1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nghệ An:

Xóm nổi trong lòng thành phố

(Dân trí) - Họ từ nhiều nơi dong thuyền về quần tụ trên một khúc sông Vinh thành xóm nổi và mưu sinh bằng đủ thứ nghề. Ước mơ được lên bờ vẫn luôn cháy bỏng nhưng với họ, điều đó dường như là không tưởng.

Một góc làng nổi ở thành phố Vinh
Một góc làng nổi ở thành phố Vinh

Nổi nênh đời thuyền

Một đoạn sông Vinh chảy qua phường Vinh Tân, Hồng Sơn (TP Vinh, Nghệ An) nhấp nhô những chiếc thuyền nhỏ, những túp lều tranh được dựng tạm bằng những cây mét. Đó là nơi trú ngụ của gần 100 con người. Họ đến từ các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn (Nghệ An) hay từ Quảng Bình phiêu dạt ra đây.

Trên chiếc thuyền nhỏ được bao vây bởi những đám bèo tây, rác rưởi, xác cá đang kỳ phân hủy và cả những chiếc kim tiêm, bà Phạm Thị Quý (70 tuổi) ngó đầu qua chiếc cửa số bé tí tẹo để tiếp chuyện chúng tôi. Chiếc thuyền nhỏ này là nơi trú ngụ của 5 người trong gia đình, bao gồm bà, vợ chồng người con gái và 2 đứa cháu. “Tui quê ở Hưng Xuân (Hưng Nguyên, Nghệ An). Nhà mấy đời sống trên sông nước nên không có một tấc đất cắm dùi. Lấy vợ, gả chồng cho các con rồi riêng cho mỗi đứa một chiếc thuyền làm nhà. Giờ già rồi, hết ở với con trai lại qua thuyền con gái để ở”.

Sự tạm bợ, nhếch nhác là điều dễ nhận thấy ở xóm ngụ cư này
Sự tạm bợ, nhếch nhác là điều dễ nhận thấy ở xóm ngụ cư này

Trước đây nhà bà Quý vốn sống bằng nghề chài lưới nhưng tôm cá ngày càng ít đi, những ngày rong ruổi thả lưới, quăng chài trên sông không đủ sống qua ngày. Phiêu dạt chán, vợ chồng cô con gái chọn khúc sông Vinh này làm chỗ neo đậu. Anh con rể làm cửu vạn, ai thuê gì làm nấy. Cô con gái lên chợ Vinh kiếm sống bằng nghề buôn bán. Gọi là buôn bán nhưng thực chất chỉ là những mớ cá, mớ tôm mua lại của người vạn chài rồi lên bờ bán lại. Công việc không ổn định, thu nhập bấp bênh nên đủ ngày 3 bữa cơm và lo cho 2 đứa con ăn học đã là may lắm rồi.

Ngồi lọt thỏm trong chiếc thuyền bé tý tẹo, anh Nguyễn Văn Thi (quê Quảng Bình) vừa bế đứa cháu ngoại hơn 1 tuổi, vừa trông chừng thằng cháu chừng 4-5 tuổi chơi tha thẩn nơi mép nước. Con thuyền được bao bọc xung quanh cơ man nào là rác rưởi càng trở nên thê thảm hơn. “Mùa ni còn đỡ, mai mốt nắng lên, nước rút mới khủng khiếp. Trên thì nắng dọi, dưới thì nước sông cạn, đen thui, bốc mùi hôi thối rồi ruồi muỗi như trấu mới khổ cực cô ạ”, anh Thi ngó đầu ra khỏi thuyền tiếp chuyện chúng tôi.

Mấy anh em Thi theo bố mẹ vào đây từ những năm 80 của thế kỷ trước. Các anh của Thi lần lượt kiếm được tiền mua đất, lên định cư ở bờ. Riêng anh Thi, vừa tàn tật, vừa hẩm hiu nên đành phải sống kiếp lênh đênh. Hiện giờ anh ở với cô con gái. Cô bán mấy mớ rau ở chợ Vinh, anh Thi ở lại thuyền trông 2 đứa cháu. Người con rể vào Tây Nguyên làm thuê nhưng 2 năm rồi chẳng thấy về. 4 ông cháu, cha con bìu ríu vào nhau sống lay lắt qua ngày.

Người dân xóm nổi sống chung với thiếu thốn và ô nhiễm môi trường
Người dân xóm nổi sống chung với thiếu thốn và ô nhiễm môi trường

Chiếc thuyền của gia đình chị Thái Thị Lành có vẻ sáng sủa hơn nhưng số phận những con người cư ngụ trong thuyền thì thật là thê thảm. Quê chị ở Nam Đàn, đến neo thuyền ở đây sống cũng ngót 10 năm. Mẹ chồng, chồng và đứa con gái lớn của chị bị mù. Mọi gánh nặng chi tiêu trong gia đình 8 con người ấy đều trông chờ vào khả năng chạy chợ của chị Lành.

5 đứa con nhưng chỉ 2 thằng bé sau được đi học. “Sinh con, không cho nó học hành tới nơi tới chốn thì mang tội, nhưng cảnh nghèo, đến cơm ăn còn phải chạy từng bữa thì… Đứa con gái đang học lớp 8 cũng phải nghỉ học ra chợ phụ mẹ kiếm miếng ăn cho cả nhà”, chị Lành nén tiếng thở dài.

