Xử lý FLC, Tân Hoàng Minh có ảnh hưởng nợ xấu ngân hàng?

Quang Phong

(Dân trí) - Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính, có phương án xử lý phù hợp nhằm ổn định thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp.

Ngày 14/4, tại Thường vụ Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã trình dự thảo Nghị quyết về việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Trình bày báo cáo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, lũy kế từ khi nghị quyết có hiệu lực (từ 15/8/2017 đến 31/12/2021), toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý hơn 380 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Sau khi có Nghị quyết 42, phần xử lý nợ xấu thu hồi do khách hàng tự trả nợ tăng lên nhiều so với trước, khoảng 40%. Tức là, khi có Nghị quyết 42, người đi vay thấy trách nhiệm của mình trong vay, trả nợ và tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng thu hồi nợ. 

Xử lý FLC, Tân Hoàng Minh có ảnh hưởng nợ xấu ngân hàng? - 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị đánh giá cơ cấu nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản, chứng khoán...

Bà Hồng đề nghị Quốc hội thông qua nghị quyết kéo dài thời gian áp dụng Nghị quyết 42 thêm 2 năm (đến hết ngày 15/8/2024) theo thủ tục rút gọn tại kỳ họp tháng 5/2022.

"Việc kéo dài thời hạn áp dụng nghị quyết là cơ sở pháp lý để xử lý nợ xấu còn tồn đọng và những khoản nợ theo nghị quyết bị chuyển thành nợ xấu do tác động của đại dịch Covid-19", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói.

Nêu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị đánh giá thêm cơ cấu nợ trong mỗi lĩnh vực. "Bây giờ, nợ trong bất động sản, chứng khoán, tín dụng tiêu dùng như thế nào? Rồi nợ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp là bao nhiêu?", ông đặt vấn đề.

Về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, riêng phát hành năm 2021 đến hơn 700 nghìn tỷ, trong đó 44% về các lĩnh vực bất động sản. 

Theo Chủ tịch Quốc hội, vấn đề trái phiếu doanh nghiệp đã "cảnh báo nhiều lần rồi chứ không phải bây giờ mới cảnh báo" và "chắc chắn tới đây rất nóng". Nhân đây, ông còn đề nghị Ngân hàng Nhà nước đánh giá thêm về sở hữu chéo trong hệ thống vì "manh nha bắt đầu lại, cũng phức tạp".

Xử lý FLC, Tân Hoàng Minh có ảnh hưởng nợ xấu ngân hàng? - 2

Theo bà Nguyễn Thị Thanh - Trưởng Ban Công tác đại biểu, cần có phương án nhằm ổn định thị trường chứng khoán.

Nhân việc Thường vụ Quốc hội nêu vấn đề xử lý nợ xấu và sau khi xảy ra vụ việc liên quan đến tập đoàn FLC và Tân Hoàng Minh, theo bà Nguyễn Thị Thanh - Trưởng Ban Công tác đại biểu, Ngân hàng Nhà nước nên phối hợp với Bộ Tài chính, có phương án xử lý phù hợp nhằm ổn định thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp, từ đó tạo tâm lý niềm tin cho các nhà đầu tư.

"Vì đây cũng là vấn đề rất nhạy cảm, đề nghị với Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ cần phải đánh giá tác động nợ xấu liên quan đến vấn đề thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp", bà Nguyễn Thị Thanh nói và cho biết, cử tri băn khoăn, liệu việc xử lý đó có ảnh hưởng đến nợ xấu của các tổ chức tín dụng hay không.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới, trong báo cáo nên đánh giá sâu và cụ thể hơn việc xuất hiện các loại tội phạm cho vay nặng lãi, tội phạm xã hội đen trước và sau khi thực hiện Nghị quyết 42, đặc biệt là xuất hiện những loại tội phạm mới sau khi thực hiện Nghị quyết 42 như thế nào.

"Tội phạm thao túng thị trường chứng khoán thì có liên quan tới Nghị quyết 42 này như thế nào, thu những tài sản bảo đảm thì xuất hiện các loại tội phạm mới như thế nào. Theo tôi nên đánh giá sâu vào những vấn đề đó", ông Tới nêu.

Xử lý FLC, Tân Hoàng Minh có ảnh hưởng nợ xấu ngân hàng? - 3

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tha thiết đề nghị kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42.

Giải trình sau đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Nguyễn Thị Hồng 4 lần tha thiết mong Quốc hội cho phép kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 thêm 2 năm (đến hết 15/8/2024), trong thời gian chờ luật hóa các quy định xử lý nợ xấu.

"Ngân hàng Nhà nước sẽ cố gắng hết sức để thực hiện nhanh nhất có thể. Tuy nhiên, do liên quan đến các khoản nợ, tiền và chắc chắn khi xây dựng các quy định sẽ có rất nhiều ý kiến khác nhau. Và thời gian để luật hóa các quy định thường là 2-3 kỳ họp Quốc hội", bà Hồng nói.

Tuy vậy, kết luận phiên họp các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất, chỉ kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 tới hết năm 2023, không mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng nghị quyết này.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 42 và hồ sơ đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42. Ủy ban Kinh tế thẩm tra chính thức để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp tháng 5/2022.