Gọi đồng bọn đến chém CSGT sau vi phạm, kẻ manh động sẽ chịu hình phạt nào?

(Dân trí) - Tình trạng đối tượng vi phạm có hành vi chống đối người thi hành công vụ đang gia tằng. Luật sư cho biết, đối tượng gây thương tích, cản trở người thi hành công vụ đối mặt với án phạt tù 2- 7 năm.

Gần đây, tình hình tội phạm, đối tượng vi phạm có hành vi chống người thi hành công vụ đang có chiều hướng gia tăng, gây nên tình trạng bất ổn về trật tự xã hội. Không những thế, các đối tượng này còn rất manh động, sẵn sàng sử dụng hung khí đối với người thi hành công vụ. Đa phần những hành vi này là của những thành phần có hơi men, tinh thần quá khích, coi thường pháp luật.

Như Dân trí đã đưa tin, khoảng 17h45 ngày 19/5, tổ công tác của CSGT Công an huyện Krông Năng tiến hành tuần tra, kiểm soát tại địa bàn xã Cư K’lông. Tại đây, tổ tuần tra phát hiện anh Y Sang Niê (29 tuổi, ngụ Tam Bình, xã Cư K’lông) điều khiển xe máy mang BKS 47U1 - 005.34 nhưng không chịu đội mũ bảo hiểm nên đã yêu cầu dừng xe để xử lý vi phạm.

Lúc này, Y Sang đã tỏ thái độ không hợp tác và liền gọi thêm 2 thanh niên khác tới mang theo dao, gậy gộc tới uy hiếp công an để đòi lại giấy tờ xe. Đối tượng này liên tục cầm dao uy hiếp và đã chém trọng thương ở tay Trung úy Phạm Tiến Dũng. Để khống chế đối tượng này, lực lượng chức năng đã bắn súng chỉ thiên để yêu cầu Y Sang ngừng thái độ nguy hiểm này lại.


Trung úy Phạm Tiến Dũng đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk (ảnh CTV)

Trung úy Phạm Tiến Dũng đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk (ảnh CTV)

Có thể nói, lực lượng cảnh sát giao thông là lực lượng phải gánh chịu nhiều vụ tấn công của các đối tượng quá khích nhất. Những cán bộ chiến sỹ phải chịu những ca chấn thương rất nặng như hôn mê bất tỉnh, đa chấn thương, thậm chí gãy chân, tay, phải điều trị dài ngày trong bệnh viện. Trường hợp của Trung úy Phạm Tiến Dũng này cũng là một trong vô vàn những ca chấn thương của lực lượng cảnh sát giao thông

Nhận định về vụ việc Ts. Luật sư Nguyễn An, Công ty Luật Cộng Đồng cho biết, với hành vi của Y Sang và đồng bọn thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây thương tích theo Điều 104 và tội chống người thi hành công vụ theo Điều 257 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009.

“Kết quả giám định cho thấy thiếu úy Phạm Tiến Dũng (cảnh sát trật tự Công an huyện Krông Năng) bị thương tích 21%. Như vậy, đủ điều kiện để truy cứu trách nhiệm hình sự Y Sang về tội cố ý gây thương tích theo Khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự: Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%, nhưng thuộc trường hợp để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân thì bị phạt tù từ 2- 7 năm” – Luậ sư An nói.


Luật sư Nguyễn An cảnh báo: người vi phạm cản trở người, gây tương tích cho người thi hành công vụ có thể bị phạt tù từ 2- 7 năm.

Luật sư Nguyễn An cảnh báo: người vi phạm cản trở người, gây tương tích cho người thi hành công vụ có thể bị phạt tù từ 2- 7 năm.

Phân tích thêm, Luật sư An nhận định: Y Sang có hành vi dùng vũ lực cản trở người thi hành công vụ, hơn nữa còn lôi kéo thêm 2 đối tượng khác mang theo dao, gậy gộc tới uy hiếp công an để đòi lại giấy tờ xe nên có thể bị truy cứu theo Khoản 2 Điều 257 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009: “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: … c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội”.

2 đối tượng bị Y Sang lôi kéo chống người thi hành công vụ, có hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực để cản trở người thi hành công vụ nên có thể bị truy cứu theo Khoản 1 Điều 257 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009: “Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.

“Để hạn chế những hành vi vi phạm pháp luật như trên, cần phải tăng cường phổ biến, tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm pháp luật hình sự với người dân hơn. Ở góc độ khác, cơ quan cơ quan công an nói chung cũng nên rút kinh nghiệm về cách làm việc. Cụ thể, đề cao văn hóa ứng xử của lực lượng cảnh sát giao thông khi làm việc với dân. Bởi đây là lực lượng làm việc trực tiếp với dân, phải tiếp xúc thường xuyên với các tình huống nhạy cảm, phức tạp rất dễ dẫn đến những những va chạm, bức xúc trong quá trình thực thi pháp luật...” - Luật sư An bình luận

Phạm Thanh