1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nghệ An:

Xử lý nghiêm các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép

(Dân trí) - Trước tình trạng khai thác khoáng sản trên địa bàn Nghệ An diễn ra phức tạp và đặc biệt thời gian qua để xảy ra chết người đáng báo động, ngày 17/5/2011, UBND tỉnh có công văn về việc chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hoạt động khai thác khoảng sản trái phép.

Xử lý nghiêm các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép - 1
Vụ sập mỏ đá Lèn Cờ vào ngày 1/4/2011 làm 18 người chết.
 
Thời gian qua, tình trạng khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh có nhiều diễn biến phức tạp, thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn nghiêm trọng làm thiệt hại lớn về người và tài sản; tình trạng mất an ninh trật tự, tệ nạn xã hội và hành xử theo kiểu xã hội đen ngày càng gia tăng. Chính quyền địa phương và các sở, ban, ngành chưa có các biện pháp ngăn chặn hiệu quả; chính quyền một số địa phương còn buông lỏng công tác quản lý và có biểu hiện bảo kê, bao che cho hoạt động khai thác trái phép.

Để chấn chỉnh tình trạng trên, ngày 17/5/2011, ông Hồ Đức Phớc - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - đã ký Công văn số 2546/UBND - TN yêu cầu: Uỷ ban nhân dân các huyện, thành, thị. Chỉ đạo các phòng, ban chức năng, UBND các xã phường, thị trấn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đoàn thể tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân địa phương chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước, không khai thác và không bao che, tiếp tay cho hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; vận động các già làng, trưởng bản, hộ gia đình, dân cư tham gia vào công tác quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản tại địa phương;

Đồng thời xử lý nghiêm các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép như: lợi dụng chuyển đổi mục đích đất vườn, đất nông nghiệp (đào ao thả cá, cải tạo đất vườn, đất ruộng...) để khai thác khoáng sản; khai thác khoáng sản khi mỏ đã hết hạn, mỏ đã bị thu hồi, mỏ bị đình chỉ hoặc tạm đình chỉ; khai thác khoáng sản khi mỏ mới được cấp phép thăm dò hoặc đang trong quá trình xin cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản; khai thác khoáng sản tại các khu vực chưa được cấp mỏ.
 
Các vi phạm trong quá trình khai thác của các chủ mỏ như: khai thác sai quy trình, ngoài vùng được cấp phép, chưa hoàn tất các thủ tục theo quy định, vi phạm về sử dụng lao động, môi trường, an toàn lao động...
 
Chủ động thực hiện công tác thanh, kiểm tra việc thực hiện quy trình khai thác, chế biến khoáng sản, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, sử dụng lao động và an toàn vệ sinh lao động tại các khu vực khai thác, chế biến khoáng sản.

Yêu cầu các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị nghiêm túc thực hiện; cơ quan, đơn vị nào không thực hiện nghiêm túc các nội dung trên thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và trước pháp luật.
 
Kiểm tra, làm rõ trách nhiệm và có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản đã có hành vi tiếp tay, bảo kê, bao che, buông lỏng công tác quản lý. UBND các huyện: Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Quỳ Châu; Tương Dương, Quế Phong, Kỳ Sơn báo cáo kết quả thực hiện các nội dung trên và đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh giải quyết các vấn đề vượt thẩm quyền trước ngày 30/5/2011.
 
Được biết, chỉ trong vòng 1 tháng từ ngày 1/4 (ngày 1/4 xảy ra vụ sập Lèn Cờ làm chết 18 người, 6 người bị thương) đến 1/5 (ngày 1/5 xảy ra vụ sập hầm vàng tại Tương Dương là chết 5 người, 2 người bị thương), trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xảy ra 2 vụ khai thác khoáng sản trái phép làm chết 23 người, 8 người bị thương.
 

Ngày 27/5, văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Ngọc Quang vừa ký thêm 4 quyết định xử phạt hành chính đối với 4 cá nhân có hành vi khai thác vàng sa khoáng trái phép trên địa bàn tỉnh. 

Xử lý nghiêm các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép - 2
Lực lượng công an truy quét các đối tượng khai thác quặng vàng trái phép tại xã Tam Lãnh (huyện Phú Ninh, Quảng Nam)
 
Theo đó, UBND tỉnh đã quyết định xử phạt mỗi cá nhân 70 triệu đồng đối với các đối tượng Mậu Xuân Vinh (SN 1976, trú thôn 3, xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức), Lê Quang Hùng (SN 1957), Lê Văn Vinh (1979, cùng trú thôn 8, xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) về hành vi khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn huyện Hiệp Đức và Huỳnh Tấn Thanh (SN 1971, trú thôn 1, xã Trà Giang, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) về hành vi khai thác khoáng sản trái phép tại khu vực Suối Y (thuộc thôn 3, xã Trà Giác, huyện Bắc Trà My).

Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu các cá nhân phải hoàn thổ, trả mặt bằng như hiện trạng ban đầu.

Trước đó, ngày 23/5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Ngọc Quang cũng đã ký 3 quyết định xử phạt hành chính 3 cá nhân là Trần Thanh Sơn (SN 1964, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam), Trần Văn Khâm (SN 1978, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam); Nguyễn Ngọc Phương (SN 1950, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) vì có hành vi khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn với tổng số tiền 155 triệu đồng.

Ngoài ra, UBND tỉnh còn buộc các cá nhân nói trên hoàn thổ lại các diện tích đã khai khoáng trái phép. Được biết, 3 cá nhân nói trên đã có hành vi khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn các huyện Tiên Phước, Bắc Trà My và Quế Sơn (Quảng Nam).

Như vậy, chỉ trong vòng 1 tuần, UBND tỉnh Quảng Nam đã 2 lần ký 7 quyết định xử phạt 7 cá nhân có hành vi khai thác vàng trái phép trên địa bàn tỉnh Quảng Nam với số tiền lên đến 435 triệu đồng. (Công Bính)


Nguyễn Duy