Cà Mau:

Hàng trăm công nhân mất việc trong “nháy mắt”: Chần chừ nhận lại vì lo khiếu kiện, sợ trách nhiệm?

(Dân trí) - Liên quan đến vụ nhiều lao động bị cho nghỉ việc tại Công ty Cổ phần Cấp nước Cà Mau, mặc dù ban lãnh đạo công ty cho rằng, không còn phương án nào khác ngoài việc nhận lại và bố trí việc làm cho 27 lao động, nhưng đến nay các lao động vẫn... "sống chết mặc bay". Phải chăng ban lãnh đạo công ty này lo sẽ có khiếu kiện, cũng như sợ trách nhiệm liên đới cá nhân?

Lo cổ đông khiếu kiện, "sợ" trách nhiệm bồi thường!

Theo tài liệu mà PV Dân trí có được, ngày 27/3/2017, ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Cấp nước Cà Mau (Cty Cấp nước Cà Mau) từng có báo cáo số 14/BC-CNCM gửi UBND tỉnh Cà Mau.

Nội dung báo cáo nêu: Hội đồng quản trị (HĐQT) công ty đã tiến hành họp để triển khai thực hiện tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh về giải quyết khiếu nại của 27 lao động tại đơn vị. Các thành viên HĐQT đại diện sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp xét thấy, để ổn định tình hình khiếu nại về lao động, “không còn phương án nào khác ngoài việc nhận lại và bố trí việc làm” cho số lao động này.

Theo ban lãnh đạo Cty Cấp nước Cà Mau, khi nhận lại 27 lao động, công ty phải hủy bỏ Nghị quyết của HĐQT về việc tái cơ cấu tổ chức bộ máy và bố trí lại lao động, xây dựng và phê duyệt phương án tiếp nhận và bố trí lại lao động. Sau đó, mới tiến hành thu hồi quyết định chấm dứt hợp đồng lao động và bố trí lại việc làm cho 27 lao động.

Công ty sẽ tiến hành chi trả lương, đóng các loại bảo hiểm trong thời gian người lao động không làm việc tại công ty, với tổng số tiền phải chi trả dự kiến từ 1,195 tỷ đồng đến 1,358 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty có thể phải bồi thường thêm cho mỗi lao động ít nhất 2 tháng tiền lương.

Ban lãnh đạo công ty cho rằng, nếu đưa các khoản chi phí này hạch toán vào chi phí hợp lý của công ty cổ phần thì sẽ trái với điều lệ công ty và làm cho lợi nhuận giảm xuống. “Điều này đồng nghĩa với việc giảm nộp ngân sách nhà nước và làm giảm cổ tức của cổ đông khác, dẫn đến khả năng công ty sẽ phải đối diện với khiếu kiện của cổ đông”, nội dung báo cáo lý giải.

Báo cáo của ban lãnh đạo công ty cũng cho rằng, trường hợp HĐQT ra Nghị quyết trái pháp luật gây thiệt hại cho công ty thì các thành viên tán thành thông qua Nghị quyết đó phải cùng liên đới chịu trách nhiệm cá nhân đền bù thiệt hại về hậu quả của Nghị quyết đó cho công ty.

“Việc nhận lại 27 lao động, cũng đồng nghĩa với việc HĐQT, Ban điều hành đã thực hiện không đúng quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm bồi thường, sẽ gây khó khăn cho người đại diện vốn Nhà nước”, báo cáo nêu.

Ngoài ra, khi thực hiện cổ phần hóa, giữa Cty Cấp nước Cà Mau và Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Cà Mau (Cty Môi trường) có biên bản thống nhất chuyển giao cho Cty Môi trường 12 người (đã bàn giao 2 người), còn lại phải tiếp nhận thêm 10 người. Tuy nhiên, qua nhiều lần làm việc trực tiếp giữa 2 bên, đến nay (theo báo cáo tháng 3/2017) Cty Môi trường vẫn chưa đồng ý nhận 10 lao động còn lại theo như thỏa thuận.

Trong báo cáo, Cty Cấp nước Cà Mau đề nghị UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo Cty Môi trường nhận 10 lao động theo thỏa thuận; cho phép công ty sử dụng nguồn kinh phí lấy từ cổ tức của cổ phiếu nhà nước năm 2016 tại công ty để chi trả lương, thưởng, bảo hiểm và đền bù thiệt hại cho 27 lao động.

