1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

“Xử phạt gian lận xăng dầu mới ở mức răn đe”

(Dân trí) - “Mức xử phạt gian lận xăng dầu hiện mới chỉ có tác dụng răn đe, cảnh cáo các cơ sở vi phạm là chính, chứ chưa thể trị tận gốc “căn bệnh” này”, ông Vũ Như Hạnh, PGĐ Sở Khoa học Công nghệ Hà Nội nói về khó khăn khi xử lý vi phạm này.

Trong thời gian gần đây, việc các cây xăng bị khách hàng “tố” có gian lận, “móc túi” họ có chiều hướng gia tăng. Ông nhận xét thế nào về hiện tượng này? Phải chăng công tác kiểm tra có phần buông lỏng?
 
Trong năm 2009, Thanh tra Sở KH-CN Hà Nội đã nhận được rất nhiều phản ánh của người dân về hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực xăng dầu. Tuy nhiên, qua kiểm tra các cây xăng bị phản ánh, Thanh tra Sở chưa phát hiện được những gian lận trong đo lường nhằm “móc túi” khách hàng.
 
“Xử phạt gian lận xăng dầu mới ở mức răn đe” - 1
Cây xăng trên đường Trần Khát Chân là một trong những cây xăng bị khách hàng ở Hà Nội phản ánh có hiện tượng gian lận

Song, trong lĩnh vực xăng dầu có thể có nhiều hành vi gian lận khác nhau, ví dụ như người bán có tác động trực tiếp vào cột bơm khi bán cho khách. Những tác động này khi kiểm tra thì không thể phát hiện được. Gian lận kiểu này cần có sự phối hợp với các cơ quan chức năng khác như Công an, Quản lý thị trường... mới có thể phát hiện và xác minh chính xác.

Sở KH-CN Hà Nội có kế hoạch gì để phát hiện và ngăn chặn tối đa các hành vi gian lận, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng?

Gian lận thương mại trong lĩnh vực xăng dầu luôn được người tiêu dùng quan tâm nhất. Sở KH-CN Hà Nội cũng xác định việc thanh kiểm tra lĩnh vực này là vấn đề trọng tâm của Sở. Bên cạnh các đợt kiểm tra định kỳ vẫn làm theo kế hoạch, Sở cũng thường xuyên có những buổi kiểm tra đột xuất các cây xăng bị khách hàng phản ánh có gian lận. Làm như vậy vừa tạo ra được sự bất ngờ đối với doanh nghiệp, dễ phát hiện sai phạm hơn, lại giữ được tính khách quan cao hơn khi kiểm tra.

Đối với các trường hợp gian lận xăng dầu bị phát hiện, mức xử phạt ra sao, thưa ông?

Theo thẩm quyền của Chánh thanh tra Sở thì mức độ xử phạt cao nhất là 20 triệu đồng/1 hành vi vi phạm.

Theo ông, mức xử phạt như vậy đã đủ để răn đe và ngăn chặn các trường hợp vi phạm khác?

Thực ra đây mới chỉ là xử phạt về kinh tế. Còn các hình thức khác có thể áp dụng thì phải đề nghị các cơ quan hữu quan xem xét, phối hợp xử phạt theo đúng quy định của pháp luật. Ví dụ, nếu lặp lại hành vi gian lận thì Sở có thể đề nghị cơ quan khác quản lý về mặt kinh doanh tạm thu hồi giấy phép kinh doanh.

Nói chung, các hình thức xử phạt hành vi gian lận trong lĩnh vực xăng dầu hiện nay mới chỉ có tác dụng răn đe, cảnh cáo là chính, để các cơ sở kinh doanh nhận thức được trách nhiệm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng của họ, chứ chưa thể trị tận gốc “căn bệnh” đã “nhờn thuốc” này.

Ông có lời khuyên gì đối với khách hàng để tránh bị “móc túi” ở các cây xăng?

Khi bơm xăng, khách hàng cần yêu cầu nhân viên cây xăng đưa số về 0, đồng thời trong suốt quá trình bơm xăng cần chú ý đến các thao tác của người bán. Nếu phát hiện vi phạm thì nên giữ hiện trường và báo cho cơ quan chức năng để xử lý..

Ngoài ra, mọi người hãy mua lặp lại nhiều lần với số tiền giống nhau ở các cây xăng khác nhau sẽ phát hiện cây xăng nào có hiện tượng gian lận. Tất nhiên, khi đổ phải chú ý tới mức xăng còn lại trong bình.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Tiến Nguyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm