1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

50 năm Hải quân Việt Nam đánh thắng trận đầu:

Xúc động bài thơ viết cho liệt sĩ đầu tiên của bản hùng ca đánh thắng trận đầu

(Dân trí) - 50 năm, thời gian đã quá lâu rồi, vậy mà nước mắt vẫn rơi trên khuôn mặt của Nhà thơ Duy Thảo. Giọng của ông đã lạc điệu, như cái ngày ông nén nỗi đau viết riêng cho người đồng đội “Thương tích đầy mình vẫn gan dạ đánh Mỹ”.

Liệt sĩ Phan Đăng Cát sinh ngày 14/6/1943, hi sinh ngày 5/8/1964, là Liệt sĩ đầu tiên của bản anh hùng ca đánh thắng không quân Mỹ.

Liệt sĩ Phan Đăng Cát (ảnh Tư liệu)
Liệt sĩ Phan Đăng Cát (ảnh Tư liệu)

Tác giải Nguyễn Khắc Thuần trong một bài viết của mình của về Liệt sĩ Phan Đăng Cát đã thuật lại lời Đại tá Bùi Thúc Nhâm, nguyên Chủ nhiệm Phòng không Quân khu 4, nguyên Trưởng Ban Tác chiến Trung đoàn 280 trong trận đầu 5/8/1964:

“Phan Đăng Cát hiền lành, ít nói nhưng lại rất nhanh nhẹn, linh hoạt, có sức khoẻ và trí nhớ rất tốt. Vào quân đội huấn luyện tân binh, anh đạt ngay danh hiệu: Chiến sĩ toàn năng. Môn kiểm tra nào cũng đạt loại giỏi và được chọn đi đào tạo khẩu đội trưởng. Vào huấn luyện binh chủng pháo 57 mm, thời kỳ đó là loại vũ khí hiện đại, yêu cầu 5 pháo thủ đều vừa phải tinh thông kỹ thuật, vừa phải hiệp đồng chặt chẽ với nhau, viên đạn mới trúng kẻ thù. Anh chăm chỉ, cần mẫn nên cả kỹ thuật lẫn chiến thuật đều đạt loại xuất sắc. Vì thế, khẩu đội 8, Đại đội 138 do anh làm khẩu đội trưởng luôn là cánh chim đầu đàn của Trung đoàn.
Đóng quân cách nhà chưa đầy 20 km, gần 1 năm Phan Đăng Cát vẫn chưa có dịp về thăm nhà. Trực chiến căng thẳng, mỗi lẫn đơn vị được vài người nghỉ phép, Cát đều nhường cho đồng đội ở xa đi trước. Trưa 5/8/1964, cầm tờ giấy nghỉ phép trong tay, anh bịn rịn tạm biệt khẩu đội. Vừa rời trận địa được gần 2km, tiếng kẻng báo động máy bay địch của Trạm 05 trên núi Quyết khua vang. Một tốp giặc bay A4 từ phía Đông lao vào bầu trời Vinh. Không phút chần chừ, Phan Đăng Cát chạy như bay về trận địa, nhảy vào công sự chỉ huy khẩu đội chiến đấu.

Có anh, khẩu đội như được tiếp thêm sức mạnh. Các trận địa phòng không trên núi Quyết, trên các nhà cao tầng, lưới lửa phòng không của Trung đoàn 280 đã nhã đạn chính xác chặn đứng các đường bổ nhào ném bom của máy bay Mỹ. Là trận địa pháo trung cao chủ lực của thế trận phòng không Vinh, hoả lực ánh chớp đầu nòng súng nên sau 3 lần nổ súng, trận địa Đại đội 138 của Phan Đăng Cát đã lọt vào tầm ngắm của 8 máy bay Mỹ. Chúng thay nhau bắn rốc-két, ném bom vào trận địa. Một mảnh cắm vào hông phải làm anh Cát khịu xuống. Như có sức mạnh lạ kỳ, anh lại đứng lên, tay nắm chặt thùng đạn để đứng thẳng anh tiếp tục chỉ huy khẩu đội. Lại một trận bom dội vào trận địa, biết Phan Đăng Cát bị thương lần thứ 2, Đại đội trưởng ra lệnh cho tổ cứu thương đưa anh về phía sau. Cố nén cơn đau, Phan Đăng Cát vẫn dõng dạc: “Tôi còn chiến đấu tốt, xin được ở lại trận địa!”.

