Y đức thời thị trường
Vấn đề y đức thời thị trường được đặt ra đúng Ngày Thầy thuốc Việt Nam, khiến "chạnh lòng" không ít "thiên thần áo trắng". Những người trong cuộc đã nghĩ gì về điều mà dư luận vẫn đang day dứt?
Mía sâu có đốt
Trong câu chuyện với bà Vi Thị Nguyệt Hồ - phụ mổ, đồng thời cũng là vợ của GS Tôn Thất Tùng - Chủ tịch Hội Y tá Việt Nam, tôi kể lại lời than của nhiều bệnh nhân rằng người làm nghề y bây giờ tốt cũng nhiều, xấu cũng có, lạnh với bệnh nhân quá.
Bà Hồ cười - nụ cười đôn hậu ấn tượng với biết bao bệnh nhân của thập kỷ 80 về trước: "Nghề y là một nghề đặc biệt, tuy nhiên người thầy thuốc cũng không thể tách khỏi vòng quay của xã hội. Họ cũng phải sống, lo cho con cái. Có điều chế độ bù đắp chưa tương xứng với cường độ lao động mà họ bỏ ra. Thầy thuốc hôm nay đang phải chịu tác động của cơ chế thị trường, tôi mong xã hội nên nhìn nhận ngành y cho thoả đáng".
Kết thúc cuộc trò chuyện, bà Hồ nhấn mạnh: "Ngoài việc giáo dục đạo đức truyền thống, tôi thấy một vấn đề vô cùng quan trọng trong giáo dục y đức đối với sinh viên ngành y, đó là vai trò của người thầy".
Cách đây gần một năm, dư luận đã hơn một lần xôn xao về sự kiện bỏ quên gạc trong bụng bệnh nhân sau mổ. Người thầy thuốc ưu tú - phẫu thuật chính của ca phẫu thuật này, từng có thâm niên và dày dạn kinh nghiệm đã nhận trách nhiệm hết về phần mình, cho dù công việc kiểm gạc không thuộc về ông.
Vị bác sĩ già tạm gác mọi công việc, túc trực bên giường người bệnh, bán cả chiếc xe của con gái, rút hết số tiền tiết kiệm mà vợ chồng ông tích cóp hơn hai mươi năm trời, vay thêm bệnh viện để trừ dần vào lương... mới đủ chi trả viện phí, thuốc men cho "nạn nhân".
Với ông, hậu quả của rủi ro nghề nghiệp ấy là không thể có gì bù đắp nổi. Thái độ thẳng thắn và đầy trách nhiệm của ông đã khiến thân nhân bệnh nhân cảm thông và coi như người nhà. Nhưng thái độ vị tha ấy của gia đình bệnh nhân lại càng khiến ông day dứt.
PGS - BS Nguyễn Chấn Hùng - Giám đốc BV Ung bướu TPHCM - tâm sự: "Trên lý thuyết, y đức được thể hiện là lời thề Hippocrate, là lời dặn của y tổ, là 12 lời y đức đã được Bộ Y tế cụ thể hoá... Song thực tế có mấy ai nhớ hết và thực thi những điều ấy? Đúng là có không ít băn khoăn về vấn đề y đức hiện nay.
Thế nhưng, "mía sâu có đốt, nhà dột có nơi". Tôi thường chia sẻ với bạn bè, đồng nghiệp, đàn em bác sĩ, điều dưỡng về vấn đề này bằng hình ảnh: Luôn giữ nụ cười trên môi, luôn nghĩ người bệnh là người thân của mình. Thế nhưng, một người cấp dưới của tôi đã tâm sự, nếu một bác sĩ nào đó vui vẻ chào hỏi và lo lắng cho người bệnh tại BV, thế nào cũng bị mọi người xung quanh cho là đang "cò mồi" để mời chào về phòng mạch riêng, cho dù trong thực tế, bác sĩ đó chưa có phòng mạch riêng. Đó là điều đáng suy nghĩ lắm chứ.
Vậy, tôi có bao biện không khi cho rằng y đức đã bị "lên án", nói đến nhiều trong dư luận xã hội bởi nó trực tiếp đụng đến nỗi đau thể xác, đụng đến máu chảy, thương vong... của con người.
Xã hội đòi hỏi công bằng, thì nếu có y đức cũng phải có doanh đức (đạo đức của người làm kinh tế) và những loại "đức" của các ngành nghề khác nữa. Tôi cho rằng không phải không có "những con sâu làm rầu nồi canh", nhưng người nào làm bậy, làm sai thì phải bị xử phạt thích đáng, không nhân nhượng. Song, đừng chỉ thấy một bộ phận nhỏ mà đánh giá toàn ngành".
Vào viện mới hiểu nỗi khổ của thầy thuốc
Thầy thuốc Ưu tú Trịnh Đình Cẩn - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) thẳng thắn thừa nhận: "Người trong nghề cũng rất bức xúc về những bác sĩ, nhân viên y tế thiếu trách nhiệm, thờ ơ với người bệnh. Là bác sĩ, nhưng chúng tôi cũng là những bệnh nhân, không phải ở đâu cũng tìm được người quen, khi gặp thái độ thờ ơ, thiếu trách nhiệm, chúng tôi cũng rất phẫn nộ. Theo tôi, cần phân biệt tai nạn nghề nghiệp và thiếu y đức. Khi đã cố ý thì phải xử phạt nghiêm khắc".
BS Nguyễn Thái Sơn - Phó Giám đốc BV Saint Paul (Hà Nội) thẳng thắn: "Chỉ người chưa học hành đến nơi đến chốn mới hành xử thiếu y đức. Kinh tế thị trường không có gì mâu thuẫn với y đức. BS có tài, có đức tự khắc sẽ được bệnh nhân tin tưởng và tìm đến. Họ sẽ không bị thua thiệt và đương nhiên, họ được trả thù lao xứng đáng với công sức lao động. Tất nhiên, không phải ai cũng có thể được như vậy. Cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, có những người trong ngành y xử sự nhỏ mọn từng 5 đến 10 nghìn...".
Là người gắn bó lâu năm với khoa Hồi sức cấp cứu BV Bạch Mai - Anh hùng lao động - GS Vũ Văn Đính nói rằng: "Một y, bác sĩ phải phục vụ đến 20-30 người/ngày trong tình trạng quá tải của các BV hiện nay rất mệt mỏi, căng thẳng, rất dễ có sơ sẩy. Từ điều sơ sẩy đó lại đánh giá y đức của họ kém, tôi nghĩ không đúng và phiến diện. Tất nhiên y đức phải được rèn luyện, rút kinh nghiệm, chỉ những người có thiện tâm mới thực sự trở thành lương y như từ mẫu".
Chúng tôi đến Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới - nơi đã gánh hai dịch bệnh tối nguy hiểm - dịch SARS và H5N1 - có nguy cơ lây nhiễm rất cao đối với nhân viên y tế. Có cả những căn bệnh mà các bác sĩ, nhân viên ở viện phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao như bệnh viêm gan B và HIV/AIDS. Có tới 70% bệnh truyền nhiễm có nguy cơ lây lan dễ dàng từ người bệnh sang nhân viên y tế, đặc biệt là các y tá. Hiện tại, viện có tới trên 20% số nhân viên y tế đã mắc viêm gan B.
Theo Bộ Y tế, trên cả nước có gần 1.000 trường hợp bị tai nạn rủi ro, phơi nhiễm HIV. Trong đó, có 764 người là cán bộ, nhân viên y tế (78%).
Theo Lao Động