"Xyanua mua bán tràn lan, nhiều vụ án thương tâm liên quan đến đầu độc"

Bạch Huy Thanh

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội đề nghị cần quy định chặt chẽ nội dung về quy định hóa chất đặc biệt, hóa chất cấm, hóa chất nguy hiểm như xyanua...

Sáng 8/5, phát biểu thảo luận tại hội trường về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), nhiều đại biểu quan tâm đến vấn đề phòng ngừa, ứng phó với sự cố hóa chất.

Liên quan đến các nội dung về quy định hóa chất đặc biệt, hóa chất cấm, hóa chất nguy hiểm, đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) đề nghị ban soạn thảo cần rà soát xem xét các loại hóa chất này trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất.

Theo đại biểu, cần bổ sung áp dụng hình phạt nặng trong trường hợp vi phạm gây mất an toàn và áp dụng mức phạt cao hơn đối với các vi phạm nghiêm trọng gây hậu quả xấu đến sức khỏe con người và môi trường hoặc gây nguy hiểm cho cộng đồng.

Xyanua mua bán tràn lan, nhiều vụ án thương tâm liên quan đến đầu độc - 1

Đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) phát biểu thảo luận tại hội trường (Ảnh: Phạm Thắng).

Bà Thu cho biết Luật Hóa chất 2007, sửa đổi bổ sung năm 2018 và nghị định của Chính phủ mặc dù đã có những quy định việc mua bán chất xyanua phải có phiếu kiểm soát nhưng pháp luật lại không quy định cụ thể về việc cá nhân, tổ chức phải đáp ứng các điều kiện nào thì mới được mua, sử dụng chất xyanua.

Theo bà Thu, xyanua và hợp chất chứa xyanua được sử dụng trong thuốc trừ sâu, chất khử trùng, nhựa, mạ điện và khai thác mỏ vàng, bạc. Trong nghị định của Chính phủ không quy định về xyanua là hóa chất cấm mà chỉ quy định điều kiện quản lý…

Bên cạnh đó, vị đại biểu cho hay các quy định hiện hành cũng không có quy định về việc người bán phải kiểm tra điều kiện của người mua mới được bán.

Điều này đại biểu cho rằng đã dẫn đến tình trạng mua bán chất xyanua diễn ra phổ biến, tràn lan trên thị trường và thực tế trong thời gian qua có khá nhiều vụ án thương tâm liên quan đến đầu độc bằng hóa chất.

Theo bà Thu, trong dự thảo nghị định về danh mục hóa chất thuộc phạm vi điều chỉnh Luật Hóa chất, ban soạn thảo đã dự kiến các phụ lục, tuy nhiên có bảng phụ lục đang để danh mục tên hóa chất gốc, danh mục để cả tên gốc và tên tiền chất, thành phần…

"Tôi đề nghị ban soạn thảo tiếp tục rà soát và thống nhất quy định rõ các nhóm hóa chất theo đúng như dự thảo luật đang xây dựng", bà Thu nói.

Nêu một số tác hại của xyanua, đại biểu đề nghị bổ sung quy định doanh nghiệp muốn sản xuất hoặc nhập khẩu xyanua phải đăng ký cụ thể mục đích sử dụng, số lượng, cam kết biện pháp quản lý rủi ro.

Bà Thu cũng đề nghị có quy định việc nhiều hợp chất xyanua bị cấm sử dụng rộng rãi mà chỉ được phép dùng trong các ngành công nghiệp đặc thù như khai thác vàng, mạ kim loại với quy trình và thiết bị an toàn nghiêm ngặt.

Bên cạnh đó, vị đại biểu đề nghị khi vận chuyển, lưu trữ cần quy định chặt chẽ về đóng gói, ghi nhãn, khai báo vận chuyển và lưu trữ. Đồng thời, chất thải chứa xyanua phải được xử lý theo quy trình đặc biệt, nghiêm cấm xả thải ra môi trường.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) bày tỏ băn khoăn khi dự thảo luật mới chỉ đề cập chung chung về khoảng cách an toàn và an toàn môi trường chứ chưa có các quy định chi tiết để đánh giá rủi ro môi trường xã hội, đặc biệt đối với khu vực nhạy cảm như đô thị, khu dân cư, khu công trình trọng yếu.

Theo đại biểu, việc thiếu những tiêu chí rõ ràng dẫn đến lúng túng trong xây dựng đầu tư, hoặc bỏ lọt nguy cơ tiềm ẩn trong dự án hóa chất. Dự thảo luật đã đưa ra một số quy định an toàn trong hoạt động hóa chất nhưng lại chưa có quy định bắt buộc kiểm định định kỳ hệ thống, thiết bị, điều kiện an toàn hóa chất, đặc biệt với cơ sở quy mô lớn hoặc có rủi ro cao.

Xyanua mua bán tràn lan, nhiều vụ án thương tâm liên quan đến đầu độc - 2

Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) phát biểu thảo luận (Ảnh: Phạm Thắng).

Ông Bình cho rằng thực tế nhiều vụ cháy nổ, rò rỉ, phát tán hóa chất xảy ra trong thời gian qua cho thấy lỗ hổng trong giám sát kỹ thuật định kỳ tại các cơ sở hóa chất, nhất là ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Vị đại biểu đề nghị dự luật bổ sung quy định cơ sở hóa chất có quy mô lớn phải kiểm định định kỳ theo thời hạn 3 năm/lần, đồng thời cơ sở hóa chất phải lưu hồ sơ, đảm bảo các điều kiện về kiểm định khi có yêu cầu của cơ quan chức năng, nếu không đảm bảo điều kiện sẽ bị tạm dừng hoạt động hoặc yêu cầu khắc phục trong thời hạn cụ thể…

"Việc bổ sung các quy định này nhằm đảm bảo tính chủ động phòng ngừa thay vì chỉ phản ứng sau khi có sự cố, tạo nền tảng cho việc hình thành thị trường dịch vụ kỹ thuật kiểm định hóa chất, đảm bảo an toàn môi trường sống cho người dân, đảm bảo uy tín cho ngành sản xuất hóa chất", đại biểu lập luận.

Góp ý về vấn đề này, đại biểu Đoàn Thị Lệ An (Cao Bằng) cho rằng thời gian qua, có hiện tượng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hóa chất chủ quan, lơ là, thụ động trong phòng ngừa sự cố hóa chất.

Đại biểu đề nghị bên cạnh những quy định đảm bảo an toàn, dự thảo luật cần bổ sung chế tài mạnh mẽ, nghiêm minh hơn trong hoạt động hóa chất.