Trong lần tấn công thứ 7 của máy bay Mỹ, một mảnh bom cắm vào ngực trái, lúc này anh Cát mới chịu trao cờ chỉ huy và trút hơi thở cuối cùng trên tay đồng đội.
Hai 21 tuổi đời, 3 tuổi quân, gương chiến đấu dũng cảm của Phan Đăng Cát đã đi vào lịch sử Bộ đội Phòng không Việt Nam”.
Từng là đồng đội của liệt sỹ Phan Đăng Cát, nhà thơ Duy Thảo (quê Đức Thọ, Hà Tĩnh), lúc ấy là binh nhất, nhớ lại, “Tôi và anh Cát ở cùng Trung đoàn 280 với nhau. Tôi ở Đại đội 5, pháo 57 ly, bảo vệ sân bay Vinh; anh Phan Đăng Cát ở Đại đội 1, bảo vệ khu vực trọng điểm Bến Thủy đóng tại Xuân An, Nghi Xuân. Do đã khâm phục ý chí rèn luyện của anh ấy, nhất là sáng kiến làm mô hình học cụ rèn luyện bắn máy bay địch được phổ biến rộng rãi trong các đơn vị, nên chiều hôm đó (5/8/1964- PV) nghe tin anh Cát hy sinh sau 3 lần bị thương vẫn kiên cường phất cờ chỉ huy khẩu đội nhằm thẳng máy bay địch nhả đạn tim tôi quặn thắt.

Lúc bấy giờ địch đánh ác liệt, nén nỗi đau thương, những đồng đội như tôi tự hứa với mình phải chiến đấu hết mình, lấy gương hi sinh của liệt sỹ Phan Đăng Cát để đối đầu với đế quốc Mỹ, đánh cho “Quân cướp quen nghề tan xác chúng ra”.
 
Liệt sĩ Phan Đăng Cát (ảnh Tư liệu)
Nhà thơ Duy Thảo cầm cuốn nhật ký có bài thơ viết về Liệt sĩ Phan Đăng Cát mà ông viết, lưu giữ suốt 50 năm qua
 
Nhận được tin buồn, chàng lính binh nhất Duy Thảo tự hứa nhất định có dịp về trận địa Xuân An để chứng kiến mảnh đất anh hùng - nơi đồng đội mình đã ngã xuống. Chẳng ngờ, chỉ sau đó mấy hôm, chính đại đội nơi anh ở lại được lệnh cơ động kéo pháo sang Nghi Xuân vào chiếm lĩnh trận địa cắm chốt ngay tại bãi pháo mà Đại đội 1 có khẩu đội trưởng Phan Đăng Cát vừa hy sinh đã chuyển đi. Cũng tại đây ngày 18/8/1964, đại đội 1 của anh đã góp phần xứng đáng bắn rơi 1 máy bay T28 của giặc Mỹ, Đơn vị vinh dự được Đại tá Phùng Thế Tài bấy giờ là Tư lệnh Quân chủng Phòng không -Không quân về thăm khen ngợi và chụp ảnh chung với CB,CS đại đội.

Cũng từ đây binh nhất Duy Thảo nung nấu ý tưởng viết bài thơ để tưởng nhớ hương hồn đồng đội Phan Đăng Cát. Nhưng rồi đơn vị anh cùng các đại đội khác có lệnh hành quân chuyển ra Quốc Oai (Hà Tây) huấn luyện, thành lập đơn vị mới Trung đoàn 232.

Phải mấy tháng sau, trong lần được về thăm và vĩnh biệt người chị gái bị ung thư giai đoạn cuối, Duy Thảo - lúc này đã được thăng hạ sỹ, khẩu đội trưởng - mới có dịp ghé lại trận địa pháo Xuân An một lần nữa nơi khẩu đội trưởng Phan Đăng Cát hi sinh.

Có mặt tại trận địa pháo nơi trận đầu thắng Mỹ ấy, tác giả Duy Thảo đã dồn bao nén đau thương dành tình cảm lắng sâu cho người đồng đội. Cứ như mạch nguồn có sẵn, trong đầu anh cứ tuôn trào ra những vẫn thơ dành riêng cho người đồng đội đã anh dũng hi sinh. Bức chân dung về khí phách của một người lính trẻ gan dạ, dũng cảm trước súng đạn của kẻ thù xâm lược, chân tình, chan chứa niềm yêu thương với đồng đội, đồng bào đã được anh tái hiện trong những vẫn thơ giản dị, chân thật.
 
