1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Sóc Trăng:

Xót xa và bất bình bên cây cầu tử thần "nuốt" bé gái 5 tuổi

(Dân trí) - Sau cả đêm lặn sông tìm kiếm, sáng ngày 9/12, anh Lâm Lêl (sinh năm 1980, ngụ xã Trường Khánh, huyện Long Phú, Sóc Trăng) mới thấy xác con gái Lâm Thị Mỹ Hằng (5 tuổi) dưới kênh ở ấp Bưng Chông, xã Tài Văn (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng).

 
Cầu ván củ kỹ nơi cháu Lâm Thị Mỹ Hằng tử nạn
Cầu ván cũ kỹ nơi cháu Lâm Thị Mỹ Hằng tử nạn
 
"Tôi mò con nhưng không thấy..."
 
Sự việc đau lòng này xảy ra vào khoảng 20 giờ ngày 8/12, khi anh Lêl chở hai con gái là cháu Lâm Thị Hiền (13 tuổi) và cháu Hằng đi dự đám cưới của một người bà con ở ấp Bưng Chông. Trên đường về nhà, khi qua cầu Bưng Chông, anh Lêl bị lạc tay lái khiến cả ba cha con cùng chiếc xe gắn máy bị rơi xuống kênh.
 
Anh Lâm Lêl bàng hoàng nhớ lại: “Tối đó đám cưới xong, tôi chở hai con về, cháu Hằng ngồi sau lưng tôi, cháu Hiền ngồi sau cùng. Khi lên cầu, do cầu bị dốc, không có đèn chiếu sáng lại lạ đường nên tôi bị lạc tay lái, lao cả xe xuống sông. Khi đó tôi chỉ kịp đẩy mạnh cháu gái lớn vào phía bờ rồi quay sang mò cháu Hằng nhưng không thấy cháu đâu nữa vì dòng nước quá sâu. Nhiều người dân cũng ra tìm nhưng không thấy. Sáng hôm sau mới tìm thấy cháu ở quãng kênh gần đó”.
 
Được biết, hoàn cảnh gia đình anh Lâm Lêl rất khó khăn. Hai vợ chồng chỉ có một công đất làm lúa, hàng ngày anh đi làm thuê, còn vợ anh trước làm công nhân cho công ty thủy sản Phương Nam nhưng nay đã nghỉ, mưu sinh bằng việc bán rau trước nhà. Chị Lâm Thị Thuận (mẹ cháu Hằng) nói trong nước mắt: “Vợ chồng tôi nghèo, phải đi làm thuê làm mướn kiếm sống hàng ngày để cho con đi học. Bên chồng tôi ở ấp Bưng Chông, đã mấy năm quá nghèo không về bên đó thăm bà con được. Đợt này có người bà con mời về ăn đám cưới nên chồng tôi nói thu xếp cho hai con về bên nội chơi. Ai ngờ đó cũng là chuyến đi cuối cùng của con gái tôi...”.

Ông Lâm Hưởng, người dân địa phương, cho biết, cây cầu nơi cha con anh Lêl bị nạn trước đây là cầu bê tông, nhưng khi thi công việc nạo vét kênh, cầu bê tông bị đập bỏ. Thi công xong kênh, cầu cũng không được làm lại. Để đi lại, bà con góp sức góp của làm một cây cầu khỉ. Sau này có một gia đình ở địa phương thấy bà con qua cầu khỉ gập gềnh nên giúp bà con tiền làm một cây cầu có trụ bằng xi măng, lấy cây bạch đàn làm dầm cầu, mặt cầu lót ván để đi, còn lan can cầu được làm tạm bằng những cây tre.
 
Theo quan sát của phóng viên, cây cầu nơi cháu Hằng bị nạn có chiều dài khoảng 20m, rộng khoảng 1m chỉ đủ cho một chiếc xe đi lọt. Những cây bạch đàn dùng làm dầm cầu cũng bị lung lay, lan can được làm bằng mấy cây tre nhưng đã bị gãy từng đoạn. Không chỉ có vậy, dù cầu đã quá yếu nhưng phải cõng bên hông một ống dẫn nước sạch có đường kính trên 114mm, được neo bằng mấy sợi dây thép mỏng manh.

