“Góc tối” đấu thầu dự án tại Bắc Giang: “Quân xanh, quân đỏ” và nghề… trượt thầu!

(Dân trí) - Việc lựa chọn nhà thầu ở một số gói thầu còn mang tính hình thức. Hầu hết các gói thầu thực hiện hình thức đấu thầu rộng rãi ở cả cấp tỉnh và cấp huyện, cấp xã làm chủ đầu tư chỉ có 3 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu. Nhiều gói thầu, hồ sơ dự thầu thể hiện rõ “quân xanh”, quân đỏ”. Cá biệt có một số nhà thầu chuyên đi dự thầu để trượt…

Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Giang vừa có báo cáo kết quả khảo sát việc chấp hành pháp luật về đấu thầu trong hoạt động đầu tư xây dưng các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2015 – 2017. Trong đó, nhiều “góc khuất” trong hoạt động này đã được chỉ rõ khiến dư luận phải ngỡ ngàng.

Đi dự thầu chỉ để… trượt!

Giai đoạn 2015-2017, toàn tỉnh Bắc Giang đã tổ chức thực hiện lựa chọn nhà thầu 8.820 gói thầu thuộc các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước, với tổng giá trị gói thầu là 7.645 tỷ đồng, tỷ lệ giảm giá tiết kiệm chung đạt 5,96%. Sở Kế hoạch đầu tư đã trực tiếp thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với 1.611 gói thầu, kịp thời chấn chỉnh các chủ đầu tư và yêu cầu thực hiện đúng quy định pháp luật đối với các nội dung: phân chia gói thầu, giá gói thầu, thời gian thực hiện hợp đồng, hình thức hợp đồng cho phù hợp với điều kiện của từng dự án.

Tuy nhiên, Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Giang chỉ rõ hạn chế của tính cạnh tranh trong đấu thầu tại tỉnh này. Cụ thể: Việc lựa chọn nhà thầu ở một số gói thầu còn mang tính hình thức. Hầu hết các gói thầu thực hiện hình thức đấu thầu rộng rãi ở cả cấp tỉnh và cấp huyện, cấp xã làm chủ đầu tư chỉ có 3 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu (là mức tối thiểu đủ điều kiện để tổ chức đấu thầu rộng rãi. Như tại huyện Hiệp Hòa, 76/76=100% gói thầu có 3 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu, trong đó có 08 gói thầu có 4-5 nhà thầu mua hồ sơ dự thầu.


Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Bắc Giang là một trong các đơn vị thực hiện nhiều gói thầu sử dụng ngân sách nhà nước.

Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Bắc Giang là một trong các đơn vị thực hiện nhiều gói thầu sử dụng ngân sách nhà nước.

Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và PTNT có 19/19 gói thầu có 03 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu/gói thầu, trong đó có 06 gói thầu có 4 nhà thầu mua hồ sơ dự thầu…

Nhiều gói thầu, hồ sơ dự thầu thể hiện rõ “quân xanh”, quân đỏ”, 2/3 nhà thầu dự thầu làm hồ sơ dự thầu sơ sài, hình thức (không nộp hoặc đảm bảo dự thầu không hợp lệ, thiếu tài liệu chứng minh năng lực kinh nghiệm). Khi đánh giá hồ sơ dự thầu, các nhà thầu này bị loại ngay ở bước đánh giá tư cách hợp lệ và năng lực kinh nghiệm (là bước đánh giá sơ đẳng nhất trong hồ sơ dự thầu).

Cá biệt có một số nhà thầu chuyên đi dự thầu để trượt, có đủ năng lực kinh nghiệm để trúng thầu thực hiện ở một số gói thầu, nhưng lại làm hồ sơ dự thầu hết sức sơ sài, cố tình không nộp đủ hồ sơ đánh giá năng lực, kinh nghiệm dể bị loại ở các gói thầu có quy mô tính chất tương tự.

Điển hình là Công ty Cổ phần xây dựng Quang Vinh tham gia dự thầu nhưng đều không trúng ở các gói thầu: Xây dựng mở rộng trường mầm non xã Song Khê, TP. Bắc Giang (năm 2016), dự án đường bê tông liên thôn Tảu đi thôn Thượng xã Long Sơn, huyện Sơn Động (quý I/2017), gói thầu kè lát mái đê hữu Thương Ba tổng đoạn K0+400-K0+700 (năm 2016), gói thầu đắp đê hữu Lục Nam từ K2+500 đến K0+50 do ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và PTNT làm chủ đầu tư (Quý I/2017)…

Ở một số địa phương còn tình trạng lựa chọn cho một số ít nhà thầu trúng nhiều gói thầu có tính chất tương tự trong một thời điểm, có tình trạng một cá nhân chỉ huy trưởng công trình tại nhiều gói thầu khác nhau trong một thời điểm, vi phạm quy định Luật Đấu thầu và các quy định về quản lý chất lượng xây dựng.

Ngoài ra còn có tình trạng nhà thầu khi tham gia gói thầu này bị loại do năng lực, kinh nghiệm nhưng lại trúng thầu ở gói khác có quy mô, tính chất tương tự như trường hợp năm 2017, Công ty TNHH Huy Lộc khi tham dự gói thầu xây lắp hạng mục nhà lớp học 2 tầng 6 phòng học công trình trường Mầm non Đức Thắng số 1, xã Đức Thắng, huyện Hiệp Hòa với giá gói thầu 2.605 triệu đồng, do không nộp bảo lãnh dự thầu nên bị loại; nhưng lại trúng thầu gói thầu xây lắp hạng mục nhà 2 tầng 6 phòng học trường Mầm non Đức Thắng số 2 với giá gói thầu 2.733 triệu đồng.