Trở về đơn vị ở mới, Duy Thảo đã chép lại bài thơ vào cuốn nhật ký đời lính của mình. Những vần thơ về người đồng đội quê làng Hoàng Cần, huyện Hưng Nguyên, (tỉnh Nghệ An) mà chưa một lần nhà thơ Duy Thảo cho xuất bản ấy đã lấy đi bao nước mắt của ông mỗi dịp Đất nước kỷ niệm Ngày chiến thắng trận đầu của Quân chủng Hải quân và Phòng không Không quân VN anh hùng: 
 
Trích đoạn bài thơ "Chiến công đầu còn vang mãi bài ca" về Liệt sỹ Phan Đăng Cát do chính nhà thơ Duy Thảo đọc được PV Dân trí ghi lại

 
Rời đơn vị sau trận đầu nổ súng
Hôm nay về thăm mảnh đất chiến công
Thân thuộc quá ơi Sông Lam, Bến Thủy
Giọng đò đưa vẫn man mác xuôi dòng
 
Tàu cập cảng cờ tung bay trước gió
Xe nối xe thêm nhộn nhịp chuyến phà
Đỉnh núi Quyết ngẩng cao đầu kiêu hãnh
Chiến công đầu còn vang mãi bài ca

Tha thiết quá ơi màu xanh giản dị
Vẫn ngày đêm trên mâm pháo sẵn sàng
Phan Đăng Cát anh có còn đứng đó?
Dồn lời thơ cho tôi chép lên trang
 
Cho tôi được ngắm lại người đồng chí
Sinh hoạt quanh năm giản dị, ít lời
Tắm mưa nắng từ hồi còn tấm bé
Dồn nhiệt tình cho lứa tuổi đôi mươi

Quê hương anh, đất Hoàng Cần, Xứ Nghệ
Xót xa lòng những kiếp sống ngày xưa
Hạt lúa lép cũng vào tay địa chủ
Hạt cháy đồng lại tiếp đến lụt, mưa

Lớp cha ông đứng lên từ độ ấy
Dành áo cơm dành cuộc sống xóm làng
Cờ Xô Viết từng thấm bao nhiêu máu
Trên con đường ra Thái Lão nghĩa trang

Mới 6 tuổi đã biết thương cha mẹ
Buổi chăn trâu còn cắt cỏ đem về
Lần bộ đội đến đóng quân trong xóm
Cùng trẻ làng Cát chỉ trỏ vui ghê

17 tuổi lòng như con cá chậu
Háo hức đi tuyển nghĩa vụ hai lần
Hai lần trật trở về nhà buồn xỉu
Bực cho mình nằm nhịn cả bữa ăn

Cho tới hôm ước mơ thành sự thật
Đêm cuối cùng còn mang xắc đi tiêm
Tiễn chân anh, bà con lưu luyến mãi
Tính cần cù người y tá xã viên
 
Tôi về đây nâng niu từng kỷ niệm
Mỗi mô hình học cụ anh làm ra
Nhớ thuốc kẹo anh chia cho đồng đội
Trưa mồng 5 hoãn chuyến phép thăm nhà

Một đêm trước anh còn ngồi tâm sự
Câu chuyện quê hương lắm cái tâm tình
Bỗng súng địch từ ngoài khơi vọng tới
Câu chuyện vội dừng, đôi mắt quắc lên

Nhớ mãi chứ anh một phông thuốc lá
Quà anh mang về dành bạn đến thăm
Chiếc áo dệt kim dành riêng cho vợ
Đã động viên mình phục vụ yên tâm
Và đây nữa mấy tấc phin bạn gửi
Anh nhận về thêu hộ chiếc gối xinh
Ơi đồng đội tấm lòng sao đẹp thế
Mười ngày vui cũng chẳng hưởng riêng mình

Tôi về đây ngắm kỹ từng ngọn cỏ
Chỗ đất này hôm anh nắm phất cờ
Cho khẩu đội nhằm kẻ thù nhả đạn
Tưởng như còn nghe dõng dạc tiếng hô
 
Bom đạn xối quyết không rời vị trí
Bị thương 3 lần không một tiếng kêu ca
Cùng đồng đội như thiên thần đứng đó
Quân cướp quen nghề, bắn tan xác chúng ra

Ơi đồng chí người đoàn viên dũng cảm
Trước quân thù chẳng tiếc máu tiếc xương
Chẳng tiếc cả niềm vui mình được hưởng
Góp phần vào cho cuộc sống quê hương

Đội ngũ hôm nay tôi về thăm lại
Rắn rỏi, hiên ngang nơi bệ pháo vươn nòng
Lá ngụy trang mang Mùa Xuân kiêu hãnh
Chiến công đầu và tiếp tiếp chiến công !

 Văn Dũng