Nghỉ việc vẫn bị "giam" bằng gốc, người lao động phải làm gì?
(Dân trí) - Vì không đồng thuận với Ban giám đốc về vấn đề công việc tôi đã đơn phương chấm dứt hợp đồng và yêu cầu được trả lại bằng gốc. Tuy nhiên, Công ty đã từ chối trả lại với lý do tôi đã chấm dứt hợp đồng lao động trái với quy định pháp luật, yêu cầu tôi phải bồi thường thiệt hại xong thì mới trả lại bằng.
Anh Nguyễn Văn Quyền (Cầu Giấy - Hà Nội): "Tháng 10/2014, tôi giao kết hợp đồng lao động có thời hạn 3 năm với Công ty tư nhận có trụ sở tại Hà Nội và được công ty yêu cầu phải nộp bằng gốc Đại học. Tháng 2/2016 vì không đồng thuận với Ban giám đốc về vấn đề công việc nên tôi đã đơn phương chấm dứt hợp đồng. Sau đó, tôi yêu cầu Công ty trả lại bằng gốc, tuy nhiên Công ty đã từ chối trả lại với lý do tôi đã chấm dứt hợp đồng lao động trái với quy định pháp luật, yêu cầu tôi phải bồi thường thiệt hại xong thì mới trả lại bằng cho tôi.
Tôi hỏi làm cách nào để tôi có thể lấy lại bằng gốc ? Pháp luật quy định như thế nào về vấn đề này?
Luật sư Chu Văn Tiến - Công ty Luật TNHH An Nam, Đoàn Luật Sư Hà Nội:
Giữ bằng gốc của người lao động nhằm ràng buộc người lao động đang là hiện tượng phổ biến tại thị trường sử dụng lao động tại Việt Nam.
Theo luật pháp quy định, giữ văn bằng gốc là một trong những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động được quy định tại khoản 1, Điều 20 của Bộ luật lao động 2012.
“Điều 20. Những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động
1. Giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.
2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.”
Vì vậy, hành vi giữ bằng gốc của bạn do công ty thực hiện là trái với quy định của pháp luật. Dù bạn chấm dứt hợp đồng trái với quy định của pháp luật thì Công ty cũng không được giữ bằng gốc của bạn .
Chế tài xử phạt hành vi giữ bản chính văn bằng, chứng chỉ của người lao động được quy định tại khoản 2, Điều 5, Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng:
“Điều 5. Vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động
…
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động;
b) Buộc người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.”
Đối chiếu với quy định pháp luật thì hành vi giữ bằng gốc như trên thì Công ty có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng.
Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi của mình, bạn nên làm đơn tố cáo sai phạm của công ty này tới các cơ quan quản lý nhà nước về lao động như: Phòng Lao động Thương binh xã hội cấp quận nơi Công ty có trụ sở chính, Thanh tra chuyên ngành lao động yêu cầu xử lý nghiêm và buộc công ty này phải trả hồ bằng gốc cho bạn.
Mặt khác, bạn có thể khởi kiện công ty ra Tòa án nhân dân cấp quận nơi Công ty có trụ sở chính để làm rõ những tranh chấp trong quan hệ lao động liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp và buộc công ty này phải trả bằng gốc cho bạn.
Phạm Thanh (ghi)