Ăn dày (giày), ăn cả… bít tất!

(Dân trí) - Công bằng thì những người được làm cán bộ, tức là làm “ông nọ, bà kia” đã là vinh dự, là đã được “ăn” cái “danh”. Mà ở đời, muốn “danh” thì cũng nên phải biết hi sinh ít nhiều cái “lợi”. Còn nếu ai đó muốn cả “danh” lẫn “lợi” thì như dân gian nói châm biếm qua cách chơi chữ: “Ăn dày (giày) ăn cả… bít tất”...


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Chức tước – trách nhiệm – quyền lợi luôn có mối quan hệ hữu cơ, gắn bó khăng khít và quyết định chất lượng đồng thời điều chỉnh lẫn nhau.

Khi có chức tước, tức là có quyền hành, danh vọng thì luôn luôn phải đi kèm với trách nhiệm. Và khi có trách nhiệm thì tất yếu, phải có lợi ích. Chữ “quyền” luôn đi với chữ “lợi” - quyền lợi.

Song, lịch sử dân tộc đã ghi lại từng có nhiều thời điểm, mỗi người dân đều biết hi sinh quyền lợi cá nhân, thậm chí cả tài sản, tính mạng của mình cho quyền lợi cao cả của dân tộc. Đó là những năm tháng chiến tranh, hàng vạn, hàng triệu những con người ưu tú đã hi sinh tính mạng của mình để chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc mà không màng danh – lợi.

Nhưng đó là thời chiến, là khi Tổ quốc cần sự hi sinh cao nhất của mỗi cá nhân. Còn ở thời bình, tức là trong một điều kiện xã hội bình thường, chữ quyền luôn đi với chữ lợi. Tuy nhiên, đứng giữa quyền và lợi là trách nhiệm.

Quyền lực càng lớn thì trách nhiệm càng cao và khi trách nhiệm càng cao thì quyền lợi cả vật chất và tinh thần cũng phải cao theo. Không có chuyện quyền thì cao, lợi cũng cao nhưng trách nhiệm thì… bé tý, thậm chi bằng không.

Trả lời phỏng vấn báo điện tử Infonet, ĐB Dương Trung Quốc đã phân tích khá hay xung quanh mối quan hệ này. Ông Quốc nói: “Quyền rất cần, nhưng trách nhiệm rất cao. Hiện nay chúng ta vẫn tâm thức "hoà cả làng”, không ai chịu trách nhiệm về hậu quả nếu có. Nhưng muốn làm thì phải có quyền, mà quyền đi đôi với trách nhiệm, quyền càng cao trách nhiệm càng nặng”.

Không chỉ bàn đến quyền và trách nhiệm, ông Quốc còn bày tỏ: "Lâu nay chúng ta hay nói tới trách nhiệm tập thể. Khắc phục được “trách nhiệm tập thể” mới vận hành trơn tru được bộ máy. Mà trách nhiệm cũng phải gắn liền với quyền lợi, nếu không sẽ “hoà cả làng”.

Quá đúng! Không ai muốn ai phải làm không công cả. Với cán bộ, công chức cũng thế.

Người dân không cần cán bộ thời nay phải hi sinh, cống hiến. Làm việc và được trả công xứng đáng qua các khoản lương bổng, lợi lộc và cho đến nay, chưa thấy có cán bộ có chức, có quyền nào nghèo cả (dù lương hiện nay còn mang tính tượng trưng).

Thế nhưng người dân đóng thuế là để được phục vụ chứ không phải để nhận sự cai trị. Chẳng ai bỏ tiền (tiền thế từ muôn khoản thu) để đổi lấy sự cai trị mình.

Vì thế, người nhận lương từ dân muốn được dân tôn trọng, ít nhất phải hoàn thành nhiệm vụ của mình. Những ai không hoặc chưa làm hết trách nhiệm, tức là “ăn gian” tiền của dân.

Nếu lợi dụng chức quyền để tham nhũng, thực chất là ăn cắp tiền nước, tiền dân.

Mặt khác, công bằng thì những người được làm cán bộ, tức là làm “ông nọ, bà kia” đã là vinh dự, là đã được “ăn” cái “danh”. Mà ở đời, muốn “danh” thì cũng nên phải biết hi sinh ít nhiều cái “lợi”.

Còn nếu ai đó muốn cả “danh” lẫn “lợi” thì như dân gian nói châm biếm qua cách chơi chữ: “Ăn dày (giày) ăn cả… bít tất”, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám