Đồng Tháp: 10 năm, tỷ lệ người tham gia xuất khẩu lao động giảm 70%

Sáng 23.7, tại TP. Cao Lãnh, Sở LĐTBXH Đồng Tháp tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện công tác xuất khẩu lao động (2003-2013). Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Thường trực Bộ LĐTBXH Nguyễn Thanh Hoà chủ trì hội nghị.

Quang cảnh hội nghị
 Quang cảnh hội nghị

Báo cáo trước hội nghị, GĐ Sở LĐTBXH Đồng Tháp Bùi Thành Nhơn cho biết, sau 10 năm thực hiện, Đồng Tháp đã có trên 6.500 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, trong đó có trên 30% gia đình trở nên khá, tập trung chủ yếu là lao động làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan.

Theo ông Nhơn, ngoài thu nhập, người lao động còn có điều kiện tiếp xúc học tập thêm về chuyên môn, kỹ thuật, ngoại ngữ, tác phong làm việc công nghiệp, kỷ luật lao động, giao lưu văn hoá và góp phần quan trọng làm giảm bớt một số vấn đề xã hội như lấy chồng Đài Loan, nạn lừa đảo buôn bán phụ nữ dưới hình thức du lịch lao động, kết hôn với người nước ngoài…

Tuy nhiên, theo ông Nhơn, điều đáng lo là tỷ lệ người tham gia xuất khẩu lao động đang trong giai đoạn giảm. Đặc biệt là từ năm 2007 đến nay, bình quân mỗi năm chỉ có 214 lao động xuất cảnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, giảm hơn 70% so giai đoạn 4 năm đầu (2003-2006) và chỉ bằng khoảng 30% so với bình quân chung cả nước.

Cụ thể, bình quân giai đoạn 2003-2005 có 1.311 lao động/năm, đến giai đoạn 2011-2013, bình quân chỉ có 87 lao động/năm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc sụt giảm này, nhưng chủ yếu là do chưa hiểu biết nhiều về một số thị trường lao động, đa số người lao động có trình độ văn hoá chưa cao (chủ yếu chỉ học cấp II, chuyên môn chưa được đào tạo, chưa từng làm việc trong nhà máy, xí nghiệp, khả năng ngoại ngữ kém) nên chỉ tập trung đi được các thị trường có thu nhập không cao, rủi ro nhiều.

Cụ thể, lao động tại thị trường Malaysia chưa được cải thiện, thu nhập chỉ dao động trong mức 6-10 triệu đồng/người/tháng, không cao hơn hơn so với lao động tại các khu công nghiệp trong nước. Ngoài ra, các lao động này lại thiếu tinh thần hợp tác nên thường vi phạm nội quy, vi phạm phong tục, tập quán của nước sở tại, giờ giấc làm việc nên ít được bố trí làm thêm giờ, lương không cao, lại tiêu xài thiếu tiết kiệm nên sau thời hạn lao động không tích luỹ được nhiều.

Trong khi đó các thị trường có thu nhập cao, ít rủi ro, như Hàn Quốc, Nhật Bản với mức thu nhập khoảng 1.500USD/người/tháng thì ít lao động đáp ứng được các yêu cầu về kỹ năng, ngoại ngữ và chi phí để tham gia.

Theo Lục Tùng/Báo Lao Động