Báo cáo trên do ban lãnh đạo Cty Cấp nước Cà Mau cùng ký gửi UBND tỉnh Cà Mau, gồm: Ông Lý Hoàng Trung (Chủ tịch HĐQT), ông Trần Hoàng Khện (Giám đốc) và ông Phạm Phước Tài (Phó Giám đốc).

Hiện ông Lý Hoàng Trung đã bị miễn nhiệm người đại diện phần vốn Nhà nước và Chủ tịch HĐQT Cty Cấp nước Cà Mau. Ông Trung cũng đã bị kỷ luật cảnh cáo về mặt chính quyền và cách chức Bí thư Đảng ủy.

Còn ông Trần Hoàng Khện và ông Phạm Phước Tài cùng bị khiển trách cả về mặt Đảng và chính quyền. Tuy nhiên, hiện 2 ông này vẫn giữ nguyên chức vụ tại Cty Cấp nước Cà Mau.

Công ty Cổ phần Cấp nước Cà Mau, nơi cho nhiều người lao động nghỉ việc sai quy định.
Công ty Cổ phần Cấp nước Cà Mau, nơi cho nhiều người lao động nghỉ việc sai quy định.

Sở Lao động đề nghị nhận lại, người lao động vẫn bị "bỏ rơi"

Trong khi đó, qua báo cáo trên của ban lãnh đạo Cty Cấp nước Cà Mau và công văn yêu cầu cung cấp thông tin của TAND tỉnh Cà Mau (ngày 22/3/2017) gửi UBND tỉnh Cà Mau, Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã có ý kiến chỉ đạo xử lý, giải quyết khiếu nại, kiến nghị của người lao động tại các văn bản: Thông báo 890, Công văn 9022; Công văn 231,…

Trong đó, Công văn 9022 (ngày 28/12/2016) nêu rõ: Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau, sau khi cổ phần hóa, HĐQT Cty Cấp nước Cà Mau có chủ trương và phê duyệt tái cơ cấu và xây dựng phương án sắp xếp bố trí lại lao động là đúng với quy định pháp luật.

Tuy nhiên, theo quy định, khi triển khai thực hiện phương án cho nhiều người lao động thôi việc chỉ được tiến hành sau khi đã trao đổi thống nhất với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở và thông báo trước 30 ngày cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh. Trong khi đó, thực tế công ty cho 29 lao động (sau này còn 27 lao động- PV) nghỉ việc ngay trong ngày HĐQT phê duyệt phương án là sai với quy định tại Khoản 3, Điều 44 của Bộ Luật Lao động.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau đề xuất UBND tỉnh Cà Mau có ý kiến đề nghị HĐQT Cty Cấp nước Cà Mau xem xét, rút các quyết định đối với 29 lao động mà công ty đã cho nghỉ việc theo phương án, đồng thời nhận lại số lao động này.

Đồng thời, theo báo cáo của Ban điều hành Cty Cấp nước Cà Mau, hiện nay một số bộ phận công việc quá tải, nên kiến nghị xin nhận lại 29 lao động công ty cho nghỉ việc, sẽ góp phần không làm quá tải công việc tại một số bộ phận và không làm phát sinh thêm chi phí tiền lương ngoài kế hoạch năm.

Từ những cơ sở trên, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu HĐQT, Ban điều hành Cty Cấp nước Cà Mau thực hiện tái cơ cấu tổ chức, sắp xếp bố trí lại đối với 29 trường hợp lao động (sau này còn 27 lao động- PV) cho nghỉ việc sau khi cổ phần hóa phải hết sức cân nhắc, đảm bảo đúng quy định, quy trình thủ tục trên cơ sở đồng thuận của người lao động, thống nhất của tổ chức công đoàn đại diện người lao động, đảm bảo dân chủ và quan tâm đến quyền lợi, lợi ích chính đáng của người lao động.

Tuy nhiên, cho đến nay, dù có những chỉ đạo, kiến nghị nhận lại, nhưng 27 lao động vẫn chưa được nhận lại và họ đành phải khởi kiện ra tòa án để đòi quyền lợi.

Theo các công nhân, việc Cty Cấp nước Cà Mau cho họ nghỉ việc không thông báo trước là sai quy định, nên yêu cầu hủy quyết định chấm dứt hợp đồng sai quy định; nhận người lao động trở lại làm việc; truy trả tiền lương trong thời gian không được làm việc; bồi thường chấm dứt hợp đồng trái luật; truy đóng bảo hiểm theo quy định;…

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này đến bạn đọc.

Huỳnh Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm