Bài 14:

Khởi tố dân tội Lạm quyền: “Phải trả lời rõ có oan sai hay không?”

(Dân trí) - “Qua toàn bộ diễn tiến vụ án thấy rằng Quyết định Đình chỉ vụ án với bị can Phạm Văn Tình của VKSND huyện Nam Sách nhằm "lấp liếm" đi sai phạm của các cơ quan tố tụng huyện Nam Sách. Bản chất đây là một vụ án oan sai vì vậy Cục điều tra Viện kiểm sát nhân dân Tối cao cần thiết phải vào cuộc điều tra toàn bộ vụ việc để trả lời rõ có oan sai hay không?”, luật sư Vi Văn Diện nhận định.

Vụ án kỳ lạ tại huyện Nam Sách (Hải Dương) đã được Báo Dân trí vào cuộc điều tra, thông tin quyết liệt trong 13 kỳ báo sau khi nhận được đơn kêu oan khẩn thiết của anh Phạm Văn Tình, một người dân thường đang điều trị bệnh tâm thần bỗng bị các cơ quan tố tụng huyện Nam Sách quy kết phạm tội "Lạm quyền trong khi thi hành công vụ" suốt 6 năm qua.

Khởi tố dân tội Lạm quyền: “Phải trả lời rõ có oan sai hay không?” - 1

VKSND huyện Nam Sách đã bất ngờ ra Quyết định đình chỉ vụ án với bị can Pham Văn Tình với lý do…chuyển biến và thay đổi của pháp luật!

VKSND huyện Nam Sách đã bất ngờ ra Quyết định đình chỉ vụ án với bị can Pham Văn Tình với lý do…chuyển biến và thay đổi của pháp luật!

Trong vụ án hy hữu này, tang vật vụ án chỉ là 5 triệu đồng nhưng cơ quan CSĐT Công an huyện Nam Sách đã 3 lần thay đổi tội danh với anh Phạm Văn Tình. Đầu tiên, hành vi nhận 5 triệu đồng của ông Diệp chủ tàu được cơ quan CSĐT khởi tố về tội Cưỡng đoạt tài sản, đến ngày 28/3/2011, Cơ quan CSĐT ra Quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can đổi sang tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và lần gần đây nhất, ngày 11/12/2015 có Quyết định thay đổi sang tội Lạm quyền trong khi thi hành công vụ với bị can Phạm Văn Tình.

Sau loạt bài điều tra của Dân trí, TAND huyện Nam Sách đã quyết định trả hồ sơ yêu cầu VKSND huyện Nam Sách điều tra bổ sung. Một diễn tiến bất ngờ đã xảy ra khi VKSND huyện Nam Sách ra Quyết định Đình chỉ vụ án với bị can Phạm Văn Tình và khẩn trương giao quyết định đến người thân và luật sư của anh Tình vào chiều ngày 26/7.


Anh Phạm Văn Tình kêu oan sau khi bị quy kết phạm tội Lạm quyền trong khi thi hành công vụ.

Anh Phạm Văn Tình kêu oan sau khi bị quy kết phạm tội Lạm quyền trong khi thi hành công vụ.


Việc anh Phạm Văn Tình phải điều trị bệnh tâm thần mất 55% khả năng lao động được Hội đồng giám định Y khoa Trung ương kết luận.

Việc anh Phạm Văn Tình phải điều trị bệnh tâm thần mất 55% khả năng lao động được Hội đồng giám định Y khoa Trung ương kết luận.

Để góp phần làm sáng rõ những góc khuất của vụ án, Báo Dân trí xin đăng tải những quan điểm và phân tích vụ án dưới góc độ pháp luật của luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiên Minh (Đoàn luật sư TP Hà Nội).

Luật sư Vi Văn Diện: “Một vụ án kéo dài đến 5, 6 năm, cùng một hành vi nhưng phải ba lần chuyển tội danh, với tư cách là một Luật sư, tôi cho rằng sự việc đã bộc lộ rõ sự vội vàng, thiếu cẩn trọng trong việc xem xét vụ án ngay từ đầu. Do vậy Viện kiểm sát nhân dân huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương ra quyết định số 08/QĐ-VKS ngày 25 tháng 7 năm 2016 quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can là ông Phạm Văn Tình không có gì bất ngờ. Chỉ có điều, lý do mà Viên Kiểm Sát nhân dân huyện Nam Sách đưa ra, tôi cho là không thuyết phục, có dấu hiệu thiếu minh bạch hoặc nhằm “che giấu” đi những sai phạm trong quá trình tiến hành tố tụng của trong vụ án này.


Luật sư Vi Văn Diện: Bản chất đây là một vụ án oan sai vì vậy Cục điều tra Viện kiểm sát nhân dân Tối cao cần thiết phải vào cuộc điều tra toàn bộ vụ việc để trả lời rõ có oan sai hay không?.

Luật sư Vi Văn Diện: "Bản chất đây là một vụ án oan sai vì vậy Cục điều tra Viện kiểm sát nhân dân Tối cao cần thiết phải vào cuộc điều tra toàn bộ vụ việc để trả lời rõ có oan sai hay không?".

