1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Vĩnh Long:

Xuất hiện vết nứt mới trên đê bao bị vỡ

(Dân trí) - Khi sự cố vỡ đê bao ở xã An Bình làm hàng tấn cá nuôi sổng bè, thiệt hại nhiều tỉ đồng, chưa được xử lý thì ở các đoạn đê xung quanh lại xuất hiện nhiều vết nứt mới khiến người dân lo lắng.

Sáng ngày 31/10, đoàn lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Long đã xuống khảo sát tại hiện trường vụ sạt lở đê bao ở ấp An Long, xã An Bình, huyện Long Hồ, vào tối 29/10 vừa qua để tìm hướng khắc phục hậu quả.

Theo ghi nhận của chính quyền địa phương, xung quanh khu vực đoạn đê bao bị vỡ đang xuất hiện nhiều vết nứt mới ăn sâu vào bên trong, uy hiếp tuyến đê bao của địa phương này. Người dân nuôi cá trong đê bao đang rất lo lắng vì nguy cơ có thể tiếp tục xảy ra sạt lở.

Tại cuộc khảo sát, ông Phan Anh Vũ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long - đã đề nghị chính quyền địa phương rà soát lại tuyến đê bao, bảo đảm không để xảy ra sạt lở. Ông Vũ cũng yêu cầu cơ quan chức năng điều tra rõ nguyên nhân để xử lý triệt để, cũng như tìm hướng giải quyết khó khăn của người dân.

Cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Long khảo sát tuyến đê bao sau vụ sạt lở.
Cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Long khảo sát tuyến đê bao sau vụ sạt lở.

Đến chiều 31/10, tại khu vực sạt lở, rất nhiều người dân đua nhau giăng lưới bắt cá. Ngoài các chủ nuôi cho người bắt lại cá với mong muốn vớt vát được con nào hay con đó, còn có nhiều người dân đổ xô đến “hôi của”.

Theo người dân ấp An Long, vụ sạt lở vừa qua được xem là lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn, ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế của nhiều chủ bè cá.

Một chủ nuôi là anh Đỗ Thanh Đức cho biết anh bị thiệt hại 8 bè cá, ước tính trên dưới 1,5 tỉ đồng. Theo anh Đức, số bè cá của anh đang trong thời điểm bán nên thiệt hại này làm anh mất trắng. Một chủ nuôi khác là bà Nguyễn Thị Thu cũng bị thiệt hại cả 6 bè cá. Nhiều hộ khác thiệt hại trên dưới 50%; số cá còn lại trong bè, ao cũng bị thương, thoi thóp.

Người dân đua nhau giăng bắt cá tại khu vực cá sổng bè.
Người dân đua nhau giăng bắt cá tại khu vực cá sổng bè.

Cho đến thời điểm này, theo nhận định của người dân, nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở vỡ đê bao là do khai thác cát quá mức. Một người dân cho biết, tuyến đê bao khá lớn với chân đê chừng 20m, mặt đê 7-10m, việc bị vỡ khó xảy ra. Chỉ khi chân đê bị hụt cát, đất, không vững thì mới xảy ra sự cố.

Nhiều chủ nuôi cho biết, ngay trong ngày sạt lở đê bao có một số xà lan hút cát hoạt động gần đê bao. Các chủ nuôi cá đã có ý kiến nhưng các xà lan cát này vẫn cố tình hoạt động.

Người dân cho rằng, nguyên nhân xảy ra sạt lở là do việc khai thác cát quá mức (Ảnh: Q.D)
Người dân cho rằng, nguyên nhân xảy ra sạt lở là do việc khai thác cát quá mức (Ảnh: Q.D)

Lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Vĩnh Long cho biết, sau khi sự việc xảy ra, cơ quan này đã cử lực lượng làm việc với các chủ xà lan để làm rõ những thông tin phản ánh của người dân.

                                                                                                Huỳnh Hải