Dòng kênh đen tra tấn người dân: Đã nạo vét lòng kênh để “xóa” ô nhiễm!

(Dân trí) - Liên quan đến dòng kênh đen nhiều năm “tra tấn” người dân TP Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu), sau khi Báo Dân trí phản ánh, lãnh đạo địa phương cho biết đã tiến hành nạo vét lòng kênh, khai thông dòng chảy, để “xóa” ô nhiễm cho dân.

Theo UBND TP Bạc Liêu, dự án đầu tư xây dựng Kênh Hở tại phường 2 và phường 5 được triển khai thực hiện vào năm 2006, do Ban quản lý dự án cấp thoát nước và vệ sinh môi trường tỉnh làm chủ đầu tư. Trong quá trình triển khai thực hiện dự án còn 2 hộ dân chưa chịu di dời, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công triển khai thực hiện, nên tuyến kênh này vẫn chưa thông, dẫn đến ùn ứ rác, lòng kênh bị bồi lắng, gây ô nhiễm môi trường.

Dòng Kênh Hở lúc còn ô nhiễm.
Dòng Kênh Hở lúc còn ô nhiễm.

Sau khi báo chí phản ánh, Chủ tịch UBND TP Bạc Liêu dã trực tiếp kiểm tra, khảo sát tình trạng ô nhiễm tại tuyến kênh. Chủ tịch TP đã chỉ đạo các ngành chức năng thuê đơn vị thi công tiến hành xử lý, khắc phục tình trạng ô nhiễm.

Ngoài ra, Chủ tịch TP Bạc Liêu cũng yêu cầu giải quyết dứt điểm 2 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng để thực hiện hoàn chỉnh dự án.

“Đến nay, đơn vị thi công đã tiến hành nạo vét tuyến kênh. Đồng thời, 2 hộ dân chưa đồng ý bàn giao mặt bằng cũng đã tháo dỡ, di dời bàn giao mặt bằng cho đơn bị thi công tiếp tục triển khai hoàn thành dự án”, bà Lê Hồng Thu- Phó Chủ tịch TP Bạc Liêu nêu rõ trong công văn về việc xử lý ô nhiễm Kênh Hở.

UBND TP Bạc Liêu cũng cho rằng, việc đầu tư xây dựng hệ thống lan can 2 bên bờ Kênh Hở là để đảm bảo an toàn, tránh các vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra (?).

Ghi nhận của PV Dân trí trong ngày 17/11, hiện một số đoạn của dòng Kênh Hở đã được nạo vét thông thoáng. Trong khi đó, đơn vị thi công đang tiến hành thi công xây dựng lan can 2 bên bờ kênh.

Một đoạn kênh đã được nạo vét.
Một đoạn kênh đã được nạo vét.

Như Dân trí đã có bài phản ánh, nhiều năm qua, người dân sống 2 bên bờ Kênh Hở (thuộc phường 2 và phường 5, TP Bạc Liêu) bức xúc trước tình trạng rác ứ đọng, lòng kênh cạn, nước không ra vào được đã gây ô nhiễm nghiêm trọng dòng kênh, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân.

Nguyên nhân được người dân phản ánh là do các ngành chức năng địa phương không thường xuyên nạo vét lòng kênh để khai thông dòng chảy, dẫn đến tình trạng ô nhiễm này.

Huỳnh Hải