Yên Tử trước ngày khai hội: Bố trí cán bộ trực “điểm nóng”
(Dân trí) - Lễ khai hội Yên Tử năm nay sẽ chính thức bắt đầu vào ngày mai 12/2 (tức mồng 10 tháng Giêng âm lịch). Ban tổ chức cho biết đã triển khai bố trí lực lượng cán bộ thường trực tại các “điểm nóng” để đảm bảo an toàn cho du khách hành hương trẩy hội.
Ông Vũ Văn Khoản - Phó giám đốc trung tâm quản lý di tích danh thắng Yên Tử - cho biết: “ Lượng du khách hành hương về Yên Tử năm nay được ghi nhận là tăng hơn nhiều so với năm ngoái. Chỉ tính từ ngày mồng 1 tết đến mồng 6 đã có khoảng 200 nghìn lượt du khách về trẩy hội”.
Du khách hành hương tại chùa Hoa Yên
Theo ông Khoản, xu hướng chung của một vài năm trở lại đây là nhiều du khách chọn trẩy hội Yên Tử trước ngày khai hội chính thức để tránh đông người ùn tắc và đảm bảo an toàn. Theo tính toán ban đầu của Ban tổ chức thì trong những ngày giáp khai hội, số lượng du khách đến Yên Tử đã không ngừng tăng lên với vài vạn lượt mỗi ngày.
Với hệ thống cáp treo gồm trên 70 ca bin của hai nhà ga luôn đông kín khách, nhiều du khách đã quyết định leo bộ lên đỉnh núi trên quãng đường hàng nghìn bậc đá dài tới 6km. Bác Ngô Văn Hưng - Hoàn Kiếm - Hà Nội chia sẻ: “Gia đình tôi năm nay chọn đi Yên Tử giáp khai hội. Như thế, đường chưa đông lắm nên leo núi dễ. Tính là vậy nhưng lên đến đây vẫn thấy có hàng vạn người cũng đã bắt đầu hành hương leo núi”.
Lễ hội xuân Yên Tử năm 2010 đã thu hút khoảng hơn 2 triệu lượt khách du xuân cả trong nước và quốc tế. Chính vì vậy, hiện tượng ùn tắc đã thường xuyên xảy ra, đặc biệt là các hệ thống cáp treo luôn luôn trong tình trạng quá tải.
Ngày 09/2/2011, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân ký công điện số 162/CĐ-TTg ban hành yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quán triệt thực hiện nghiêm túc Kết luận số 51-KL/TW và chỉ thị số 27-CT/TTg của Bộ Chính trị về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc Cưới, việc tang, lễ hội… Theo đó, các cơ quan đơn vị chủ trì tổ chức lễ hội phải chịu trách nhiệm về nội dung, chương trình, công tác tổ chức, quy mô, cấp độ của lễ hội… nhằm tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm những sai phạm trong lĩnh vực tổ chức quản lý lễ hội, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực trong lễ hội như: mê tín dị đoan, đốt đồ mã, đặt hòm công đức, đặt lễ, đặt “tiền giọt dầu” tùy tiện, lưu hành văn hóa phẩm trái phép, nâng giá, ép giá dịch vụ… Đối với các lễ hội có quy mô lớn như: Chùa Hương; Yên Tử; Phủ Dầy; Hội Lim…các địa phương phải xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo an toàn cho nhân dân, tuyệt đối không để xẩy ra tai nạn, cháy nổ ùn tắc giao thông. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu tránh nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và quản lý lễ hội trên địa bàn. |
Quốc Đô - Anh Thế