1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Yêu cầu không đổ lỗi cho các bộ khác”

(Dân trí) - “Thường vụ Quốc hội yêu cầu, người hỏi và người trả lời chất vấn phải hết sức ngắn gọn, các bộ trưởng phải đi thẳng vào vấn đề, không đổ lỗi cho bộ khác…”, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trần Đình Đàn cho biết về phiên chất vấn tới đây tại Quốc hội.

Thưa ông, phiên chất vấn lần này tại Quốc hội có những điểm gì mới so với những phiên chất vấn trước đây?
 
Quốc hội sẽ tiếp tục chất vấn theo nhóm vấn đề. Hiện, những nhóm vấn đề đã được gửi đến đại biểu để chuẩn bị câu hỏi trong phạm vi đó. Thời gian chất vấn mỗi Bộ trưởng một buổi là không dài, nên phải tăng được tranh luận.
 
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng chỉ báo cáo trong vòng 30 phút, còn các Bộ trưởng cũng chỉ có 10 - 15 phút mào đầu, còn lại là dành thời gian đối thoại với đại biểu.
 
Sau chất vấn, Thường trực Quốc hội sẽ gút lại vấn đề và tùy tình hình cụ thể, Quốc hội sẽ ra Nghị quyết, quy trách nhiệm, lời hứa của các thành viên Chính phủ, bộ ngành liên quan.
 
“Yêu cầu không đổ lỗi cho các bộ khác” - 1
Ông Trần Đình Đàn: "Phải tăng tranh luận" (Ảnh:Việt Hưng)
 
Quốc hội cũng sẽ giao Ủy ban Thường vụ tổ chức chất vấn giữa hai kỳ họp tại phiên họp của Ủy ban giữa 2 kỳ họp Quốc hội. Việc này đã làm rồi, nhưng sẽ hướng tới việc giải trình hoặc có thể điều trần tại các Ủy ban.
 
Chẳng hạn, Ủy ban của Quốc hội cần giải trình vấn đề nào đó, sẽ mời Bộ trưởng đến để có điều trần giữa cơ quan quản lý nhà nước với cơ quan chuyên môn của Quốc hội.
 
Việc điều hành phiên chất vấn tại kỳ họp lần này có gì mới và ai sẽ điều hành phiên chất vấn lần này?
 
Thường vụ sẽ phân công đồng chí Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên chất vấn. Thường vụ cũng yêu cầu, người hỏi và người  trả lời phải hết sức ngắn gọn, các bộ trưởng phải đi thẳng vào vấn đề, không đổ lỗi cho bộ khác. Bộ mình đã làm được việc gì và bộ khác chưa hoàn thành việc gì cũng phải nói rõ với đại biểu.
 
Có thực tế trước một số vấn đề khó, các Bộ trưởng thường trả lời là sẽ tiếp thu hoặc nghiên cứu sau khiến cho chất vấn không thể đi đến cùng vấn đề?
 
Đi vào một nội dung cụ thể, một dự án, việc sai sót của ai đó hay quy trình làm chưa đảm bảo, không đúng pháp luật, Bộ trưởng không thể nắm hết được. Họ phải có những cơ quan giúp và sẽ trả lời sau.
 
Về việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng, nếu có những việc chưa làm được do lỗi chủ quan, Quốc hội sẽ xem xét trách nhiệm ra sao, thưa ông?
 
Theo luật, nếu Bộ trưởng làm chưa được, Quốc hội có quyền tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm. Tuy nhiên, thời gian qua các Bộ trưởng có cố gắng rất lớn. Cho nên nếu nói Bộ nào có những yếu kém để đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm, theo chủ quan của tôi tại kỳ họp này sẽ không có.
 
Tại sao lần này Quốc hội lại chất vấn Bộ trưởng Tài chính vấn đề phê duyệt tiền lương cho các doanh nghiệp nhà nước, trong khi đây là trách nhiệm của Bộ LĐ-TB&XH?
 
Khi Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời chính về vấn đề này, chúng tôi sẽ mời tất cả các Bộ trưởng khác cùng tham dự. Do vậy, chỗ nào liên quan đến Bộ LĐ-TB&XH, Chủ tịch Quốc hội sẽ mời Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân làm rõ.
 
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét công tác nhân sự, ông có thể nói cụ thể hơn?
 
Vừa qua, có đại biểu Quốc hội được điều động chuyển công tác về địa phương, không thể tham gia thường trực các cơ quan của Quốc hội. Do vậy, Quốc sẽ xem xét miễn nhiệm chức danh cán bộ đã luân chuyển, và bầu bổ sung.
 
Về nhân sự của Chính phủ, Quốc hội sẽ xem xét việc Phó Thủ tướng có kiêm nhiệm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT hay không. Nếu không kiêm nhiệm, Quốc hội sẽ miễn nhiệm chức vụ này và phê chuẩn chức danh Bộ trưởng Bộ GD&ĐT mới.
 
Xin cám ơn ông!
 
Cấn Cường (ghi)