8 con người chui rúc trên chiếc thuyền gỗ, nóng nực, chật chội, bất tiện, nhất là khi các con gái đã lớn. Không có chỗ ở, vợ chồng chị đành liều dựng một chiếc lán tre ghé lên bờ, phía ngay trước mũi thuyền cho 3 đứa con gái ở. Anh Nguyễn Văn Thuận - chồng chị Lành cho biết: “Mấy lần trật tự phường xuống yêu cầu dỡ bỏ rồi đấy nhưng dỡ đi thì các con biết ở mô. Thôi thì cứ làm liều, rồi năn nỉ họ cho ở thêm ít lâu nữa. Nhưng tôi thì mù lòa, để 3 đứa con gái ở trên đó cũng lo lắm, suốt đêm không ngủ được. Nhỡ có chuyện gì với chúng thì ân hận cả đời nhưng nghèo nên đành chịu”.

Những tấm giấy khen của trẻ con xóm nổi là điểm
Những tấm giấy khen của trẻ con xóm nổi là điểm sáng duy nhất ở đây

Cái sự ăn, ở đã khổ nhưng những gia đình ở xóm ngụ cư này còn phải chịu khát ngay trên mặt nước. Nước sông ô nhiễm không ai dám dùng, dù chỉ để giặt quần áo. Nước sinh hoạt, tắm rửa, ăn uống đều phải mua lại của các hộ dân sống trên bờ. Nhà nào ít người, mỗi tháng đóng 30.000 nghìn tiền nước máy, nhà nào nhiều người thì đóng 50 nghìn. “Họ cho dùng như thế đã là may lắm rồi. Phải dùng tằn tiện, mùa hè, con tắm trước, hứng nước vào thau, cha mẹ tắm lại bằng nước tắm của con”, chị Lành cho biết.

Xa vời giấc mơ lên bờ

Bà Quý mời chúng tôi lên thuyền chơi. Chiếc thuyền bé tí tẹo, phải cúi lom khom mới có thể vào được trong thuyền. Khi ở trong thuyền, hoặc chỉ có thể ngồi hoặc chỉ có thể khom người mới có thể đi lại. Trong thuyền không có gì đáng giá ngoài chiếc ti vi cũ kỹ. Điểm sáng nhất chiếc thuyền là những tấm giấy khen được cài trên bức vách đan bằng nứa.

Bà Quý tự hào: “Của 2 đứa cháu ngoại. Cả đời tui, đời cha mẹ hắn đã phải chịu khổ cực vì ít chữ rồi, giờ thấy con cháu học hành giỏi giang, mừng lắm. Với lại cũng phải lo cho chúng nó học, mai sau này kiếm cái nghề nuôi thân chứ lênh đênh trên sông nước như thế này thì cực lắm. Mà có học, có nghề mới mơ có được mảnh đất mà cắm dùi cô ạ”.

Không có nơi ở, nhiều hộ dân đành liều lấn đất dựng nhà tạm trên bờ
Không có nơi ở, nhiều hộ dân đành liều lấn đất dựng nhà tạm trên bờ

Vách thuyền của gia đình chị Tạ Thị Hiền (quê Hưng Nguyên) ở bên cạnh cũng treo đầy những tấm giấy khen của 2 đứa nhỏ. Có lẽ đó là điểm sáng nhất của xóm nổi này. Thế nhưng cũng như chị Hiền, chị Lành và những phận người trôi dạt tới đây, khi cái ăn còn phải chạy lo từng bữa, họ cũng đang canh cánh trong lòng nỗi lo có thể tiếp tục cho con học lên cao hơn được nữa không.

Gia đình chị Lành là hộ duy nhất ở xóm ngụ cư này được cấp sổ hộ khẩu dành cho gia đình sống trên sông nước. Như chị khoe, bởi lẽ gia đình chị nghèo quá, hoàn cảnh quá nên được chính quyền địa phương thương tình xét cấp cho. Có được cái giấy con con ấy, nghĩa là gia đình chị sẽ được hưởng thêm một vài chế độ trợ cấp xã hội dành cho người tàn tật và được bình xét hộ nghèo - điều mà các hộ dân sống trên thuyền ở đây mơ ước.

Được lên bờ sinh sống là ước mơ quá đỗi xa vời đối với người dân xóm ngụ cư này
Được lên bờ sinh sống là ước mơ quá đỗi xa vời đối với người dân xóm ngụ cư này

“Được lên bờ là ước mơ của hầu hết người dân xóm nổi nhưng ước chỉ để mà ước thôi. Không có tiền thì mua răng được đất mà đất dự án tái định cư thì dân ngụ cư như chúng tôi làm gì có phần. Chắc đến hết đời tôi, đời con tôi cũng chẳng có cơ hội lên bờ để sống”, anh Thi buồn bã nói.

Đưa ước mơ của người dân xóm nổi trao đổi với ông Nguyễn Minh Hà - Chủ tịch UBND phường Hồng Sơn, ông Hà lắc đầu: “Việc tái định cư cho các hộ dân sống trên thuyền ngoài khả năng và trách nhiệm của chính quyền địa phương. Hầu hết họ đều có quê hương, chỉ đậu thuyền ở đây để làm ăn thôi nên không thuộc diện được bố trí tái định cư khi có dự án. Hiện chúng tôi đang vận động người dân trở về quê hương bản quán để sinh sống nhưng chỉ được 1 thời gian thì họ lại quay trở lại, cắm sào, đậu thuyền ở đây".

Hoàng Lam