2,8 triệu công chức, viên chức thừa hay thiếu?

(Dân trí) - Nếu không kịp thời chấn chỉnh, sợ rằng sẽ đến lúc cán bộ công chức giúp dân thì ít, hành dân thì nhiều như dân gian đã nói: “Hành là chính”.

 

2,8 triệu công chức, viên chức thừa hay thiếu? - 1

(Minh họa: Ngọc Diệp)

“Không phải lo lãnh đạo đọc không hiểu đúng ý mình. Ngắn gọn người ta càng dễ hiểu chứ báo cáo viết dài mấy chục trang đọc sao được. Nên khuyến khích anh em tăng cường viết email, trực diện nhất. Thậm chí bây giờ chỉ nhắn tin ngắn gọn cũng giải quyết được việc mà, vẫn hiểu hết chứ mắc mớ gì đâu”. Đó là lời than phiền của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) ngày 5/8.

Những nhận xét của Phó Thủ tướng đã nói lên một thực trạng của nền hành chính hiện nay với đội ngũ cán bộ, công chức vừa yếu vừa thiếu.

Nói thiếu không có nghĩa là ít người (2,8 triệu công chức, sao ít?) mà ngược lại, quá nhiều người. Đông nhưng lại yếu vì trong số đó có nhiều công chức không đủ năng lực.

Song, cũng bởi nhiều cán bộ công chức yếu kém nên càng đông càng yếu vì chồng chéo, dẫm chân lên nhau, lấn sân nhau và cả ỷ lại, dựa dẫm vào nhau.

Yếu không chỉ năng lực mà yếu cả về đạo đức, tác phong. Đó là một sự thật mà ai cũng nhận thấy.

Cách đây 13 năm (2002), người viết bài này đã phỏng vấn bà Cù Thị Hậu, khi đó là Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: “Bà nghĩ gì về công tác cán bộ trong việc phát hiện - bồi dưỡng, đề bạt - cất nhắc, quản lý - giám sát?”, bà Hậu đã trả lời thẳng thắn: “Cả ba khâu đều yếu”.

Những nhận định của người đứng đầu Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khi đó đến bây giờ vẫn nguyên giá trị, thậm chí còn trầm trọng hơn.

Về phát hiện – bồi dưỡng, với cách làm hiện nay sẽ “lọt lưới” không ít cán bộ thiếu năng lực và cả đạo đức. Tình trạng bằng giả, học giả bằng thật, chủ nghĩa lý lịch trá hình, phương pháp “qui hoạch”… đang là một thực tế làm sai lệch tính phát hiện và bồi dưỡng ngay từ khâu đầu tiên của công tác cán bộ.

Về đề bạt – cất nhắc, từng có cán bộ được lên chức ngay khi đang vi phạm pháp luật. Đã có không ít trường hợp bị kỉ luật ở vị trí này lại được “cất nhắc” sang vị trí ngang bằng hoặc cao hơn mà Dương Chí Dũng là một ví dụ điển hình.

Về quản lý - giám sát, dù đã có nhiều biện pháp khá quyết liệt nhưng đây cũng là khâu rất yếu kém hiện nay. Nhiều vụ án lớn xảy ra tại các cơ quan mà ở đó tổ chức Đảng đang là “chi bộ trong sạch, vững mạnh” như PMU 18. Đặc biệt có những trường hợp man khai lý lịch nhưng lên đến Bí thư tỉnh ủy như ông Hồ Xuân Mãn.

Trở lại với lời phát biểu của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tình trạng dài dòng văn tự đang khá phổ biến không chỉ trong các bản báo cáo mà ở tất cả các lĩnh vực.

Trước một vấn đề chỉ cần bày tỏ thái độ CÓ hoặc KHÔNg thì thường nhận được câu trả lời vòng vo, kể lể và cuối cùng, thậm chí không biết người trả lời nói CÓ hay KHÔNG.

Nguyên nhân sâu xa của cách trả lời này chính là sự thiếu năng lực và trốn tránh trách nhiệm.

Cán bộ mà yếu kém năng lực lại còn trốn tránh trách nhiệm thì nước sao giàu, dân sao mạnh?

Muốn đất nước đi lên, có lẽ rất cần một cuộc cách mạng thật sự về công tác hành chính bởi "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc” như lời dạy của Hồ Chủ tịch.

Nếu không kịp thời chấn chỉnh, sợ rằng sẽ đến lúc cán bộ công chức giúp dân thì ít, hành dân thì nhiều như dân gian đã nói: “Hành là chính”.

Bùi Hoàng Tám

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!