1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Xóm lồng đèn trung thu “đìu hiu” thời lạm phát

(Dân trí) - Nhiều nghệ nhân ở xóm sản xuất lồng đèn Phú Bình (quận 11, TPHCM) đang thấp thỏm lo âu vì mùa trung thu đã đến nhưng sức mua lồng đèn rất chậm và nguy cơ mai một làng nghề đang cận kề.

Sức ép phải tăng giá

Theo các nhà sản xuất lồng đèn tại Phú Bình, giá các loại nguyên vật liệu tăng gấp đôi so với mọi năm. Cụ thể, giá kẽm làm lồng đèn truyền thống tăng từ 10.800 đồng lên 23.000 đồng/kg; giấy nguyên liệu cũng tăng từ 450.000 đồng lên 700.000 đồng/kg trong khi đó, tiền công thợ cũng “nhích” lên.

Do chi phí đầu vào quá tốn kém, giá lồng đèn đã có dấu hiệu tăng. Trong các loại sản phẩm đang bày bán trên thị trường, đèn kính truyền thống tăng giá mạnh nhất, khoảng 30 - 60%.

Trung bình, các mẫu đèn kính hình thú quen thuộc như: gà, cá, bướm, voi… có mức giá từ 6.000 - 30.000 đồng/chiếc. Riêng chiếc đèn kéo quân cỡ vừa có giá 50.000 đồng/chiếc tăng 20.000 đồng so với năm trước.

Rất may là các loại đèn xếp đang thịnh hành nhất trên thị trường hiện nay chỉ tăng giá nhẹ dù chi phí vật tư đã đội thêm 70%. Các cơ sở cạnh tranh nên buộc phải đưa ra mức giá phù hợp với khách hàng bình dân, khoảng 3.000 - 5.000 đồng/chiếc.

Mặt hàng đèn xếp sản xuất trong nước đang được ưa chuộng do gọn gàng, dễ vận chuyển, lại có nhiều mẫu mã đẹp. Cũng như những năm trước, các mẫu lồng đèn mô phỏng nhân vật hoạt hình như chuột kitty, pokemon, đoremon, siêu nhân… thường được trẻ em yêu thích nên được các cơ sở tập trung sản xuất.

Xóm lồng đèn mai một

Chị Đan Thùy, chủ cơ sở Xuân Hương cho biết: “Chúng tôi luôn để ý xem tụi nhỏ chơi những con thú gì thì mình làm đèn lồng hình con thú đó. Kinh nghiệm cho thấy, những sản phẩm màu sắc sinh động nhưng không quen thuộc thì trẻ sẽ không chọn”. Tuy nhiên hiện các nhà sản xuất lồng đèn đang lo lắng vì thị trường tiêu thụ quá chậm.

“Mọi năm đến những ngày này là chúng tôi đã bán được rất nhiều hàng, năm nay sức mua giảm tới 50%. Hiện chỉ có vài khách lẻ và một số đại lý đến lấy hàng” - chị Đan Thùy than.

Theo bác Tâm, làm nghề đạp xích lô ở khu phố này thì: "Trước đây, xóm sản xuất lồng đèn gồm hàng trăm hộ gia đình và luôn nhộn nhịp cảnh người mua kẻ bán. Nhưng nay, làng nghề đang dần thu hẹp hiện chỉ còn vài hộ đầu ngõ vào giáo xứ Phú Bình là còn theo nghề".

Đếm trên đầu ngón tay, xóm làng nghề lồng đèn hiện chỉ còn tồn tại khoảng 4, 5 cơ sở sản xuất. Những người còn bám trụ chủ yếu là do lòng yêu nghề, tuy nhiên vì “miếng cơm manh áo” rất có thể nhiều người sẽ tiếp tục bỏ nghề.

Ông Nguyễn Văn Bình, người theo nghề sản xuất lồng đèn truyền thống đã 20 năm nay, cho biết: "Do phải bỏ vốn rất lớn nhưng lợi nhuận quá ít có khi còn lỗ, chắc sang năm tôi không làm nữa vì nhu cầu của người dân về lồng đèn giấy kiếng còn sót lại thật hiếm hoi".

Nghề truyền thống của Phú Bình vì thế đang mai một dần.

Nguyên Tuấn