1. Dòng sự kiện:
  2. Quốc hội họp bất thường lần thứ 9
  3. Metro số 1 TPHCM

Kon Tum:

Xót lòng trẻ vùng biên

(Dân trí) - Từ ngày có đường Hồ Chí Minh, kinh tế vùng Ngã ba Đông Dương phát triển hẳn. Nhưng đó chỉ là ở vùng thị tứ của người Kinh, sâu trong các bản làng Xê Đăng, trẻ em vẫn nhếch nhác, thiếu thốn…

Xót lòng trẻ vùng biên - 1
Những đứa trẻ Xê Đăng ở làng Đăk Sút 1, xã Đăk Ang, huyện Ngọc Hồi

Ngọc Hồi là huyện vùng biên của tỉnh Kon Tum, giáp ranh với cả Lào và Campuchia. Nằm giáp ranh giữa ba nước Đông Dương nên người ta gọi vùng đất này là Ngã ba Đông Dương.

 

Xót lòng trẻ vùng biên - 2
Núi rừng Ngã ba Đông Dương

Trong chiến tranh chống Mỹ, vùng đất này nổi tiếng vì là nơi chiến địa khốc liệt. Sau chiến tranh, nó vẫn hoang tàn và nghèo khổ. Cách đây 20 năm, thị trấn Plei Kần, huyện lỵ huyện Ngọc Hồi cũng chỉ có vài căn nhà chạy dọc theo con lộ chính và những trụ sở hành chính lẻ loi giữa núi rừng biên giới.

 

Từ ngày có đường Hồ Chí Minh đi qua và cửa khẩu Bờ Y đi vào hoạt động, Ngọc Hồi thay da đổi thịt. Tại Plei Kần, nhà hàng khách sạn mọc lên như nấm, chợ búa tấp nập, nhà cửa khang trang mọc lên san sát…

 

Xót lòng trẻ vùng biên - 3
Vẻ phồn hoa ở thị trấn Plei Kần

Thế nhưng, đó chỉ là vẻ phồn hoa của thị tứ, nơi chủ yếu là người Kinh sinh sống, kinh doanh. Còn đi sâu vào những bản làng đồng bào dân tộc thiểu số nơi núi rừng biên cương, những nơi chỉ cách Plei Kần chừng 10 km, đời sống đồng bào vẫn hết sức khó khăn…

 

Xót lòng trẻ vùng biên - 4
Làng đồng bào Xê Đăng nép mình trong núi rừng biên cương còn rất khó khăn

Đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng ngã ba biên giới chủ yếu là người Xê Đăng, công việc chủ yếu là làm rẫy, trồng mì, một số ít có làm ruộng nước. Ở vùng đất thiên nhiên cách trở, rừng sâu, sông rộng này, việc trao đổi hàng hóa của đồng bào rất khó khăn, chủ yếu là tự cấp tự túc.

 

Những ngày lũ lên, mưa lớn lở đất, nhiều gia đình không thể ra chợ đổi gạo, phải dùng củ mì thay cơm, nhiều khi đến củ mì cũng không có mà ăn, phải hái rau dại, lá mì ăn tạm… Những nhà neo người làm, đông con nhỏ càng khó khăn hơn.

 

Xót lòng trẻ vùng biên - 5
Những đứa trẻ phải gùi mì đi hàng chục cây số để ra thị tứ đổi gạo

Xót lòng trẻ vùng biên - 6


Bởi thế, những đứa trẻ không được chăm sóc tốt, bố mẹ bỏ mặc chúng lớn lên như cây dại giữa rừng. Mới tí tuổi đầu, nhiều em phải đi chăn trâu ở bãi sông, ở ven rừng. Nhiều em phải vác gùi lang thang ở các đồi xa nhà hàng chục cây số để mót mì, đổi gạo…

 

Xót lòng trẻ vùng biên - 7


Xót lòng trẻ vùng biên - 8


Xót lòng trẻ vùng biên - 9
Chúng lớn lên như cây dại giữa rừng

 

Đường đến trường của các em vốn đã rất gian nan, nhưng nhiều em thậm chí còn không được đến trường… Bởi chúng còn phải bươn chải dưới cái nắng, cái gió và mưa nguồn Tây Nguyên.

 

Xót lòng trẻ vùng biên - 10
A Nhoi mới học hết lớp 3 phải nghỉ ở nhà chăn trâu ở bãi sông Pô Kô

 

Nhưng khổ sở cũng không ngăn nổi nụ cười trên môi em, không cản nổi những cậu bé Xê Đăng lớn dần lên chinh phục núi rừng. Có lẽ bởi các em đã quen vì chịu nhiều gian khổ…

 

Xót lòng trẻ vùng biên - 11


Xót lòng trẻ vùng biên - 12

Nhìn các em không khỏi nhói lòng…

 

Xót lòng trẻ vùng biên - 13


Tùng Nguyên