1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Xứ Nghệ quay quắt trong nắng nóng

(Dân trí) - Cái nắng nóng ở ngưỡng 40 độ C như thiêu đốt mọi vật, khiến cuộc sống bị đảo lộn hoàn toàn... Người dân xứ Nghệ đang quay quắt trong cái nắng kỷ lục của nhiều năm nay.

Xứ Nghệ quay quắt trong nắng nóng
Nắng nóng khiến nhiều diện tích lúa hè thu đang đứng trước nguy cơ bị khô hạn

Mùa lũ, Nghệ An ngập chìm trong mênh mông nước, mùa hè, mảnh đất này phải chịu những đợt nắng cháy da cháy thịt và những cơn gió Lào bỏng rát. Đây chỉ mới là đợt nắng nóng thứ 2 trong năm nhưng nhiệt độ nhiều vùng đã lên đến mức kỷ lục, trung bình nhiệt độ vào thời gian cao điểm ở mức 37-39 độ C, thậm chí có nơi nhiệt độ lên tới hơn 42 độ C như Quỳ Châu hay xấp xỉ ngưỡng 40 độ như Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Quỳ Hợp… Nắng nóng trên diện rộng, kéo dài gần suốt một tuần lễ khiến cuộc sống và sinh hoạt của người dân bị đảo lộn.

Ông Trần Văn Chương - Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu - nơi mà thời gian vừa qua, trên bản tin dự báo thời tiết của Đài truyền hình Việt Nam được “điểm danh” liên tục với màu đỏ quạch hiển thị nhiệt độ nắng nóng kỷ lục, có hôm lên tới 42 độ C - cao nhất từ trước tới nay - cho biết, nắng nóng kéo dài trong nhiều ngày qua, không những làm cho đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn mà cũng là nguyên nhân xảy ra cháy rừng vào ngày 29/4 tại xã Châu Tiến. Huyện đã phải huy động lực lượng quân sự cùng với nhân dân địa phương dập lửa, cứu rừng tránh cháy lan ra diện rộng.
 
Hiện tại, do nắng nóng kéo dài đã khiến nhiều khe suối trên địa bàn huyện Quỳ Châu khô cạn, nguồn nước tưới không đủ để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhiều cánh đồng lúa đang thời kỳ làm đòng, trổ bông, nhưng đất khô nứt nẻ, nhiều diện tích hoa màu cũng bị héo. Nguy cơ mất mùa đang hiện ra trước mắt người dân huyện miền núi nghèo này.

Xứ Nghệ quay quắt trong nắng nóng
Nguy cơ cháy rừng ở Nghệ An đang ở mức nguy hiểm, cực kỳ nguy hiểm

Cửa Rào (Tương Dương) cũng được biết đến là “trung tâm nắng nóng” của xứ Nghệ. Nhiệt độ đo được tại đây vào giờ cao điểm cũng xấp xỉ 40 độ C. Do thời tiết nắng nóng nên ở bản Na Khó, xã Nga Mi (Tương Dương) đã xảy ra cháy khiến một nhà dân bị thiêu rụi.
 
“Nắng kinh khủng quá, đến 9h sáng là đã không dám ra khỏi nhà và cố thủ trong nhà cho tới 4h chiều. Nắng quá cũng không làm được gì cả”, chị Ngân Thị Giang (xã Tam Quang, huyện Tương Dương) cho biết. Tại Tương Dương thời điểm này là mùa người dân bắt đầu phát nương làm rẫy, nắng nóng thuận lợi cho việc đốt dọn cỏ cho bà con nhưng cũng khiến nguy cơ cháy rừng cao hơn. Nắng nóng cũng khiến cho hàng nghìn hộ dân thuộc các huyện miền núi cao Nghệ An đang phải đứng trước tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Cùng chung cảnh ngộ với các huyện miền núi phía Tây, tuy nhiệt độ có thấp hơn nhưng huyện Quế Phong cũng đang đối mặt với nguy cơ hạn hán rất cao. Hiện tại, một số diện tích lúa hè thu tại xã Phú Phương, Đồng Văn, Tiền Phong đang bị thiếu nước và chết cháy.

Bên cạnh tích cực chống hạn cho lúa và hoa màu, người dân cũng đang tìm đủ mọi cách để chống nắng cho trâu bò. Mọi công việc đồng áng cũng được bắt đầu từ 4-5h sáng và kết thúc vào 8h sáng để tránh nóng.
 
