Đắk Nông:

Cấp phép khai thác cát tràn lan, dòng sông “nổi giận”, tội người dân lắm!

(Dân trí) - “Vấn nạn cát tặc cần phải được đặc biệt chú ý. Bởi cát tặc không chỉ gây nên những hệ luỵ kinh hoàng về đời sống của người dân mà đây còn là nguồn lợi nhuận khổng lồ. Mọi hành vi bảo kê cho cát tặc hoặc cấp phép khai thác cát tràn lan luôn gắn liền với tham nhũng và lợi ích nhóm!”.

Đó chỉ là một trong số hàng trăm ý kiến phản hồi của bạn đọc Dân trí sau khi bài viết “Dòng sông "nổi giận", người dân kinh hãi "bỏ của chạy lấy người"!” được đăng tải.

Ít nhất 15ha đất đã bị dòng sông cuốn trôi khiến nhiều nông dân phải bỏ nhà, bỏ ruộng vườn đi nơi khác sống. Tình trạng diễn ra nhiều năm nay kể từ khi một công ty được phép đến đây khai thác cát.

“Nguyên nhân do khai thác cát”

Từ đầu năm 2017 tới nay, hai bên bờ sông Krông Nô (đoạn qua xã Nâm N’Đir, huyện Krông Nô) bị sạt lở nghiêm trọng. Theo phản ánh của người dân, chỉ trong vòng 5 tháng, con sông này đã ăn sâu vào đất sản xuất của họ hàng chục mét, trong khi đó, thống kê của UBND xã Nâm N’Đir cũng cho biết, tình trạng sạt lở đã làm ít nhất 15ha đất nông nghiệp của xã này bị “nuốt chửng”.

Sạt lở khiến hơn 15 ha đất nông nghiệp bị nuốt chửng.
Sạt lở khiến hơn 15 ha đất nông nghiệp bị nuốt chửng.

Ông Lê Đức Cường, Chủ tịch UBND xã Nâm N’Đir cho biết, ngày 30/5, chính quyền địa phương đã họp và nghe báo cáo tình hình sạt lở diễn ra hai bên bờ sông Krông Nô. Theo ông Cường, toàn xã có khoảng 9km đường bờ sông, tuy nhiên có khoảng 2km đoạn qua hai thôn Quảng Hà và Nam Thanh bị sạt lở nghiêm trọng, nếu tình trạng này không được khắc phục thì toàn bộ hệ thống đê phòng hộ mới làm năm 2015 (hiện chỉ cách lòng sông 3-5m) sẽ bị mất trắng.

“Nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở nghiêm trọng hai bên bờ dòng sông là do hoạt động khai thác cát của Công ty Phú Bình. Theo đề án, Công ty Phú Bình phải khai thác từ thượng nguồn xuống, nhưng Công ty này lại làm từ hạ nguồn ngược lên theo lối khai thác tận thu, mỗi vị trí hút sâu cả 4-5 mét (quy định chỉ có 3m), tạo thành những bậc thang dưới lòng sông. Hơn nữa, trong giấy phép khai thác, cơ quan chức năng chỉ cho phép công ty này đưa 4 tàu đến làm việc, nhưng từ hơn 1 tháng nay, lúc nào cũng có khoảng hơn 20 chiếc tàu công suất lớn hoạt động liên tục ngày đêm đoạn sông trên”, chủ tịch xã Nâm N’Đir khẳng định.

Theo ông Cường, xã đã nhiều lần mời đại diện Công ty này lên làm việc và tổ chức đối thoại với người dân. Công ty này ban đầu cũng thừa nhận hành vi của mình, nhưng sau đó lại một mực phủ nhận, quy trách nhiệm cho nhà máy thủy điện Buôn Tua Sarh xả nước làm sạt lở đất.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Cao Trí, Phó trưởng phòng Tài nguyên môi trường huyện Krông Nô cho biết: Đơn vị này đã nắm được thông tin về tình trạng sạt lở đất đồng thời tham mưu cho UBND huyện kiến nghị Sở TN-MT tỉnh Đắk Nông có biện pháp giải quyết triệt để. Ngày 12/6, Sở sẽ về kiểm tra thực địa để đưa ra kết luận cuối cùng, nếu Công ty Phú Bình vi phạm, sẽ đề nghị UBND tỉnh thu hồi giấy phép hoạt động và buộc bồi thường cho người dân.

