kiến.

Cần nói thêm, tại các nước có nền y học tiên tiến như Mỹ, một bác sỹ phải qua đào tạo từ 7-11 năm, ở Anh là 9-12 năm tùy chuyên ngành.

Thứ tư, việc cho trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ đào tạo ngành Y sẽ là tiền lệ, trường này mở được, trường kia cũng mở được từ đó dễ tạo lên sự hỗn loạn, biến hệ thống đại học như “chợ thập cẩm”, các trường sẽ dần xa rời tôn chỉ mục đích mà thiếu chuyên sâu.

Đây là điều đáng lo ngại bởi nó sẽ ăn sâu vào một nếp nghĩ, trong khi với trình độ khoa học hiện nay là trình độ của chuyên sâu. Trong ngành Y, xu hướng bác sĩ đa khoa đang hẹp dần lại, dành cho chuyên khoa.

Ngay trong những chuyện nhỏ nhặt của đời sống, ví như chuyện đi ăn phở, những người sành ăn không bảo giờ vào nhà hàng “cớm bún phở”. Thậm chí, ăn phở bò đến quán chuyên phở bò, ăn phở gà đến quán chuyên gà. Thời “bách hóa tổng hợp” kiểu “cơm bún phở”, “miến cháo lòng” đã và đang qua.

Vì thế, lo sợ có sự lẫn lộn ”vàng thau” nên dư luận đã hài hước đề nghị trong bệnh viện, mỗi bác sĩ cần ghi rõ thuộc trường nào đào tạo.

Vả lại, nếu trường đại học Kinh doanh & Công nghệ mở được ngành Y thì tại sao các trường khác như Thương mại hay Nông lâm chẳng hạn, không mở khoa Tản Đà, Tú Mỡ giống như Đại học Văn hóa có khoa Viết văn mang tên cụ Nguyễn Du chẳng hạn?

Nguyễn Hoàng