1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Xung quanh hiện tượng sụt, lún đáng ngại tại Di sản Hoàng thành

Nhiều ngày nay, du khách cùng các nhà nghiên cứu đến tham quan Di sản Hoàng thành Thăng Long không khỏi lo lắng về việc đơn vị thi công Nhà Quốc hội đã và đang làm sụt lún một số hố khai quật của Di chỉ khảo cổ học 18 Hoàng Diệu - Hà Nội.

Rất lo lắng và bức xúc trước hiện trạng này, Tiến sĩ Bùi Minh Trí - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành, Phó Chủ nhiệm Dự án Hoàng thành Thăng Long - muốn trình bày thông tin cụ thể và kỹ lưỡng hơn tới bạn đọc.

 

Xung quanh hiện tượng sụt, lún đáng ngại tại Di sản Hoàng thành - 1

Máy xúc đào sang chỉ giới bảo vệ di sản và làm sạt đổ rào tôn bảo vệ di tích tại hố C3

 

Tiến sĩ đã có ý kiến về hiện tượng sụt, lún đáng lo ngại, phóng viên cũng đã kiểm tra thực địa di sản. Tiến sĩ có thể nói rõ hơn về hiện trạng trên?

 

Đúng là có sự việc như trên, thời điểm việc thi công gây ảnh hưởng tới di sản bắt đầu từ cuối năm 2010. Ban đầu, việc ảnh hưởng này chỉ ở mức độ nhẹ, mức độ sụt lún và lượng bùn beltol chảy sang chưa trầm trọng lắm thì chúng tôi vẫn tự xử lý được. Nhưng bắt đầu từ ngày 7/3/2011 cho tới nay, sự ảnh hưởng này bắt đầu trở nên nghiêm trọng.

 

Hiện, việc thi công đào đất xung quanh tường chắn của tầng hầm Nhà Quốc hội đã làm sụt lún đất dẫn đến việc đổ sập đoạn giữa bức tường gạch bảo vệ khu vực phía Bắc khu di tích - phần giáp ranh với khu vực hố D4 và D6. Từ ngày 23/3/2011 cho tới nay, khi đơn vị thi công tiến hành khoan hệ neo xuyên sang lòng đất của khu di tích tại khu vực phía Bắc và Đông Bắc đã tác động làm nứt vỡ kết cấu các tầng đất và làm nước bùn hợp chất có polymer tràn vào trong lòng hố khai quật đang được bảo tồn.

 

Đặc biệt, tại khu vực phía Đông Bắc - phạm vi hố C3, đơn vị thi công đã dùng máy xúc, khoét sâu xuống tầng đất thời Đại La. Nghiêm trọng hơn là đào vào các tầng đất thuộc chỉ giới bảo tồn và vượt qua chỉ giới bảo tồn di tích về phía Đông khoảng hơn 4m. Sự việc này không những đã vi phạm vào chỉ giới của di sản đã được xác định bảo tồn mà còn tiếp tục làm sụt lún đất của khu vực tiếp giáp, đặc biệt là làm ảnh hưởng đến việc bảo tồn di tích kiến trúc quan trọng của thời Lý đã được phát hiện tại khu vực này.

 

Trước sự việc trên, đến nay Viện Khảo cổ học cũng như Ban Chủ nhiệm Dự án Hoàng thành Thăng Long đã có phản hồi gì đối với BQL Dự án đầu tư xây dựng Nhà Quốc hội?

 

Chúng tôi đã từng có buổi làm việc trực tiếp với BQL Dự án đầu tư xây dựng Nhà Quốc hội, cả Ban Chủ nhiệm Dự án Hoàng thành Thăng Long và BQL Dự án đầu tư xây dựng Nhà Quốc hội cũng đã tiến hành khảo sát hiện trạng, và yêu cầu họ chỉ đạo đơn vị thi công có biện pháp khả thi, giảm thiểu tối đa việc ảnh hưởng đến di sản. Dù trong cuộc họp này, BQL Dự án đầu tư xây dựng Nhà Quốc hội đã hứa, nhưng đến nay, sau rất nhiều ngày trôi qua, vẫn không thấy có chuyển biến. Đơn vị thi công vẫn tiếp tục dùng máy xúc đào khoét làm sụt lún đất và hàng ngày máy khoan hệ neo vẫn đang làm nứt vỡ kết cấu các tầng đất, làm tràn nước bùn beltol sang các hố khai quật kề bên.

