1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

“Xử” thế nào nếu Nguyễn Hải Dương đòi “quyền im lặng” khi bị bắt?

(Dân trí) - Quy định bắt buộc ghi âm ghi hình khi hỏi cung bị can, bị cáo đã được UB Thường vụ Quốc hội điều chỉnh, bổ sung tại phiên thảo luận về dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi trong khuôn khổ hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách ngày 26/8.

Cụ thể, điều luật quy định việc này giới hạn lại phạm vi áp dụng, chỉ bắt buộc việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở cơ quan điều tra được ghi âm, ghi hình. Còn tại các địa điểm khác thì có thể ghi âm, ghi hình khi cơ quan, người có thẩm quyền tố tụng xét thấy cần thiết.

Việc chỉnh lý dự thảo Bộ luật được khẳng định là căn cứ trên các ý kiến, góp ý của Thường vụ sau phiên họp thứ 40 vừa diễn ra một tuần trước đó.

Không hài lòng với hướng điều chỉnh này, đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho rằng ở mọi địa điểm nếu muốn thì hoàn toàn có thể ghi âm vì điện thoại bây giờ cũng có thể ghi âm được. Theo ông Hùng, nếu bị can có nhu cầu tự ghi âm hoặc yêu cầu phải ghi âm khi hỏi cung thì cũng phải được đáp ứng mới đảm bảo sự minh bạch.

Đồng tình với đại biểu Hùng, đại biểu Trần Văn Độ (An Giang) đặt vấn đề là ngoài hai cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở cơ quan điều tra thì có nên hỏi cung ở địa điểm khác không? Ông Độ lập luận, lấy lời khai thì có thể ở bất cứ chỗ nào còn đã khỏi tố chỉ hỏi cung ở hai nơi là cơ sở giam giữ và trụ sở cơ quan điều tra và ở hai chỗ này thì bắt buộc phải ghi âm ghi hình.

Đại biểu Độ cũng nhận xét, quy định như dự thảo thì rất hình thức.

Theo đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên), luật hiện hành quy định có thể tiến hành hỏi cung ở nơi tiến hành điều tra hoặc nơi ở. Nhưng khái niệm nơi tiến hành điều tra rất rộng vì thế nên quy định hỏi cung tại trụ sở cơ quan điều tra chứ không nên ghi chung chung là nơi tiến hành điều tra.

Bà Nga cũng đề nghị Bộ Công an làm rõ xem nếu giới hạn phạm vi áp dụng quy định buộc ghi âm ghi hình khi hỏi cung tại nơi giam giữ và trụ sở cơ quan điều tra thì khả thi không? Theo bà Nga, ở cả hai nơi này, việc đặt thiết bị ghi âm ghi hình là không có gì khó khăn.

Ở góc nhìn khác, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) phản ánh, khi tiếp xúc với điều tra viên, “anh em nói rất nhiều lần chỉ gặp đối tượng để cảm hóa, khuyên giải để khai ra sự thật”. Nếu như vậy, ông Cương cho rằng, việc ghi âm ghi hình và thậm chí là ghi biên bản khi đó cũng không để làm gì.

Nghi phạm cứ “im lặng”, làm sao phá án?

“Xử” thế nào nếu Nguyễn Hải Dương đòi “quyền im lặng” khi bị bắt? - 1
Đại biểu Đỗ Văn Đương cho rằng quy định về "quyền im lặng" là làm bó tay cơ quan điều tra.

Tiếp tục tranh luận xung quanh quy định về nguyên tắc “suy đoán vô tội”, với hướng kiến nghị trong trường hợp không đủ chứng cứ buộc tội nặng hơn, các cơ quan tiến hành tố tụng cần xử lý theo hướng có lợi cho bị can bị cáo, Đại biểu Đinh Xuân Thảo (Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp) không đồng tình.

Nhắc lại Điều 31 Hiến pháp quy định một người chưa bị coi là có tội cho đến khi có bản án kết tội của tòa án có hiệu lực pháp luật, ông Thảo băn khoăn: “Trong quá trình xét xử, thấy bản án không đủ chứng cứ cũng phải kết luận không có tội. Vậy trong giai đoạn điều tra, thấy không đủ chứng cứ cũng phải trả tự do cho người ta, còn trong giai đoạn truy tố thấy không đủ chứng cứ buộc tội thì cũng phải kết luận người ta vô tội".- ông Thảo nêu rõ.

Nguyên Phó Chánh án TAND tối cao Trần Văn Độ (đại biểu An Giang) thì nhận định, quy định về nguyên tắc tranh tụng thể hiện trong dự thảo Bộ luật không đúng tinh thần Hiến pháp. Hiến pháp quy định nguyên tắc tranh tụng phải được bảo đảm trong tất cả các khâu của hoạt động tố tụng, từ lúc khởi tố, điều tra, truy tố tới xét xử.

Trong quá trình điều tra, bị can có quyền đối chất với người làm chứng. Ở giai đoạn truy tố, bị can, bị cáo có quyền tranh luận với kiểm sát viên lập cáo trạng. Tại toà thì bị cáo được tranh luận dân chủ với cả bên gỡ tội, buộc tội…

“Quy định như dự thảo Bộ luật là ra tòa mới tranh tụng thì nghĩa là phạm trù nguyên tắc tranh tụng đã bị thu hẹp lại. Bên buộc tội và gỡ tội phải bình đẳng với nhau, do đó cần tăng cường yếu tố tranh tụng để đảm bảo quyền con người, công lý” – ông Độ phân tích.

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) lại “lắc đầu” với chuyện quy định về “quyền im lặng”.

Viện dẫn hàng loạt vụ thảm sát xảy ra trong thời gian qua, ông Đương thông tin: “Vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước, nếu có quyền ấy thì chắc Nguyễn Hải Dương đã tuyên bố luôn lúc bị bắt là “tôi im lặng cho đến khi có luật sư”. Rồi nhiều vụ thảm sát khác ở miền Trung, Tây Nguyên đấy, nếu các đối tượng, nghi phạm cứ im lặng hết thì xử lý làm sao, đối tượng nhất quyết không khai, không nói gì thì làm sao biết hung khí gây án…?”.

Ông Đương “găng” giọng khi đề nghị “đừng đưa ra quy định làm bó tay cơ quan điều tra, như vậy là có lỗi với đất nước, với xã hội”.

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm