“Xóm chài nilon”
(Dân trí) - Nhiều người vẫn gọi xóm chài tổ 14, phường Phú Bình, TP Huế bằng cái tên như thế bởi trên các “nhà đò” của 14 hộ dân nơi đây ngày nào cũng phủ đầy túi nilon, bao bì. Dưới đò là hàng đống bao ve chai chờ người đến thu mua.
Túi nilon phơi trắng xóm đò Phú Bình
Hôm nay cũng là một ngày nắng đẹp, đám trẻ làng chài mang tất cả túi nilon, bao bì gom được ra giặt giũ, phơi cẩn thận trên các con sào, trắng xóa cả một xóm đò.
Con đò chật chội của anh Hoàng Văn Mạnh là nơi trú ngụ của 9 con người. 7 đứa con của anh chỉ có 2 đứa được đi học; 5 đứa còn lại đi nhặt ve chai, túi nilon trên khắp các con sông. Cậu nhóc áp út Hoàng Văn Nghĩa, 9 tuổi, năm nay học lớp 4 trường Tiểu học Phú Bình, một buổi đi học, một buổi chèo ghe theo mẹ đi lượm nilon.
Đò của anh Hồ Văn Dung bên cạnh cũng phơi tràn túi nilon các loại. Đã gần trưa vẫn thấy anh ngồi gỡ lưới. Cứ mỗi buổi sáng hai vợ chồng anh đi bắt cá, buổi chiều tranh thủ đi vớt túi nilon kiếm thêm tiền nuôi 5 con nhỏ. Bé Hồ Thị Phong, con gái thứ hai của anh, đang học lớp 4, cũng buổi đi học buổi đi kiếm ve chai cùng bố mẹ.
“Đi vớt túi nilon, bao bì suốt ngày trên khắp các con sông mà chẳng được mấy đồng vì giá quá rẻ. Cả ngày may mắn thì được 20-25 ngàn, ấy là còn chưa tính tiền xà phòng giặt túi”, chị Lê Thị Mùi, vợ anh Dung, vừa nấu cơm vừa kể.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Viết Thịnh, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Bình, cho biết: “Những năm gần đây do thị trường dùng nhiều bao bì, túi nilon, chai lọ... ý thức người dân lại kém nên những thứ này trôi nổi trên sông ngày một nhiều. Việc một số bà con xóm chài đi vớt những thứ phế thải đó không chỉ giúp họ có thêm thu nhập mà quan trọng hơn còn giúp bảo vệ môi trường sông nước, một việc làm chúng tôi rất khuyến khích. Họ chính là những công nhân môi trường không lương”.
Q. Tuấn - Đ. Dũng