 

Gần đây nhất, ngày 30/3, Viện Khảo cổ học lại tiếp tục có thêm một văn bản nữa gửi BQL Dự án đầu tư xây dựng Nhà Quốc hội yêu cầu thực hiện nghiêm túc việc bảo tồn.

 

Khu khai quật C và D đó có tầm quan trọng thế nào trong hệ thống di chỉ khảo cổ học Hoàng thành, thưa tiến sĩ?

 

Trong quá trình khai quật, cả hai khu vực này bao gồm dày đặc các loại hình di vật thời Lý. Chúng tôi tìm thấy các dấu tích kiến trúc cổng, cùng các lầu bát giác của thời Lý tại hố C3. Theo quy hoạch đã được phê duyệt, tại khu D sẽ xây dựng một bảo tàng nhỏ kết hợp cùng một bảo tàng khác tại khu A-B để diễn giải sự rộng lớn của không gian di sản và sự phong phú đa dạng của di tích.

 

Xung quanh hiện tượng sụt, lún đáng ngại tại Di sản Hoàng thành - 2
Bức tường bị đổ ngày 7/3 hiện được che chắn tạm bằng hàng rào và vải bạt

 

Theo ông, để xử lý hiện trạng này, biện pháp cấp thiết nhất chúng ta cần làm là gì?

 

Theo tôi, để xảy ra tình trạng đáng tiếc như hiện nay là do thiếu sự phối hợp giữa Viện Khảo cổ học, Ban Chủ nhiệm Dự án Hoàng thành Thăng Long và BQL Dự án đầu tư xây dựng Nhà Quốc hội. Xây dựng Nhà Quốc hội là một nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng, bên cạnh đó, việc bảo tồn Di sản Hoàng thành cũng là trách nhiệm chung của toàn xã hội.

 

Chúng tôi rất hiểu, việc thi công Nhà Quốc hội khó khăn, do mặt bằng thi công công trình chật hẹp, phía bên kia lại là loại hình di sản khảo cổ vốn dĩ mong manh. Điều cần nhất bây giờ là sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, cùng ngồi lại với nhau, tìm ra giải pháp thích hợp, đảm bảo được tiến độ thi công Nhà Quốc hội cũng như bảo tồn được tính toàn vẹn của di sản. Nếu cả hai bên phối hợp chặt chẽ với nhau, khi có khó khăn gì cùng tháo gỡ và đưa ra giải pháp triệt để, lâu dài thì tôi nghĩ đã không có chuyện đáng tiếc như hiện nay.

 

Trách nhiệm bảo vệ di sản không phải của riêng ai, cần phải có sự thống nhất mang tính trách nhiệm cao chứ không phải nói xong để đấy và đến khi di sản xuống cấp, trách nhiệm không biết thuộc về ai.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Ngày 21/3, Bộ VH-TT&DL đã có Văn bản số 775/BVHTTDL-DSVH do Thứ trưởng Lê Khánh Hải ký, gửi Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng Nhà Quốc hội. Theo đó, Bộ VH-TT&DL yêu cầu BQL Dự án đầu tư xây dựng Nhà Quốc hội cần nhanh chóng khắc phục ngay những sự cố làm ảnh hưởng đến Di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu. Trước đó, ngày 16/11/2010, Bộ VH-TT&DL cũng có Công văn số 4066/BVHTTDL-DSVH đề nghị BQL Dự án đầu tư xây dựng Nhà Quốc hội cần chỉ đạo các nhà thầu thực hiện biện pháp an toàn trong quá trình thi công, tuyệt đối không làm ảnh hưởng đến di tích, di vật hiện đang được bảo tồn.

 

Theo Quỳnh Vân

An ninh Thủ đô

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm