Phó Chủ tịch Bạc Liêu:
Xử lý vi phạm mà cán bộ đùn đẩy, sợ trách nhiệm thì rất khó
(Dân trí) - Các công trình xây dựng vi phạm hầu hết xảy ra trên địa bàn cơ sở. Cán bộ xử lý mà không có quyết tâm, cứ né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm thì rất khó.
Đó là quan điểm của lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu tại Hội nghị chuyên đề tăng cường công tác quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh, diễn ra ngày 20/10.
Không ít tồn tại, vướng mắc
Ông Nguyễn Tấn Thức, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bạc Liêu, cho biết thời gian qua nhiều công trình vi phạm trật tự xây dựng tồn đọng ở các địa phương trong tỉnh vẫn chưa được xử lý dứt điểm; có nơi thiếu kiên quyết trong việc xử lý các công trình vi phạm phát sinh mới.
Tình trạng xây dựng lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ, nhất là công trình sai phép, không phép,.. còn xảy ra, gây mất trật tự mỹ quan đô thị và bức xúc trong dư luận.
"Công tác quản lý đất đai chưa được các ngành, các cấp thực hiện hết trách nhiệm theo quy định, dẫn đến còn có trường hợp xây dựng các công trình trên đất không đúng mục đích sử dụng", ông Thức thông tin.
Qua thống kê của Sở Xây dựng tỉnh Bạc Liêu, số công trình vi phạm còn tồn đọng là hơn 760 trường hợp. Các địa phương chưa tiến hành xử lý theo quy định pháp luật.
Tính từ đầu năm 2022 đến cuối tháng 9/2023, phát sinh thêm 74 công trình vi phạm. Trong đó, có 28 trường hợp không chấp hành quyết định xử phạt.
Bà Lê Kim Thúy, Chủ tịch TP Bạc Liêu, cho rằng trong công tác xử lý trật tự xây dựng còn nhiều vướng mắc. Điển hình như chi phí tổ chức cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm theo quy định do người vi phạm chi trả. Tuy nhiên, thành phố đã tổ chức cưỡng chế một số trường hợp nhưng chưa thu được đồng nào.
"Kinh phí cưỡng chế quy định hiện nay không cho tạm ứng ngân sách, cũng không có văn bản hướng dẫn cụ thể việc tạm ứng từ nguồn nào, từ đó tỷ lệ phá dỡ công trình vi phạm chưa cao", bà Thúy nêu tồn tại.
Cũng theo bà Thúy, việc áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản có giá trị tương đương với số tiền phạt rất khó khăn.
"Mới đây thành phố xử phạt vi phạm một trường hợp hơn 52 triệu đồng. Khi xác minh tài sản của họ có căn nhà mấy tỷ, vượt quá quy định. Họ có chiếc xe máy hơn 52 triệu đồng. Đây là tài sản duy nhất tương ứng thành phố rà soát được, nhưng theo quy định cũng không thể kê biên tài sản duy nhất", bà Thúy nêu bấp cập.
Sợ trách nhiệm thì rất khó xử lý
Lãnh đạo chính quyền một số phường, xã cũng cho rằng, có không ít trường hợp đối phó khi xây dựng các công trình vi phạm trên địa bàn mình quản lý.
"Đối tượng cho xây dựng vào ban ngày, thấy không được thì chuyển sang làm đêm khuya, thậm chí bao quanh khu đất khóa cửa để xây bên trong", một lãnh đạo phường ở TP Bạc Liêu nêu thực tế và cho rằng do lực lượng quá mỏng nên cũng không xử lý kịp thời.
Chia sẻ với các địa phương, ông Lê Tấn Cận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho rằng vấn đề quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng không phải mới mà mỗi giai đoạn có những thực trạng tồn tại khác nhau.
"Việc xây dựng sai quy hoạch, không phép, trái phép gây hậu quả rất lớn", ông Cận xác định rõ và đề nghị các ngành chức năng rà soát kỹ quy định nào còn chồng chéo thì tháo gỡ.
Với những trường hợp cố tình vi phạm, ông Cận yêu cầu cương quyết xử lý, không ai bao che, không có ngoại lệ. "Có nơi làm ì xèo không thấy ai đến nói gì, còn lén lút làm chút xíu đã bị phát hiện", ông Cận nêu dư luận và lưu ý việc xử lý phải công minh, không thể nhẹ bên này, nặng bên kia.
Theo Phó Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu, hầu hết các công trình xây dựng đều nằm trên địa bàn, do đó cán bộ cơ sở phải chủ động. "Có quy định rõ ràng, chúng ta cần nghiên cứu làm chặt chẽ và phải quyết tâm xử lý. Nếu cứ né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm thì rất khó", ông Cận lưu ý.