Tại Diễn Châu, nhiều người dân tránh nắng bằng cách trốn dưới những tán cây rộng, râm, hoặc bên những lạch mương nước nhỏ nơi có hàng tre xum xuê... Chị Nguyễn Thị Hạnh cho biết: “Năm nay nắng quá. Nắng không thể ngồi được trong nhà chú à. May mà trong làng vẫn còn mấy con kênh mương có nước vừa cho trâu đằm, vừa để người ngồi hóng mát đây”.
 
Cũng trên các kênh mương nội đồng của Diễn Châu, Yên Thành hàng chục em học sinh, người dân đổ xô ra tắm bất chấp sự hiểm nguy.
Xứ Nghệ quay quắt trong nắng nóng
Gia súc cũng được kiếm chỗ tránh nóng trong những ngày nắng gay gắt

Trong khi người dân miền núi khốn đốn với nắng nóng thì tại Tp Vinh, người dân thành phố cũng đang quay quắt vì nắng. Khoảng từ 10h sáng đến 2h chiều, đường phố hầu như vắng hoe, chỉ có trường hợp bất khả kháng người dân mới ra đường vào giờ cao điểm với điều kiện được che chắn kỹ lưỡng. Nắng nóng cũng khiến các mặt hàng như quạt nước, áo, váy chống nắng… được dịp đắt khách. Từ 3h chiều, người dân đã đổ xô ra công viên, hồ nước trong thành phố để giải nhiệt. “Nhà có người già và trẻ nhỏ nên gần như điều hòa phải chạy 24/24h. May mắn là dạo này ít bị cắt điện chứ nếu mà cắt điện luân phiên như năm ngoái thì chỉ có nước chết”, bà Quang (phường Hưng Bình, Tp Vinh) cho biết.

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, tình trạng nắng nóng sẽ diễn ra cho đến cuối tuần. Đây mới chỉ là đợt nắng thứ 2 kể từ đầu mùa hè. Người dân xứ Nghệ sẽ phải đối mặt với một mùa hè bỏng rát trong năm nay. 
 
Xứ Nghệ quay quắt trong nắng nóng
 
Xứ Nghệ quay quắt trong nắng nóng
 
Xứ Nghệ quay quắt trong nắng nóng
 
Xứ Nghệ quay quắt trong nắng nóng
Học sinh Diễn Châu trốn nắng bằng cách nhảy cầu như thế này.
  
Xứ Nghệ quay quắt trong nắng nóng
Các em học sinh tại xã Nam Thành giải mát bằng cách tắm ở sông Nông Giang
 
Xứ Nghệ quay quắt trong nắng nóng
Trâu bò cũng xuống nước "giải nhiệt" (Ảnh: Duy Vân)
 
Xứ Nghệ quay quắt trong nắng nóng
'
Đường phố văng hoe vào giờ cao điểm
Xứ Nghệ quay quắt trong nắng nóng

Chỉ thực sự cần thiết người dân mới ra ngoài đường

Xứ Nghệ quay quắt trong nắng nóng

Kín mít như "ninja"
Xứ Nghệ quay quắt trong nắng nóng

Đàn ông cũng phải nhờ đến áo chống nắng
Xứ Nghệ quay quắt trong nắng nóng

Công nhân môi trường đô thị TP Vinh trốn nắng

Xứ Nghệ quay quắt trong nắng nóng

Người dân thì đổ xô ra công viên
Xứ Nghệ quay quắt trong nắng nóng
 
Xứ Nghệ quay quắt trong nắng nóng

Xứ Nghệ quay quắt trong nắng nóng

hay hồ nước để giải nhiệt (Ảnh: Hoàng Lam)
 

Theo Trung tâm cảnh báo cháy rừng - Cục Kiểm lâm, nguy cơ cháy rừng tại 2 huyện Quỳ Châu, Quế Phong đang ở cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm. Các khu rừng thuộc các huyện Anh Sơn, Con Cuông, Nam Đàn, Nghi Lộc, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳnh Lưu, Thanh Chương, Tân Kỳ, Yên Thành, Đô Lương đang ở mức báo động cấp 4, cấp nguy hiểm. Nhiệt độ cao cộng với gió phơn Tây Nam (gió Lào) thổi mạnh nên nếu xảy ra cháy sẽ cực kỳ khó khăn trong công tác chữa cháy.

Bởi vậy ngành kiểm lâm tỉnh này đã tăng cường lực lượng đến những khu vực có nguy cơ cháy rừng cao để cảnh báo người dân không đốt rẫy trên rừng; bố trí lực lượng túc trực 24/24h ở các cánh rừng dễ cháy, phát đường băng cản lửa, khảo sát tìm nguồn nước để xử lý nếu xảy ra cháy rừng.


Hoàng Lam - Nguyễn Duy - Thúy Vân