Y tế “chậm tiến” hơn giáo dục?
(Dân trí) - Tổng kết của Bộ trưởng Bộ Y tế cũng như kết quả giám sát của Quốc hội không làm hài lòng các đại biểu. Khống chế dịch tả kém hiệu quả, loay hoay với việc điều chỉnh viện phí, thực hiện cơ chế tự chủ tài chính cho bệnh viện công… đều nhận “chỉ trích”.
Viện phí “lu bu” hơn… học phí
Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội, bà Trương Thị Mai, nêu những con số: bệnh viện tư mới đạt 3% số giường bệnh trong cả nước; chính sách viện phí thu từ năm 1995 đến nay vẫn giữ nguyên; “thủng quỹ” bảo hiểm y tế năm nay ước tính lên tới 2.500 tỷ đồng…
Trưởng ban công tác đại biểu Phạm Minh Tuyên thậm chí còn tỏ ra hoài nghi với con số báo cáo 69% xã, phường đã có bác sĩ. Nói xã hội hóa nhưng bệnh viện tư quá ít và cũng không mấy cái “ra tấm ra món”; bệnh viện công thì 2-3 bệnh nhân chung một giường, vài chục người bệnh "nhồi" chung một phòng; các dịch vụ y tế cao cấp thì chạy tuột ra các bệnh viện vốn đầu tư nước ngoài.
Trong khi đó, Chủ nhiệm UB Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi “công phá” ngay vấn đề tự chủ tài chính của ngành y tế. Theo ông Thi, các bệnh viện hiện nay vẫn tiếp cận quan điểm này quá chậm. Trước hết, vấn đề viện phí, phải coi đó là giá của một dịch vụ công chứ không phải là 1 loại phí, lệ phí.
Ông Thi so sánh, điều chỉnh viện phí cũng như học phí, phải có lộ trình. Viện phí đã “dậm chân” một thời gian dài không chịu tăng, lúc bàn tới chuyện tăng thì lại đột ngột vọt lên gấp nhiều lần, gây sốc cho người dân.
Chủ nhiệm UB thanh thiếu niên và nhi đồng so sánh, về khả năng tự chủ, ngành y tế triển khai chậm hơn và kém hiệu quả hơn so với… “anh chàng không tiến bộ gì là giáo dục”.
Phép liên hệ tiếp tục mở rộng tới chủ trương chuyển các dịch vụ cao cấp sang khối bệnh viện tư nhân. Theo ông Thi, việc đó phải để chính các bệnh viện công làm vì các cơ sở tư nhân thường không đủ vốn, điều kiện nhân lực. Trao “độc quyền” cho khối đơn vị dân lập thì có lúc, ngay đến dịch vụ thấp cũng bị “nống” lên giá dịch vụ cao.
Việc này giống như trong giáo dục, các trường dân lập dịch vụ nhiều khi không bằng ngay các trường công tầm tầm nhưng lại thu rất cao trong khi trường công lập luôn bị giới hạn trong mức thu chỉ 180.000đ/tháng.
Đồng quan điểm đó, Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền kiến nghị không khuyến khích đầu tư bệnh viện công tư hỗn hợp, không đặt vấn đề cổ phần hóa các bệnh viện công hiện nay vì đây là những cơ sở lớn, được đầu tư tốt, điều kiện nhân lực tốt và hiện vẫn “gánh” cơ bản nhiệm vụ của ngành y tế.
Theo ông Hiền, chủ trương xây dựng bệnh viện cổ phần là đúng nhưng nên phát triển cho tốt những bệnh viện đã có và xây dựng thêm những bệnh viện mới từ đầu theo phương thức đa dạng hóa sở hữu.
Phòng dịch như… “chữa cháy”
Chạm đến vấn đề nóng nhất của ngành y tế hiện nay, dịch tiêu chảy cấp, Chủ nhiệm UB Dân tộc của Quốc hội K’sor Phước nêu vấn đề, suốt 2 năm loay hoay vẫn chưa chấm dứt được. Trong khi đó, báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu vẫn nhắc lại thành tích khống chế thành công dịch viêm đường hô hấp cấp - SARS.
Ông K’sor Phước đánh giá, chương trình phòng chống dịch bệnh kém, thiếu hiệu quả. Câu hỏi đặt ra là có y tế dự phòng, các bệnh dịch có giảm, trong khi năm nào các tỉnh phía Nam cũng bùng phát dịch sốt xuất huyết, bệnh lao, sốt rét, bướu cổ… vẫn phổ biến. Kết quả giám sát của Quốc hội cũng đã đưa ra kiến nghị khôi phục lại chương trình quốc gia phòng chống sốt xuất huyết mà ngành y tế đã chấm dứt nửa chừng.
Đầu tư cho y tế dự phòng, theo bà Trương Thị Mai, ngân sách địa phương dành cho công tác này đã cố gắng đạt 10 - 15%. Nhưng theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ này phải đạt 30%.
Thực tế cách phòng dịch hiện nay như… chữa cháy chứ không phải “phòng cháy”. hầu hết các tỉnh chỉ xuất ngân sách khi có dịch cấp bách xảy ra. Giám sát tại một tỉnh phía Bắc, khi có dịch tả, tỉnh này đã phải chi ra 4 tỷ đồng chống dịch. Cán bộ y tế dự phòng đã phản ánh với đoàn giám sát rằng nếu ngay từ đầu năm, tỉnh cấp 1 tỷ đồng để chủ động phòng dịch thì sẽ đỡ phải mất 4 tỷ đồng dập dịch.
Theo bà Mai, UB Thường vụ Quốc hội đã đề xuất tăng đầu tư cho y tế từ 7% hiện nay lên 10% ngân sách cho đến năm 2010. Nghị quyết sắp đưa ra, UB rất mong QH xem xét để thông qua, không chỉ là tỷ lệ chi ngân sách theo lộ trình chung mà còn có cả vấn đề tỷ lệ dành cho y tế dự phòng trong số chi ngân sách đó. Việc phòng chống dịch như thế mới có định hướng cụ thể, hiệu quả.
P.Thảo