Không biết Viện kiểm sát nhân dân huyện Nam Sách và các cơ quan tiến hành tố tụng tại địa phương này có khi nào đã nhận định được sự nhầm lẫn, sai sót nghiêm trọng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử theo hướng giải quyết vụ án trên hay không, khi mà chuyển tội danh của ông Tình từ tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” sang tội danh “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”, để cuối cùng ra một Văn bản mang tên Quyết định đình chỉ vụ án để “sửa sai” cho chính mình???

Tôi cho rằng khi xem xét xử lý một vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải xem xét một cách toàn diện và thống nhất và chắc chắn. Đặc biệt, để giải quyết được gốc rễ vấn đề, thì phải xem xét tổng thể hành vi của các đối tượng trong chuỗi công việc xử lý vụ án này, đó là hành vi của ông Cơ, ông Ninh, ông Tình, hành vi của điều tra viên, kiểm sát viên.

Ngay từ giai đoạn đầu của vụ án, phía cơ quan tiến hành tố tụng đã khẳng định rằng: Ông Cơ là đối tượng cầm đầu, có vai trò chính trong việc thực hiện hành vi phạm tội, còn ông Ninh và Tình chỉ là đồng phạm. Tôi cũng cho rằng, nếu tách từng hành vi của từng cá nhân thành một tội danh riêng thì cũng không thể nào đảm bảo được tính khách quan, toàn diện khi giải quyết vụ án này được. Vậy mà nay, phía cơ quan tiến hành tố tụng huyện Nam Sách ban hành ngay Quyết định đình chỉ vụ án đối với ông Tình, thì có hay chưa việc xem xét đến việc khắc phục hậu quả khi hai bị can, bị cáo là ông Cơ và Ninh đã chấp hành án. Việc làm trên của Viện kiểm sát huyện Nam Sách đã làm bộc lộ dấu hiệu sai trái, thiếu cẩn trọng, thiếu trách nhiệm trong việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án này.

Khởi tố dân tội Lạm quyền: “Phải trả lời rõ có oan sai hay không?” - 6


Từ thông báo bắt người khẩn cấp đến khi VKSND huyện Nam Sách phê chuẩn quyết định khởi tố anh Phạm Văn Tình tội Lạm quyền trong khi thi hành công vụ, vụ án đã kéo dài 6 năm.

Từ thông báo bắt người khẩn cấp đến khi VKSND huyện Nam Sách phê chuẩn quyết định khởi tố anh Phạm Văn Tình tội Lạm quyền trong khi thi hành công vụ, vụ án đã kéo dài 6 năm.

Việc Viện kiểm sát nhân dân huyện Nam Sách ban hành Quyết định số 08/QĐ-VKS ngày 25 tháng 7 năm 2016 quyết định đình chỉ vụ án đối với ông Phạm Văn Tình, có nghĩa làm khép lại vụ án, thế nhưng dường như nó đã lại bắt đầu mở ra một loạt vụ việc mới còn nghiêm trọng hơn đó là hành vi xâm phạm nghiêm trọng hoạt động tư pháp, dấu hiệu oan sai và các tội xâm phạm hoạt động tư pháp đã được Bộ luật hình sự quy định cũng như trách nhiệm Nhà nước trong việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan sai.

Với cách giải quyết vụ án đầy khó hiểu như trên. Theo tôi, để đảm bảo tuân thủ và thực hiện tốt nguyên tắc suy đoán vô tội trong vụ án này các cơ quan có thẩm quyền như Cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Hải Dương, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát cấp cao, tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương và Tòa án nhân dân cấp cao… đặc biệt Cục điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần thiết phải vào cuộc, rà soát, xem xét, điều tra, đánh giá lại toàn bộ hồ sơ, chứng cứ của vụ án nhằm tránh oan sai đối với người vô tội.

Trường hợp xác định có sự việc oan sai trong vụ án này thì phải xem xét ngay đến trách nhiệm nhiệm của các tổ chức, cá nhân thuộc cơ quan tiến hành tố tụng tại huyện Nam Sách trong việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án trên nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm cần khởi tố vụ án để điều tra các hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “xâm phạm hoạt động tư pháp” đã được Bộ luật hình sự quy định. Đồng thời, ngay lập tức, phải có các biện pháp khắc phục hậu quả đối với người bị oan sai, công khai cải chính, xin lỗi và bồi thường thiệt hại cho họ theo đúng quy định của pháp luật. Nếu có oan sai thì việc bồi thường về vật chất có bao nhiêu đi chăng nữa cũng không lấp láp nổi những oan ức, tủi nhục của họ.

Do vậy, việc xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức đã để xảy ra sự việc, đó là việc làm hết sức quan trọng, cần tinh thần trách nhiệm giúp người dân có niềm tin hơn nữa vào sự công bằng, nghiêm minh của Nhà nước và pháp luật”.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế