Quảng Trị:

Xúc động hành trình tìm lại ngôi mộ chung của 13 đồng đội

(Dân trí) - Đã 2 năm kể từ ngày đi tìm hài cốt đồng đội hy sinh, những cựu chiến binh tại chiến trường Quảng Trị anh hùng vẫn đầy xúc động khi nhớ về phút giây gặp lại đồng đội đã khuất và bà con từng giúp đỡ họ trong cuộc chiến tranh vệ quốc năm xưa.

Với tâm nguyện “không đưa được các đồng đội đã hy sinh về quê hương, thì đưa quê hương vào cho đồng đội”, hàng trăm cựu chiến binh (CCB) từng tham gia chiến đấu ở Quảng Trị đã tổ chức cuộc hành hương “ấm rừng đồng đội” vào giữa năm 2010 thăm lại các căn cứ cách mạng, mặt trận trên địa bàn tỉnh. Tất cả thành viên tham gia chương trình hành hương đều hoàn toàn tự nguyện và tự túc.

Dưới ánh lửa trại bập bùng giữa rừng sâu những người lính giờ tóc điểm màu sương cùng nhau ôn lại kỉ niệm một thời, kể lại những câu chuyện trước giờ xung trận, họ cùng nhau cất vang bài ca chiến thắng, đem những đặc sản từ miền quê xa xôi với hy vọng sưởi ấm linh hồn đồng đội không may mắn còn nằm lại trên đất khách quê người.

Nằm cách đường Hồ Chí Minh chừng 5km, di tích núi Hồ Khê (Cam Tuyền, Cam Lộ, Quảng Trị) nằm khuất giữa những khối rừng tràm, rừng thông xanh ngút. Nơi đây từng là cứ điểm quan trọng bậc nhất bởi một khi chiếm được Hồ Khê coi như đã kiểm soát cửa ngõ chiến khu miền Tây Bắc Cam Lộ. Đồng thời kiểm soát một loạt căn cứ địa trọng yếu khác như Gio Linh, Bến Hải, Bắc Hướng Hoá. “Chiếm được cao điểm núi Hồ Khê thì một con chuột lọt qua Dốc Miếu (Gio Linh) cũng khó mà chạy thoát. Cả địch và ta đều giành giật nhau từng mét rừng rất ác liệt. Hôm nay ta chiếm, ngày mai địch phản công tái chiếm. Cứ thế hai bên rơi vào thế giằng co vô cùng ác liệt” - CCB Nguyễn Minh Kỳ, nguyên Chủ tịch tỉnh Quảng Trị, người từng tham gia hơn 500 trận đánh dọc đường Hồ Chí Minh nhớ lại.

Đến Hồ Khê có một câu chuyện đã trở thành truyền thuyết mà người dân địa phương, những người lính mỗi khi về đây lại kể cho nhau nghe. Đó là câu chuyện về sự hy sinh của 13 chiến sĩ chống lại đợt càn quét hơn của hơn 500 lính Mỹ- Ngụy và giờ đây 13 anh cùng nằm dưới một ngôi mộ chung đầu rừng Hồ Khê.

Xúc động hành trình tìm lại ngôi mộ chung của 13 đồng đội - 1
Chia nhau điếu thuốc nơi từng sống chết cách đây hơn 40 năm.

“Sau khi chiếm được Hồ Khê, trung đoàn lập 2 chốt chặn ở cửa núi, mỗi chốt 13 người. Về phía địch do cay cú trước thất bại nhục nhã nên chúng huy động một lực lượng khổng lồ hơn một tiểu đoàn (khoảng 500 lính) hòng chiếm lại cao điểm Hồ Khê. Do quá chênh lệch lực lượng nên chốt chặn phía bắc đã hy sinh toàn bộ trong khi chiến đấu. Tàn ác hơn, địch còn cho lựu đạn nổ làm thân thể các anh không còn nguyên vẹn. Người thì còn tay, người còn chân, chúng tôi tìm đủ 13 cái đầu rồi chôn chung vào một ngôi mộ. Hôm đó là ngày 28/2/1969” - lời chia sẻ xúc động của ông Kỳ, người trực tiếp chôn cất mười ba chiến sĩ xấu số.

Hoà bình lặp lại, những người lính đã về đoàn tụ với gia đình, quê hương nhưng câu chuyện về 13 đồng đội hy sinh vẫn canh cánh trong lòng họ bởi gần 50 năm sau ngày chiến tranh, hài cốt họ vẫn chưa được tìm thấy. Vậy là những chiến sĩ trung đoàn 27 lại bắt đầu một cuộc chiến mới: đưa đồng đội đã khuất về với quê hương.

“Do bom đạn tàn phá nên vị trí ngôi mộ chung bị biến dạng hoàn toàn, không ai còn nhớ chính xác địa điểm chôn cất. Hàng chục đợt tìm kiếm với hàng trăm lần đào bới quanh khu vực núi Hồ Khê vẫn không có kết quả”- CCB Trương Văn Tuỳ, nguyên lính bộ binh từng chiến đấu ở chiến trường Cam Lộ cho biết.

Hy vọng chỉ kịp loé lên khi một ngày cuối tháng 6 năm 2004 đoàn CCB Cam Lộ nhận được tin báo của người dân cho biết một tốp người rà tìm phế liệu phát hiện nhiều hài cốt liệt sĩ nằm tập trung. Vừa mừng vừa lo các CCB huyện Cam Lộ, CCB tỉnh Quảng Trị tận tay khai quật điểm nghi vấn. Nhờ kỉ vật của một trong 13 liệt sĩ còn sót lại, mọi người vui mừng vì đã tìm được hài cốt đồng đội sau mấy chục năm tìm kiếm: “Đào đất đá lên chúng tôi đã tìm thấy nhiều mảnh vải nhỏ, nhưng phải đến khi tìm được cây bút máy có khắc tên Ngọ của một liệt sĩ, mọi người mới dám khẳng định chính xác đó là hài cốt các anh. Ai nấy đều vui mừng và báo ngay cho gia đình các anh”- CCB Nguyễn Đức Toàn, quê ở Triệu Phong, Quảng Trị, bộc bạch.

Xúc động hành trình tìm lại ngôi mộ chung của 13 đồng đội - 2
Bữa cơm thân mật ngay giữa căn cứ Hồ Khê, Cam Lộ - nơi hàng trăm đồng đội còn nằm lại.

Mệ Nguyễn Thị Lý, quê ở Nghệ An xúc động sau hơn 40 năm về lại nơi người con trai mệ ngã xuống: “Nó hy sinh gia đình không có một tin tức, kỉ vật. Điều kiện gia đình còn khó khăn nên không có điều kiện đi tìm hài cốt. Cả nhà vui mừng khi các CCB ở Quảng Trị thông báo sẽ đưa gia đình vào viếng mộ con trai tôi hy sinh chung với 12 đồng đội khác”

“Hơn 60 năm sau ngày chiến tranh kết thúc, đến nay tôi mới được thăm lại nấm mồ người anh trai mình đã ngã xuống. Gia đình vẫn mong mỏi tin tức về hài cốt của anh hằng ngày, cuối cùng cũng đã tìm thấy. Chúng tôi xúc động và biết ơn các đồng đội của anh nhiều lắm”- Bà Trần Thị Tịnh, em gái liệt sĩ Phan Văn Anh hy sinh tại cứ điểm Hồ Khê, Cam Lộ, Quảng Trị xúc động chia sẻ.

Nhà bia tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh ở cao điểm Hồ Khê đã được dựng lên đầu cửa rừng lúc nào cũng nghi ngút khói nhang. Và cũng không ai hay tự bao giờ, câu chuyện 13 chiến sĩ cùng chung nấm mồ được người ta truyền tai nhau đến một đứa trẻ cũng thuộc nằm lòng. “Mỗi khi đi rừng mọi người đều vào nhà bia thắp nhang cầu sự bình an. Các ngày lễ, tết, nhà nhà đến dâng hương hoa, lễ vật” - anh Nguyễn Giang, một người dân địa phương cho hay.

Trong những ngày lưu lại Quảng Trị, các CCB, thân nhân liệt sĩ tham gia chuyến hành hương đã được tiếp đón nồng nhiệt, mọi thành viên trong đoàn đều tham gia sinh hoạt cùng với gia đình người dân địa phương như chính cuộc sống đậm tình quân dân cách đây hơn 40 năm.

Xúc động hành trình tìm lại ngôi mộ chung của 13 đồng đội - 3

CCB trò chuyện thân mật với người dân địa phương đã từng giúp đỡ họ xưa kia

Ông Nguyễn Minh Kỳ, điều hành chung chương trình bộc bạch: “Nước nhà thống nhất nhưng còn rất nhiều đồng đội vẫn chưa được về với gia đình. Là những người may mắn chúng tôi luôn tâm niệm phải làm điều gì để giúp linh hồn các anh được siêu thoát. Dù còn nhiều đồng đội vẫn còn năm ở dưới kia, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng để tìm ra các anh và đưa về quê nhà”.

Dưới cơn mưa nặng hạt, những người CCB tóc đã điểm bạc cùng ăn cơm, trò chuyện thân mật với người dân. Họ nhắc lại quá khứ hào hùng, kể lại từng trận đánh. Dù bữa cơm chỉ có rau với hoa trái quanh vườn nhưng rộn rã tiếng cười, tiếng kể chuyện. “Bà con đón tiếp rất nhiệt tình, nhà nào cũng niềm nở mời bộ đội về nghỉ tại nhà, nhường cả chỗ ngủ, quạt điện dù trời rất nóng nực. Chúng tôi cứ như sống lại ký ức ngày hôm qua, khi được bà con giúp đỡ” - CCB Võ Minh Đức, quê ở Nghệ An xúc động nói.

Còn với CCB Nguyễn Văn Mơ ông đang cố chợp mắt đề dưỡng sức cho một đêm thức trắng trên mảnh đất khói lửa năm nào, nhưng: “không sao chợp mắt được bởi cứ nhíu mắt là hình ảnh đồng đội lại hiện về trong giấc mơ. Đây là lần thứ hai sau hơn nửa đời người tôi mới được nếm lại cảm giác ăn đất ngủ rừng”.

Xúc động hành trình tìm lại ngôi mộ chung của 13 đồng đội - 4
Các CCB thăm lại chiến trường Quảng Trị xưa

Dù đã 2 năm, nhưng những câu chuyện về người lính cụ Hồ đi tìm đồng đội, câu chuyện về tình quân dân lại sống lại trong tâm trí chúng tôi vào dịp kỷ niệm 30/4 năm nay. Chính những người lính cụ Hồ thời nay vẫn đang thắp sáng ngọn lửa tự hào dân tộc với lòng nhân ái tri ân với anh em đi trước, và vẫn luôn nhớ về quá khứ hào hùng từ chính mảnh đất Quảng Trị mà họ đã từng sống chết vì độc lập nước nhà.


Đại Dương  - Long Văn