 Tại cây cầu này đã có không dưới 500 chiếc xe gắn máy phải rơi xuống kênh

 Tại cây cầu này đã có không dưới 500 chiếc xe gắn máy phải rơi xuống kênh
Thông tin từ người dân cho rằng tại cây cầu này đã có không dưới 500 chiếc xe gắn máy phải rơi xuống kênh (?)
 
Ông Lâm Hưởng nói, tại cây cầu Bưng Chông này có không dưới 500 chiếc xe gắn máy phải rơi xuống kênh nhưng rất may chưa có ai tử vong ngoài cháu Hằng (con số đáng sợ mà ông Hưởng đưa ra hiện chúng tôi chưa "dám" chứng thực).
 
Điều đáng nói, con đường có những cây cầu hư hỏng này, mỗi ngày có hàng ngàn lượt người qua lại bởi đây là tuyến đường nối liền các ấp trong xã như Bưng Chông, Bưng Cà Pốt, Bưng Cà Đốt… và người dân ở một số xã Long Phú (huyện Long Phú), Tú Điềm (huyện Trần Đề) cũng thường đi tắt trên con đường này để lên tỉnh.
 Tại cây cầu này đã có không dưới 500 chiếc xe gắn máy phải rơi xuống kênh
Thắp nhang trên cầu, nơi cháu Hằng tử nạn
 Tại cây cầu này đã có không dưới 500 chiếc xe gắn máy phải rơi xuống kênh
Mặc dù không còn "sức chịu đựng" nhưng chiếc cầu này hàng ngày vẫn phải gánh hàng ngàn người qua lại
 
Chia sẻ nỗi đau mất người với gia đình anh Lêl, bà Thạch Thị Thel ngụ cùng địa phương nói: “Bà con tụi tui ở đây đa số là người dân tộc Khmer, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Rất mong Nhà nước làm cho mấy cây cầu này để đi lại cho an toàn, các cháu học sinh đi học cho dễ dàng”.
 
Được biết cách cây cầu "tử thần" này không xa là trường THCS xã Tài Văn, hàng ngày có cả trăm học sinh qua cầu đến trường.
 
Đã có dự án xây cầu từ năm 2006!

Trao đổi với PV Dân trí, ông Lâm Phước Thiện, Phó Chủ tịch thường trực UBND xã Tài Văn, cho biết, vào khoảng năm 2006-2007, đã có dự án xây dựng cầu do một đơn vị của Bộ NN&PTNT thi công. Sau này được chuyển cho Sở NN&PTNT Sóc Trăng làm chủ đầu tư xây dựng với kinh phí một cây cầu trên 1 tỉ đồng. Đã tiến hành họp dân, lên phương án giải toả, bàn giao mặt bằng để xây cầu mới, nhưng không hiểu vì sao lại không thi công.

Người dân địa phương rất bức xúc khi cây cầu xuống cấp, rình rập gây tai nạn cho người đi câu. Kỳ họp nào cử tri cũng phản ánh, nhưng đây là cầu thuộc dự án của cấp trên nên địa phương chỉ biết kiến nghị chứ không thể làm khác hơn.

Ông Quách Văn Nam, Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng, cho biết: “Hiện tại đã hoàn thiện hồ sơ, dự kiến sẽ xây cầu trong thời gian sớm nhất bởi bà con mong ước quá lâu rồi”.
 
Trong khi chính quyền nói "hồ sơ đã hoàn thiện", thì nhiều bà con ở ấp Bưng Chông bày tỏ bức xúc: “Nếu xây cầu sớm thì cha con anh Lêl không bị tai nạn, cháu Hằng không phải chịu cảnh chết đau xót như vậy”.
 
 Chị Lâm Thị Thuận khóc òa khi mọi người nhắc đến con gái mình
 Chị Lâm Thị Thuận cùng chồng và con gái lớn đau xót trước nỗi đau mất người.

Phạm Tâm - Bạch Dương