Việc lựa chọn nhà thầu mang tính hình thức trong thời gian qua diễn ra phổ biến trong thời gian dài đã làm giảm tính cạnh tranh, minh bạch và giảm hiệu quả đấu thầu là tồn tại lớn nhất hiện nay nhưng Sở KHĐT, UBND các huyện, thành phố chưa kịp thời đề ra các giải pháp hữu hiệu để chấn chỉnh.


Sở KH&ĐT tỉnh Bắc Giang là đơn vị được HĐND tỉnh Bắc Giang đề cập nhiều lần trong báo cáo về những góc tối trong công tác đầu thầu tại Bắc Giang.

Sở KH&ĐT tỉnh Bắc Giang là đơn vị được HĐND tỉnh Bắc Giang đề cập nhiều lần trong báo cáo về những "góc tối" trong công tác đầu thầu tại Bắc Giang.

Công tác quản lý nhà nước về đấu thầu yếu kém như thế nào?

Báo cáo của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Giang cho biết, về công tác quản lý nhà nước, việc quan tâm chỉ đạo hoạt động đấu thầu tại Bắc Giang chưa thường xuyên và hiệu quả quản lý chưa cao, Sở Kế hoạch và đầu tư, UBND các huyện, thành phố chưa tham mưu cho UBND tỉnh Bắc Giang có biện pháp hữu hiệu để chấn chỉnh tình trạng đấu thầu hình thức, không đảm bảo tính cạnh tranh đang diễn ra ở một số địa phương; chưa kịp thời triển khai và đề ra các giải pháp thực hiện chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kế hoạch tổng thể và lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng giai đoạn 2016-2015, đây là giải pháp đảm bảo đấu thầu minh bạch, tính cạnh tranh cao, khắc phục tình trạng đấu thầu hình thức đang diễn ra phổ biến hiện nay, tuy nhiên tỉnh Bắc Giang chưa có kế hoạch và biện pháp cụ thể để triển khai thực hiện.

Việc quản lý hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ đấu thầu còn lỏng lẻo, nhiều lớp đào tạo hình thức để thu tiền cấp chứng chỉ đấu thầu, dẫn đến số lượng người được cấp chứng chỉ đủ điều kiện tham gia hoạt động đấu thầu rất nhiều nhưng phần lớn không nắm rõ về trình tự, thủ tục và các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động đấu thầu.

Công tác kiểm tra, thanh tra về hoạt động đấu thầu mới được quan tâm thực hiện ở cấp tỉnh, các huyện hầu như buông lỏng. Số lượng các cuộc kiểm tra, thanh tra nhiều nhưng hiệu quả chưa cao, chủ yếu là nhắc nhở, chưa xử phạt nghiêm đối với các sai phạm; sau kiểm tra, thanh tra, các vi phạm tồn tại chậm được khắc phục.

Qua thanh tra, kiểm tra phát hiện nhiều sai phạm trong hoạt động đấu thầu, diễn ra phổ biến trong thời gian dài nhưng Sở KHĐT tỉnh Bắc Giang chưa tổng hợp sai phạm phổ biến để tham mưu cho UBND tỉnh Bắc Giang có biện pháp chấn chỉnh hoạt động đấu thầu trên toàn tỉnh.

Dự án Xây dựng cầu Đồng Sơn và đường lên cầu theo hình thức hợp đồng BT (Xây dựng - Chuyển giao) có tổng mức đầu tư của Dự án là hơn 1.163 tỷ đồng. Với tổng chiều dài tuyến 10,62 km, gồm phần đường dẫn hai đầu cầu dài 10,263 km và cầu Đồng Sơn dài 0,357 km, cầu Văn Sơn dài 21,1 m. Tính ra, mỗi 1 km hỗn hợp mà doanh nghiệp này thực hiện phải chi phí hơn 100 tỷ đồng.

Nhà thầu thực hiện dự án là Công ty TNHH Tân Thịnh. Và để hoàn vốn, Công ty Tân Thịnh sẽ được UBND tỉnh Bắc Giang trả hơn 14 ha đất tại phân khu số 06, số 07 thuộc khu đô thị phía Nam thành phố Bắc Giang để phân lô, bán nền.

Trao đổi với PV Dân trí về lý do Công ty TNHH Tân Thịnh vừa là doanh nghiệp đề xuất dự án nghìn tỷ vừa là doanh nghiệp trúng thầu ngay sau đó, ông Trần Xuân Đông, giám đốc Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông tỉnh Bắc Giang cho rằng: Sở dĩ doanh nghiệp này được giao thực hiện theo thủ tục chỉ định thầu bởi Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông tỉnh Bắc Giang tiến hành đấu thầu nhưng chỉ có 2 đơn vị mua hồ sơ và sau đó chỉ còn 1 doanh nghiệp duy nhất là Công ty TNHH Tân Thịnh tham gia đấu thầu thực hiện dự án này.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế - Ngọc Hân

-