1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Xử lý "điểm nóng" ô nhiễm để bảo vệ dòng sông Cầu

(Dân trí) - Điểm nóng về ô nhiễm môi trường nước sông kéo dài và không có sự cải thiện qua các năm trên lưu vực sông Cầu là sông Ngũ Huyện Khê, mức độ ô nhiễm gia tăng vào mùa khô.

Xử lý điểm nóng ô nhiễm để bảo vệ dòng sông Cầu - 1

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân (Ảnh: TCMT).

Tại phiên họp lần thứ 15 của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu vừa diễn ra ở Thái Nguyên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân khẳng định trong bối cảnh kinh tế ngày càng phát triển, lượng nước thải ngày càng gia tăng thì các tỉnh thuộc lưu vực sông Cầu cần có giải pháp căn cơ, đồng bộ nhằm đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới.

Theo ông Nhân, năm 2020 Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thực hiện sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường, xây dựng quy hoạch quan trắc môi trường, quy hoạch đa dạng sinh học, quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia. Đây chính là cơ sở để giúp địa phương quản lý tốt hơn môi trường tại địa bàn.

Điểm nóng ô nhiễm là sông Ngũ Huyện Khê

Theo báo cáo tại phiên họp, trên dòng chính sông Cầu, khu vực thượng nguồn sông Cầu, đoạn sông chảy từ tỉnh Bắc Kạn đến TP. Thái Nguyên có chất lượng nước ở mức tốt và ít có sự biến động trong giai đoạn 2016 đến tháng 7/2019. Nước sông sử dụng được tốt cho mục đích cấp nước sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản và các mục đích tương đương khác.

Tuy nhiên, đoạn sông Cầu chảy vào TP. Thái Nguyên chất lượng nước bị suy giảm so với khu vực thượng nguồn, môi trường nước sông ở mức trung bình. Đặc biệt đoạn sông Cầu từ Hoàng Văn Thụ đến Cầu Gia Bảy có thời điểm môi trường nước sông ở mức kém, bởi chịu tác động tổng hợp của nhiều nguồn thải (nước thải sinh hoạt TP. Thái Nguyên, nước thải sản xuất từ Nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ và nhà máy gang thép Thái Nguyên….). 

Đoạn sông Cầu chảy qua địa bàn tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang có chất lượng nước chỉ ở mức trung bình, nước sông chỉ đáp ứng được cho mục đích giao thông thủy và các mục đích tương đương khác do chịu tác động đáng kể bởi các hoạt động công nghiệp, làng nghề, dân sinh.

Các phụ lưu (sông Công; sông Nghinh Tường; suối Phượng Hoàng), môi trường nước sông duy trì ở mức tốt và ít có sự biến động qua các năm.

Điểm nóng về ô nhiễm môi trường nước sông kéo dài và không có sự cải thiện qua các năm trên lưu vực sông Cầu là sông Ngũ Huyện Khê, mức độ ô nhiễm gia tăng vào mùa khô. Đây là một nhánh sông cấp 1 nằm ở khu vực hạ lưu lưu vực sông, bị ô nhiễm khá nặng do tiếp nhận nước thải của làng nghề giấy Phong Khê. Vào mùa mưa, chất lượng nước có cải thiện hơn, nhưng nước sông cũng chỉ có thể sử dụng cho mục đích giao thông thủy.

Giai đoạn từ năm 2018 đến 7/2019, trên lưu vực sông Cầu xuất hiện điểm nóng ô nhiễm mới là khu vực suối Bóng Tối, chất lượng môi trường nước sông bị ô nhiễm do ảnh hưởng của hoạt động dân sinh (khu vực tiếp nhận trực tiếp nước thải sinh hoạt của TP. Thái Nguyên).

Theo đánh giá, trong năm 2019, việc triển khai Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu năm 2020 đã đạt được một số kết quả đáng kể. Các tỉnh đã triển khai hàng chục dự án, công trình hạ tầng, mô hình quản lý, bảo vệ môi trường trong lưu vực Cầu.

Các chương trình, dự án xử lý nước thải, cải thiện môi trường sử dụng vốn ODA đang thực hiện tại các tỉnh trên lưu vực sông Cầu giai đoạn 1993-2019 cho 7 dự án tại các tỉnh Bắc Kạn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên. Chương trình mục tiêu xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đến nay đã có 3/6 tỉnh, thành phố thuộc lưu vực sông Cầu đã lập và phê duyệt quy hoạch chuyên ngành thoát nước trên địa bàn gồm Hải Dương, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc. Đối với Quy hoạch quản lý chất thải rắn lưu vực sông Cầu đến năm 2020, đã có 5/6 địa phương trong lưu vực phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn, riêng tỉnh Bắc Ninh chưa phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn.

Xử lý điểm nóng ô nhiễm để bảo vệ dòng sông Cầu - 2

Sông Ngũ Huyện Khê.

Tập trung thanh tra các cơ sở xả thải

Công tác thanh tra, kiểm tra được tiến hành cả ở cấp trung ương và địa phương. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành triển khai công tác thanh, kiểm tra tổng số 34 cơ sở trên 3 tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên và Vĩnh Phúc. Qua đó xử phạt với tổng số tiền gần 4,3 tỷ đồng đối với 18 cơ sở vi phạm.

Bộ Công an đã tiến hành trực tiếp xử lý 115 vụ việc vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 7,5 tỷ đồng; các địa phương tiến hành thanh tra, kiểm tra 1.161 cơ sở và xử lý nghiêm 275 cơ sở vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường với số tiền hơn 24,4 tỷ đồng.

Ông Vương Đức Sáng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu - đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ ngành, địa phương liên quan thúc đẩy các chương trình, dự án liên vùng, liên tỉnh nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường lưu vực sông Cầu.

Tập trung thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ có hoạt động xả nước thải có lưu lượng nước thải từ 100 m3/ngày đêm trở lên trực tiếp vào lưu vực sông Cầu.

Ông Sáng cũng đề nghị đánh giá thực hiện và đề xuất kiến nghị thực hiện trong giai đoạn tiếp theo các Quy hoạch các bãi chôn lấp chất thải rắn và Quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu dân cư, khu công nghiệp lưu vực sông Cầu đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hoàn thiện và trình phê duyệt Chương trình Quốc gia về đầu tư xử lý nước thải.

Thế Kha