Nam Định:
Xúc động ký ức người nghệ sĩ chèo 4 lần được gặp Bác Hồ
(Dân trí) - Mỗi dịp sinh nhật Bác Hồ, nghệ sĩ chèo ưu tú Kim Liên lại bồi hồi nhớ về những kỷ niệm được diễn, được hát cho Bác nghe. Bà đã vinh dự bốn lần được gặp Bác và được Bác tặng chiếc thước kẻ do tự tay Người làm.
Nghệ sĩ ưu tú chèo Nguyễn Kim Liên sinh năm 1942, tại xã Xuân Trung, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định trong gia đình có truyền thống nghệ thuật. Ngay từ bé, bà đã bộc lộ là người có giọng ca ngọt ngào và đằm thắm, lối diễn xuất chèo linh hoạt, ấn tượng. Năm 1959, bà được gọi vào đội chèo Tỉnh đoàn Nam Định đi lưu diễn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm với các diễn viên sau buổi biểu diễn ở Nam Định ngày 21/3/1963.
Trò chuyện với chúng tôi, nghệ sĩ chèo Kim Liên vẫn nhớ như in những cảm xúc bồi hồi, tự hào khi được gặp Bác. Ngày 21/5/1963, trong một lần Bác về thăm Nam Định, đoàn chèo được mời đến hội trường Nhà máy Liên hiệp Dệt Nam Định diễn chèo chào mừng Bác cùng đoàn công tác.
Đoàn chèo quyết định diễn một trích đoạn “Chị Tâm đi tìm Đảng” hay còn có tên khác là “Chị Tâm bến Cốc”, được trích trong vở chèo “Cuộc đời theo Đảng” của tác giả Nguyễn Đăng Thục. Lần đó bà được phân vào vai chị Tâm - nhân vật chính trong vở chèo.
“Mãi đến buổi sáng ngày 21/5, cả đoàn chèo mới biết là sẽ diễn phục vụ Bác, lúc ấy cả đoàn chèo ai ai cũng hồi hộp, ai cũng mong trời mau tối để sớm được diễn cho Bác xem”, bà bồi hồi nhớ lại.
Vào cuối buổi diễn, Bác cầm trên tay một bó hoa tiến đến gần tặng cho bà Liên và nói: “Bác tặng Kim Liên, cháu Liên hát hay, mua dẻo. Bác mong Kim Liên cố gắng làm thế nào để được như cô Tâm trong vở chèo”. Cầm bó hoa Bác tặng trên tay, bà xúc động đến rơi nước mắt.
Nghệ sĩ ưu tú chèo Kim Liên thứ 4 từ trái sang trong một chuyến lưu diễn tại Paris.
Chào mừng ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12/1968, Đoàn chèo Nam Hà (Hà Nam và Nam Định hợp nhất với nhau) lên Hà Nội phục vụ Bộ Chính trị vở diễn “Trần Quốc Toản ra quân”. Đoàn chèo được bố trí nghỉ tại nhà khách Chu Văn An. Sáng ngày 21/12, thư ký riêng của Bác là đồng chí Vũ Kỳ đã đến nhà khách thăm đoàn chèo. Tại đây đoàn chèo đã đề đạt nguyện vọng được gặp Bác Hồ. Sau khi được sự đồng ý của Bác, bà Liên cùng với 3 người khác đã được đến Phủ Chủ tịch gặp Người. Tại đây bà đã ngâm các đoạn trích “Kiều gặp Kim Trọng”, “Kiều ở lầu Ngưng Bích” cho Bác nghe. Cứ sau mỗi một câu ngâm bà lại được Bác khen và thưởng một cái kẹo. Đây là lần thứ hai bà được gặp Bác.
Sau khi biểu diễn phục vụ Bộ Chính trị, bà cùng đoàn trở về Nam Định, nhưng 4 ngày sau thì có một chiếc xe của Bộ Văn hóa về đoàn chèo Nam Định, gọi bà Liên lên Hà Nội làm nhiệm vụ đặc biệt. Mấy tiếng sau chiếc xe dừng lại ở Đài Tiếng nói Việt Nam, bà được đưa vào phòng thu âm, ở đó có 2 người khác là Linh Nhâm và Trần Thị Tuyết, hai giọng ngâm thơ nổi tiếng cả nước lúc bấy giờ. Một lúc sau bà mới biết rằng mình được mời lên để ngâm bài thơ “Chào xuân 69” của Bác.
Những kỷ niệm về Bác in hằn trong ký ức người nghệ sĩ chèo năm xưa.
Sau khi thu âm tại Đài tiếng nói Việt Nam, bà cùng đoàn đi lưu diễn ở Hòa Bình, đến giao thừa Tết 1969, sau lời chúc tết của Bác, bà như chết lặng khi nghe bài thơ Chào xuân 69 bằng chính giọng của mình. Lúc ấy bài thơ được ngâm theo thể “Bồng Mạc”. Sau đấy chị rất xúc động khi biết mình được Bác khen: “Giọng Kim Liên trong sáng và đạt được ý thơ của Bác”.
Sau dịp đó, bà lại được cùng đoàn đại biểu của Bộ Văn hóa đi lưu diễn ở Pháp phục vụ đồng bào Việt kiều và những người dân Pháp yêu mến đất nước Việt Nam. Tại Paris vào đêm giao thừa năm 1969, bà đã ngâm bài thơ “Chào xuân 69” của Bác. Hàng ngàn khán giả xúc động vỗ tay, muốn bà đọc thêm lần nữa.
Sau chuyến lưu diễn 6 tháng phục vụ đồng bào Việt Kiều tại Pháp, ngày 16/7/1969, bà trở về Hà Nội cùng với đoàn lưu diễn, tại nhà khách Phủ Chủ tịch, bà vinh dự được Bác trao tặng Huy hiệu của Người.
Do lúc này sức khỏe Bác yếu, nên Bác chỉ tâm sự với đoàn lưu diễn được vài phút ngắn ngủi. Trưa ngày 17/7/1969, bà được mời ăn cơm trưa cùng với Bác. Trong bữa cơm Bác trò chuyện thân tình: “Cháu Kim Liên ăn được mấy bát?”, bà trả lời: “Dạ thưa Bác! Con ăn được 7 bát ạ”. Bác cười trìu mến và nói đùa với đồng chí Vũ Kỳ: “Vậy là nó ăn hết phần của Bác cháu mình rồi đấy”. Càng bất ngờ và xúc động hơn khi bà được Bác mời lên thăm nhà sàn của Người.
Chiếc thước Bác tặng chị Kim Liên, hiện nay đang được lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Căn phòng mộc mạc, giản dị, ngăn nắp và sạch sẽ khiến bà vô cùng xúc động. Lúc này Bác lại cất giọng ấm áp: “Bác chẳng có gì cho cháu cả. Bác chỉ có cái thước mà lúc còn trẻ đi bôn ba các nước Bác có nhặt được mảnh gỗ, Bác tự tay đẽo thành một cái thước để dùng, nay Bác cho cháu để làm kỷ niệm. Trên thước Bác có khắc ba chữ cái: S - N - K. Cháu biết là chữ gì không?”. Nghệ sĩ chèo nói không biết, Bác giải thích: “Đây là 3 chữ Bác viết tắt của câu “suy nghĩ kỹ”. Đó là lần thứ 4 và cũng là lần cuối cùng bà được gặp Người.
Đức Văn - Trần Huệ