“Yếu kém mà không sửa thì kiên quyết phải thay!”

(Dân trí) - Ông Hoàng Sỹ Thành - Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) đã nhắc nhở lãnh đạo 26 Cục Thi hành án dân sự trên cả nước như vậy xung quanh kết quả thi hành án, thu hồi tài sản cho ngân sách Nhà nước “chưa có nhiều đột phá”, vẫn còn đạt “tỷ lệ thấp” suốt 5 tháng vừa qua.

Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như là một trong những vụ việc đang gây đau đầu cho cơ quan thi hành án dân sự khi số tiền phải thu hồi rất lớn, nhưng tài sản đảm bảo không có hoặc rất ít.
Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như là một trong những vụ việc đang gây đau đầu cho cơ quan thi hành án dân sự khi số tiền phải thu hồi rất lớn, nhưng tài sản đảm bảo không có hoặc rất ít.

Tại cuộc họp nóng với lãnh đạo 26 Cục Thi hành án hình sự địa phương chiều 11/3, ông Mai Lương Khôi - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết kết quả thi hành án dân sự 5 tháng qua chưa có sự đột phá, vẫn còn một số đơn vị đạt tỷ lệ rất thấp về cả số việc lẫn số tiền thi hành án xong.

“Công tác chỉ đạo giải quyết các vụ việc trọng điểm, các vụ việc khiếu nại, tố cáo, phức tạp, kéo dài, các vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng còn chưa thực sự đạt hiệu quả, chưa đáp ứng yêu cầu. Các cơ quan thi hành án dân sự địa phương chưa chủ động trong việc xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch, chưa có các giải pháp thiết thực, đột phá nhằm giải quyết các vụ việc loại này”- ông Khôi thẳng thắn.

Trong khi đó, việc thi hành các vụ án lớn, liên quan đến thu hồi tài sản cho Nhà nước kết quả còn rất thấp. Tính đến hết tháng 2/2016, các cơ quan đang tổ chức thi hành các vụ án thu hồi tài sản cho ngân sách Nhà nước trong các vụ án lớn chủ yếu tập trung tại một số địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, TPHCM, Hải Dương, Đắk Nông... với tổng số 66 việc, số tiền trên 16.602 tỷ đồng.

Theo ông Khôi, trong số việc còn đang tổ chức thi hành có nhiều vụ việc có giá trị phải thi hành lớn, lên tới hàng nghìn tỷ, điển hình như vụ Vinashin, Vinalines, vụ Công ty Đầu tư tài chính II (ALCII), vụ Ngân hàng phát triển Đắk Lắk, vụ Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên), vụ Huỳnh Thị Huyền Như (Ngân hàng Vietinbank),...

“Đây đều là những vụ án kinh tế lớn liên quan đến nhiều đối tượng phải thi hành án, có tính chất phức tạp, khó thi hành, số tiền thi hành xong rất nhỏ so với tổng số tiền còn phải thi hành. Quá trình thi hành án mất nhiều thời gian, gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc xử lý số tiền bị phong tỏa tài khoản, kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản, nhiều tài sản là nhà xưởng, hệ thống thiết bị máy móc... rất khó bán, dù giảm giá nhiều lần nhưng không có người mua”- ông Khôi nêu thực trạng.

Bên cạnh lượng án tương đối lớn về giá trị thuộc diện chưa có điều kiện thi hành, tồn đọng trong nhiều năm không thi hành được, phải tiến hành đôn đốc, xác minh mất nhiều thời gian, công sức, ông Mai Lương Khôi còn cho biết số việc phải thi hành cho ngân sách nhà nước như các khoản án phí, tiền phạt, tịch thu sung công trong các vụ án về ma túy, đánh bạc chiếm số lượng lớn, nhiều người phải thi hành án không có tài sản, đang phải chấp hành án phạt tù hoặc khi mãn hạn tù đi làm ăn, sinh sống ở nơi khác, không có mặt tại địa phương nên không thể đôn đốc thi hành án.

Hơn nữa ý thức chấp hành bản án, quyết định của người phải thi hành án chưa cao, phần lớn người phải thi hành án thường tìm cách trì hoãn, kéo dài việc thi hành án. Thậm chí có những trường hợp chống đối quyết liệt việc thi hành án, nhưng việc áp dụng chế tài hành chính, hình sự đối với những trường hợp này chưa đủ mạnh.

“Anh em không sửa thì kiên quyết phải thay”

Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Hoàng Sỹ Thành cho biết 26 địa phương này chiếm trên 68% tổng số vụ việc phải thi hành trên toàn quốc. Chính vì thế nếu Cục Thi hành án dân sự ở 26 địa phương này không hoàn thành nhiệm vụ được giao thì toàn bộ hệ thống thi hành án dân sự sẽ không hoàn nhiệm vụ trước Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Ông Hoàng Sỹ Thành đề nghị Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự 26 địa phương này phải chấn chỉnh ngay kỷ cương, kỷ luật của đơn vị, đặc biệt tại các Chi cục Thi hành án dân sự.

“Đơn vị nào yếu thì phải mời anh em lên nhắc nhở. Anh em không sửa thì kiên quyết phải thay. Chính vì ý thức trách nhiệm chưa cao nên nảy sinh những yếu kém, tồn tại. Tôi khẳng định với các đồng chí là trong giai đoạn mới, lãnh đạo Bộ Tư pháp yêu cầu cao hơn rất nhiều. Đặc biệt trong các vụ án liên quan đến tham nhũng, bồi thường trách nhiệm nhà nước. Đồng chí Chủ tịch nước đã yêu cầu chúng ta một quý phải báo cáo một lần. Nếu giải quyết được món này thì nó sẽ khá hơn rất nhiều”- ông Thành nhắc nhở cán bộ cấp dưới.

Ông Hoàng Sỹ Thành đưa ra những chỉ đạo mạnh mẽ tại cuộc họp với lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự 26 địa phương trên cả nước (Ảnh: T.K)
Ông Hoàng Sỹ Thành đưa ra những chỉ đạo mạnh mẽ tại cuộc họp với lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự 26 địa phương trên cả nước (Ảnh: T.K)

Tại buổi họp, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự đã chính thức yêu cầu Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các địa phương phải định kỳ tiếp dân để kịp thời gian quyết những vấn đề phát sinh.

“Tiếp dân phải văn minh, lịch sự, với tinh thần phục vụ nhân dân. Chúng ta phải tiếp dân cho đàng hoàng, tập trung giải quyết ngay những khiếu kiện, tố cáo từ cơ sở chứ đừng để tập trung lên đây. Tại sao số vụ việc giảm mà khiếu nại tố cáo lại tăng như vậy, rõ ràng có việc tiếp dân, giải quyết đơn thư tố cáo của người dân không tốt, thiếu trách nhiệm”- ông Thành thắng thắn.

Trong khi đó, ông Mai Lương Khôi yêu cầu Cục Thi hành án dân sự 26 địa phương phải tăng cường chỉ đạo rà soát, phân loại và phối hợp chặt chẽ với Tòa án trong việc xử lý những bản án, quyết định tuyên không rõ, khó thi hành và có sai sót. Đồng thời chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan có liên quan xử lý dứt điểm các vụ việc thi hành án dân sự, nhất là các vụ án lớn, phức tạp.

Thế Kha