“Xóm không chồng” đón tết
(Dân trí) - Khi những người phụ nữ khác cùng chồng con dọn nhà, xúng xính trong những bộ cánh mới đón Tết thì các chị, các cô - những bà mẹ đơn thân ở “xóm không chồng” (phường Hòa Minh, Liên Chiểu, Đà Nẵng) lại một mình bươn chải mưu sinh.
Chị Ngô Thị Bê (56 tuổi, tổ phó tổ 63) chia sẻ: “Có người cũng từng là gái có chồng đàng hoàng, bị đánh đập miết đến nỗi phải ly dị, lại có người không thể kiếm nổi một tấm chồng đành “xin” một đứa con để nuôi… ”
Chị Bê trước vốn là bộ đội không quân sư đoàn 370, chồng chị qua đời trong một tai nạn máy bay khi đang làm nhiệm vụ. Hiện chị đang làm phụ hồ, tranh thủ những ngày giáp Tết chị “bao” luôn công việc dọn nhà thuê, mỗi ngày quần quật từ sáng đến tối chị được trả từ 70.000 đến 100.000 đồng.
Trong ngày 29 Tết, các chị sẽ tổ chức tất niên xóm, đây cũng là cái Tết cuối cùng các chị đón ở khu liền kề này. Theo chị Hồng, khoảng tháng 3 năm tới, mọi người sẽ chuyển qua khu chung cư thu nhập thấp sống.
Các chị bộc bạch: “Lễ Tết là dịp người ta ăn chơi, mình phải tranh thủ lúc này để kiếm thêm tiền, sắm muộn tí sẽ rẻ hơn”. Bù lại, kết quả học tập của các con trong học kỳ 1 vừa qua góp phần đem chút hạnh phúc cho các chị trong tết năm nay. Sống trong hoàn cảnh khó khăn về vật chất lại thiếu đi tình thương, sự dạy bảo của cha, nhưng thành tích học của các con chị khá tốt.
Chị Nguyễn Thị Nhị (50 tuổi, tổ 63) ngày ngày mưu sinh bằng gánh cháo lòng, phải nuôi đứa con gái tật nguyền. Cảnh nhà luôn thiếu trước hụt sau nhưng luôn vui vẻ bởi đứa con trai Nguyễn Bửu Hoàng Nhân (lớp 6, trường Lê Thị Hồng Gấm). Học giỏi lại siêng làm, sáng nào Nhân cũng phụ mẹ dọn hàng, tự học chứ không đi học thêm vì sợ mẹ lại tốn tiền.
Chị Trịnh Thị Hồng - Trưởng ban công tác mặt trận khu vực Hòa Phú 5, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu - chia sẻ: “Các chị trong “xóm không chồng” là những người có hoàn cảnh khá đặc biệt, thân gái đơn chiếc mà gánh trên vai nhiều trách nhiệm, chăm sóc cho cha mẹ già yếu, mấy đứa con nhỏ ăn học, mà không có ai san sẻ. Mỗi người mỗi cảnh éo le, sống gần nhau để hiểu và cảm thông, chia sẻ với nhau”.
Khó khăn là vậy nhưng từ năm 2008 đến nay, số hộ nghèo đã giảm từ 92 hộ xuống còn hơn 30 hộ. Tuy giảm vậy nhưng không nghề nghiệp ổn định, cuộc sống của họ luôn bấp bênh.
“Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, nhưng với “xóm không chồng”, nơi những người phụ nữ không chồng và những đứa con không cha sinh sống, người đàn bà phải nhọc nhằn gánh vác cả hai, vừa làm cha, vừa làm mẹ.
Phạm Bình - Thu Hiền