Xử các đại án: Sơ thẩm chưa diễn ra đã chọn hội đồng phúc thẩm
(Dân trí) - Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình cho biết, tất cả các đại án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng chỉ đạo trong năm 2018 đều đã hình thành được hội đồng xét xử sơ thẩm và phúc thẩm. Yêu cầu tuyển chọn phải là thẩm phán có kinh nghiệm, tín nhiệm về cả năng lực, hiểu biết, điều hành lẫn phẩm chất.
Thẩm phán sẽ mặc áo choàng từ quý 2/2018
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình cho biết thời gian qua ngành toà án đã có nhiều thay đổi trong tổ chức xét xử, sử dụng trang phục xét xử mới và mô hình phòng xét xử được học hỏi kinh nghiệm từ nhiều nước trên thế giới.
“Về mặt nội dung, chúng tôi đã điều hành phiên toà theo tinh thần tranh tụng. Hội đồng xét xử và các thẩm phán thực hiện quy định mới của luật, theo đó có nhiều chức năng mới bổ sung như việc triệu tập điều tra viên và tương lai cả kiểm sát viên và thẩm phán. Hội đồng xét xử phải thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ luật giao, nên có quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tha bị can, bị cáo, kiến nghị xử lý cán bộ, kiến nghị biện pháp kinh tế ngay tại phiên toà… Ví dụ trong nhiều kiến nghị của vụ Oceanbank, hội đồng xét xử TAND TP Hà Nội đã kiến nghị Chính phủ đánh giá lại vấn đề mua ngân hàng 0 đồng”- ông Bình nói.
Đáng chú ý, Chánh án Nguyễn Hoà Bình cho biết Quốc hội đã đồng ý thay đổi trang phục mới của thẩm phán là mặc áo choàng - truyền thống tư pháp của nhân loại. Do vấn đề kinh phí và phải mất quá trình may áo choàng việc này sẽ bắt đầu thực hiện từ quý 2/2018 trên quy mô toàn quốc.
Việc thay đổi trang phục nhằm đề cao địa vị pháp lý, tinh thần trách nhiệm của thẩm phán. “Khi mặc áo choàng và xuất hiện trước công chúng trong phiên toà thì lễ tiết tác phong kỷ cương kỷ luật khẩu khí của thẩm phán duy trì phiên toà sẽ phải chuẩn bị chu đáo hơn, nghiêm túc hơn”- ông Bình nói.
TAND Tối cao đã tham khảo, chọn lọc mô hình tiến bộ trên thế giới để đảm bảo quyền lực nhà nước, vai trò trung tâm của toà án và khẳng định quyền lực công đưa ra phán xét một hành vi có tội hay không có tội.
“Chúng ta đã lựa chọn mô hình tranh tụng kết hợp thẩm vấn, sắp xếp lại chỗ ngồi theo đề nghị của Liên đoàn luật sư Việt Nam. Hơn nữa đảm bảo quyền con người theo nguyên tắc suy đoán vô tội, một người không bị coi là có tội cho tới khi có bản án kết tội của toà. Chưa có bản án thì coi như chưa có tội, không phải đứng trước vành móng ngựa tạo ra khai báo khác biệt với thành phần khác”- ông Bình nhấn mạnh.
Lập xong hội đồng sơ thẩm và phúc thẩm tất cả các đại án
Nói về công tác xét xử các đại án tham nhũng, kinh tế trong năm 2018, Chánh án Nguyễn Hoà Bình cho biết đã thực hiện nghiêm túc các ý kiến của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng.
“Tất cả các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng chỉ đạo thì tới thời điểm này đã hình thành được hội đồng xét xử, có cả 2 hội đồng sơ thẩm và phúc thẩm. Mặc dù sơ thẩm chưa diễn ra nhưng hội đồng xét xử phúc thẩm đã hình thành. Yêu cầu tuyển chọn phải là thẩm phán có kinh nghiệm, tín nhiệm về cả năng lực, hiểu biết, điều hành lẫn phẩm chất. Chúng tôi đã có trong tay danh sách tất cả các hội đồng xét xử các đại án và có kiểm tra, đánh giá năng lực của từng hội đồng”- ông Bình thông tin.
TAND Tối cao cũng yêu cầu các thẩm phán chủ động phối hợp với viện kiểm sát nghiên cứu hồ sơ chủ động, độc lập theo đúng quy định của luật. Các hội đồng xét xử tuân thủ thực hiện các quy định mới, thời hạn công bố cáo trạng, lên lịch xét xử, giấy triệu tập, thẩm quyền của thẩm phán điều hành phiên toà và đặc biệt duy trì phiên toà có tranh tụng.
“Có những việc dù luật mới đi vào cuộc sống nhưng về cơ bản đã triển khai. Trước ngày khai mạc phiên toà Trịnh Xuân Thanh, Phạm Công Danh đợt 2 mới đây, chúng tôi còn xuống Hà Nội, vào TPHCM kiểm tra phòng xét xử. Đánh giá về các phiên toà, về án thì thấy những phiên toà có nhiều thành công”- ông Nguyễn Hoà Bình kết luận.
Thế Kha