Cần xem xét trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương

Bạn đọc Hải Hà phân tích: “Xã đã biết doanh nghiệp làm sai đề án là khai thác ngược từ hạ nguồn lên theo lối khai thác tận thu; trong giấy phép chỉ cho phép công ty này đưa 4 tàu đến làm việc nhưng hơn 1 tháng nay lúc nào cũng có khoảng hơn 20 chiếc tàu công suất lớn hoạt động liên tục ngày đêm trên sông. Lãnh đạo xã cũng biết nếu không khắc phục tình trạng này thì toàn bộ hệ thống đê phòng hộ mới làm năm 2015 sẽ bị mất trắng.

Vâng, lãnh đạo xã biết hết nhưng tại sao vẫn không xử lý doanh nghiệp, vẫn để công ty này phủ nhận trách nhiệm và đổ lỗi cho nhà máy thủy điện xả nước làm sạt lở đất?”.

Theo UBND xã Nâm N’Đir nguyên nhân là do việc khai thác kiểu tận thu cát trên sông.
Theo UBND xã Nâm N’Đir nguyên nhân là do việc khai thác kiểu tận thu cát trên sông.

Bạn đọc Vũ Tuấn: “Rõ ràng là do khai thác cát sỏi quá sâu lòng sông gây ra sạt lở. Cứ quy trách nhiệm Công ty khai thác cát đền bù thiệt hại là xong hết, đồng thời cũng phải xem xét trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương. Hậu quả nghiêm trọng thì khởi tố chủ doanh nghiệp thì mới mong giảm bớt nạn cát tặc”

Bạn đọc Trần Minh Xuân: “Về việc này, chính quyền cần phải gấp rút bố trí nơi ở mới và di dời dân đến nơi an toàn, chấm dứt ngay hành động khai thác cát; trồng cột mốc tạo hành lang an toàn, nhanh chóng thống kê thiệt hại hoa màu và diện tích đất để bồi thường lại cho dân; phải nghiêm chỉnh rút kinh nghiệm với những quyết định cho khai thác cát”.

Bạn đọc Đào Kim Mong: “Dân mất hết đất canh tác lẫn nhà ở rồi, có nhà mất cả hecta đất mà ông Phó phòng sở TNMT vẫn chỉ nói vấn đề báo cáo và tham mưu thôi. Chán nhỉ!”.

Bạn đọc Zanbi Tran: “Không làm quyết liệt việc triệt tiêu cát tặc thì không giải quyết được vấn đề sạt lở. Không tính đến vấn đề đê điều sẽ không thoát khỏi ngập lụt. Vậy nên tăng trưởng kinh tế chỉ có thể làm được khi người dân được an cư, vì thế vấn đề cần đặt lên hàng đầu là phải trị thủy”.

Bạn đọc Nguyễn Hiền: “Không lẽ để cuộc sống của hàng trăm người dân điêu đứng như thế này? Tại sao việc cho phép hút cát trên sông của một cơ quan nhà nước nào đó mà lại để dân “bỏ của chạy lấy người”? ai phải chịu trách nhiệm?

“Đề nghị giải quyết nhanh, dứt điểm, triệt để cho bà con yên tâm” - bạn đọc Đình Hoàn.

“Vấn nạn cát tặc cần phải được đặc biệt chú ý. Bởi cát tặc không chỉ gây nên những hệ luỵ kinh hoàng về đời sống của người dân mà đây còn là nguồn lợi nhuận khổng lồ. Mọi hành vi bảo kê cho cát tặc hoặc cấp phép khai thác cát tràn lan luôn gắn liền với tham nhũng và lợi ích nhóm!”. Bạn đọc Thanh Hải Bùi thẳng thắn chia sẻ quan điểm.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Khả Vân