Y án 5 năm tù đối với Lê Công Định
(Dân trí) - Tòa phúc thẩm cho rằng mức án 5 năm tù mà cấp sơ thẩm phạt Lê Công Định là mức án thấp nhất của khung hình phạt và không thể giảm được nữa. Do vậy, dù bị cáo đã thành khẩn khai báo, hối cải nhưng tòa phúc thẩm vẫn y án sơ thẩm.
HĐXX nhận định đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, xâm hại đến an ninh quốc gia. Các bị cáo đã lôi kéo, tập hợp hoạt động chặt chẽ và có móc nối với các tổ chức phản động của người Việt Nam ở nước ngoài.
Các bị cáo đã sử dụng công nghệ thông tin, ứng dụng internet làm, tàng trữ các tài liệu có nội dung chống phá Nhà nước, phát tán cho nhiều người đọc nhằm xuyên tạc, kích động gây nghi ngờ, làm mất lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Trong vụ án này, Trần Huỳnh Duy Thức là đối tượng chủ mưu nhưng tại tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều quanh co chối tội. “Bị cáo không có mục đích chống phá Nhà nước, lật đổ chính quyền nhân dân Việt Nam. Xin HĐXX xem xét lại bản chất của vấn đề”, Thức biện minh.
HĐXX cấp phúc thẩm xét thấy không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo kêu oan của bị cáo và có đủ căn cứ buộc tội Thức. Do vậy, tòa phúc thẩm đã bác kháng cáo kêu oan, tuyên y án 16 năm tù đối với Thức về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Lê Công Định là người tham gia tích cực khi bàn chủ trương thành lập “Đảng Lao động Việt Nam” và “Đảng xã hội Việt Nam”, tập huấn đấu tranh bất bạo động và viết báo, góp ý sửa bản Điều lệ có nội dung “chống phá nhà nước”.
Trong quá trình điều tra cho đến lúc ra trước tòa sơ, phúc thẩm, Định đều thành khẩn khai báo và thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Định xin tòa giảm án để về đoàn tụ gia đình, chăm sóc mẹ già bệnh tật và 2 cháu nhỏ. Được nói lời sau cuối, Lê Công Định thành khẩn: “Bị cáo không kháng cáo về tội danh vì bị cáo nhận thức rõ hành vi vi phạm của mình. Bị cáo chỉ kháng cáo xin được giảm án nhẹ hơn”.
Một tình tiết mới của vụ án, trong suốt phiên tòa sơ thẩm và cả buổi sáng của phiên tòa phúc thẩm, Lê Thăng Long kêu oan, không thừa nhận hành vi của mình là phạm vào tội: “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Cũng như Thức, sau khi tòa sơ thẩm tuyên án, Lê Thăng Long kháng cáo kêu oan. Trong buổi sáng của phiên tòa phúc thẩm, Long còn quanh co chối tội nhưng đến chiều nay, bị cáo Long đã thành khẩn khai báo, thừa nhận hành vi phạm tội của mình và xin được sự khoan hồng của pháp luật.
Xét thấy bị cáo có nhân thân tốt, cha mẹ là người có công với cách mạng hiện đang già yếu cần người chăm sóc, bản thân bị cáo mới phạm tội lần đầu. Do vậy, HĐXX đã giảm mức án bị cáo từ 5 năm xuống còn 3 năm 6 tháng tù.
Trở lại diễn biến của vụ án, trước đó, vào ngày 20/1/2010, TAND TPHCM đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án Trần Huỳnh Duy Thức và đồng bọn can tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Tòa đã tuyên phạt bị cáo Trần Huỳnh Duy Thức 16 năm tù; bị cáo Lê Công Định và Lê Thăng Long cùng bị phạt 5 năm tù; bị cáo Nguyễn Tiến Trung bị phạt 7 năm tù cùng về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Sau khi bản án sơ thẩm được tuyên, có 3/4 bị cáo trong vụ án này kháng cáo lên tòa phúc thẩm. Lê Công Định kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Hai bị cáo Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long kháng cáo kêu oan. Riêng bị cáo Nguyễn Tiến Trung (27 tuổi) không kháng cáo.
Công Quang