1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Xót xa nhìn rừng “chảy máu”

(Dân trí) - Đường trâu kéo gỗ tạo thành những hào sâu chạy dọc ngang; trên đỉnh đồi, những cây gỗ lớn bị đốn hạ nằm la liệt; lán của lâm tặc xuất hiện khắp nơi với tro bếp còn nóng… Rừng Tuần Giáo (Điện Biên) đang bị lâm tặc “xẻ thịt” không thương tiếc.

Tan hoang những cánh rừng

 

Vượt qua ngọn đồi nham nhở vết đốt nương, chúng tôi nhanh chóng tìm ra con đường mòn ngoằn ngoèo chạy sâu vào rừng với những đường rãnh sâu, nhẵn bóng, lõng bõng nước. Dọc theo đường mòn, lác đác gốc những cây đại thụ đã bị hạ, gốc chằng chịt dây leo.

 

Bắt đầu từ đây là địa danh xã Nà Sáy, huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên) nơi mà theo lời kể của người dân hiện đang là địa bàn hoạt động sôi nổi nhất của lâm tặc. Ngược theo những con dốc dựng đứng, chúng tôi đã vào đến “công trường” của lâm tặc với những gốc cây có đường kính lên tới 1,5 - 2m.

 

Vết cắt còn mới nguyên, những thân cây lớn nằm ngổn ngang, mùn cưa đỏ thẫm như máu bầm, lác đác những chiếc lán tạm, lợp lá rừng, bắc ván xẻ, tro trong bếp còn giữ nguyên màu trắng, hộp diêm bên cạnh vẫn đánh lửa tốt, sàn còn sạch sẽ, chứng tỏ những người sống ở đây vắng bóng chưa lâu.

 

Đi được vài trăm mét lại bắt gặp một lán tạm, một “công trường” khác với la liệt vết tích tàn phá rừng. Những cây gỗ bị đốn hạ chồng lên nhau, gốc cây ứa nhựa đỏ, ván gỗ tươi rói vứt tứ tung, bột cưa phủ dày như lá rừng... và một khoảng rừng lớn cũng đã được lâm tặc phát quang chuẩn bị cho cuộc tận diệt mới...

 

Những năm trước đây, lâm tặc thường khai thác, vận chuyển gỗ giữa thanh thiên bạch nhật, nhưng nay chuyển sang hoạt động về đêm, với những hình thức tinh vi và liều lĩnh hơn cùng các đường dây phá rừng, khai thác, vận chuyển trái phép lâm sản có tổ chức.

 

Lâm tặc lộng hành

 

Thời gian gần đây, mặc dù cơ quan chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, nhưng tình trạng chặt phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển gỗ trái phép ở huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên) vẫn gia tăng. Những cánh rừng nguyên sinh tại các xã: Phình Sáng, Mường Mùn... đang bị lâm tặc đưa vào danh sách tận diệt...

 

Tính từ đầu năm đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện Tuần Giáo đã phát hiện và xử lý 18 vụ vi phạm về khai thác, mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép lâm sản (tăng 7 vụ so với cùng kỳ năm 2008), thu hơn 58m3 gỗ quý hiếm các loại. Tuy nhiên, trên thực tế, lượng gỗ bị “lâm tặc” khai thác trái phép còn lớn hơn rất nhiều.

 

Ông Đinh Văn Cường, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên) cho biết: Trước tình trạng khai thác gỗ trái phép ngày càng diễn ra nghiêm trọng, lực lượng kiểm lâm đã thường xuyên tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và đã bắt giữ nhiều vụ... Tuy nhiên, vẫn không thể kiểm soát được tình hình.

 

Việc lâm tặc thường xuyên theo dõi mọi hoạt động của cơ quan chức năng để có các phương án đề phòng, gây khó khăn trong việc triển khai tập kích các khu vực khai thác gỗ trái phép trên địa bàn. Nhiều đợt, các đơn vị chức năng tổ chức xuất kích vào các điểm khai thác gỗ trái phép của lâm tặc lúc 3 - 4 giờ sáng, nhưng cũng chẳng được gì, ngoài số gỗ chúng chưa kịp vận chuyển đi...

 

Thủ đoạn và quy mô khai thác của lâm tặc ngày càng mang tính chuyên nghiệp, tinh vi, liều lĩnh. Đầu năm 2009, sau khi phát hiện một xe JuiLong chở gỗ lậu trên đường Mùn Chung - Tuần Giáo, lực lượng kiểm lâm yêu cầu dừng xe, nhưng lái xe vẫn cố tình bỏ chạy, lực lượng chức năng kiên quyết đuổi theo, lái xe đổ gỗ xuống để cản đường rồi tẩu thoát. Tại những điểm “nóng” về khai thác gỗ trái phép, lâm tặc còn tiến hành rải đinh theo vết bánh ôtô, gây cản trở lực lượng chức năng mỗi khi thực thi nhiệm vụ. Đặc biệt, cuối năm 2008, tại địa bàn xã Nà Sáy, khi lực lượng kiểm lâm tiến hành xử lý đối tượng vị phạm về khai thác gỗ trái phép, chúng quay lại đe dọa để cướp lại tang vật.

 

Đâu là nguyên nhân?

 

Ông Đinh Văn Cường, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên) cho biết: Nguyên nhân phá rừng thì có nhiều nhưng cơ bản là 3 vấn đề: Lực lượng kiểm lâm quá mỏng (Hạt có 19 người, bao gồm cả lãnh đạo, nhân viên văn phòng, kiểm lâm viên…) nhưng phải quản lý hơn 41.000ha rừng, trong khi phương tiện thiếu, dẫn đến công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về lâm sản gặp nhiều khó khăn; các chủ rừng và ban quản lý rừng chưa coi trọng công tác bảo vệ rừng một cách triệt để, thiếu sự phối kết hợp giữa kiểm lâm, chủ rừng và chính quyền địa phương; chế độ đãi ngộ đối với người trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng hiện nay chưa tương xứng.

 

Để giảm thiểu nạn chặt phá rừng trái phép, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cấp ủy chính quyền địa phương, từng bước thống nhất các lực lượng bảo vệ rừng giao cho Hạt Kiểm lâm chỉ đạo, nhằm phản ứng nhanh, tốt nhất với “lâm tặc” trong mọi tình huống. Nâng cao việc tuyên truyền, giáo dục người dân trong công tác bảo vệ tài nguyên rừng, đưa ra những biện pháp mạnh nhằm răn đe, xử lý các đối tượng cố tình vi phạm.

 

Đội ngũ kiểm lâm viên, bảo lâm các xã cần tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt việc phân cấp quản lý rừng cũng như các giải pháp chống buôn bán lâm sản trái phép. Đặc biệt, huy động các lực lượng chức năng như: công an, bộ đội... cùng vào cuộc.

 

Dưới đây là những hình ảnh tang thương mà chúng tôi ghi lại được tại những cánh rừng bị tàn phá:

 

 

Xót xa nhìn rừng “chảy máu” - 1

Đường vận chuyển gỗ của lâm tặc


Xót xa nhìn rừng “chảy máu” - 2

Gỗ đã xẻ nằm la liệt khắp nơi trong rừng

Xót xa nhìn rừng “chảy máu” - 3

Một gốc cây có đường kính tới gần 2m

Xót xa nhìn rừng “chảy máu” - 4

Công xưởng xẻ gỗ của lâm tặc được dựng ngay trong rừng.

Xót xa nhìn rừng “chảy máu” - 5

Lâm tặc đang vận chuyển gỗ

Xót xa nhìn rừng “chảy máu” - 6

Lán của lâm tặc dựng ở khắp mọi nơi

Xót xa nhìn rừng “chảy máu” - 7

Một điểm tập kết gỗ

Xót xa nhìn rừng “chảy máu” - 8

Một khoảng rừng lớn đã được lâm tặc phát quang chuẩn bị cho cuộc tận diệt mới.

Xót xa nhìn rừng “chảy máu” - 9

Lâm tặc đang cho gỗ xuôi theo dòng nước.

 

Phạm Hoàng