1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Xóm chài chật vật thời tăng giá

(Dân trí) - Vốn đã nghèo, đã khổ! Nay giá tăng, cuộc sống của người dân xóm chài bãi giữa sông Hồng (Hà Nội) càng trở nên chật vật. Hơn chục gia đình với gần 50 nhân khẩu đang phải sống cảnh bữa đói bữa no.

Xóm chài… nhặt rác

 

Đường xuống xóm chài men theo bờ mương dẫn nước thải phía sau chợ đầu mối Long Biên. Những ngày nước cạn, xóm chài bị đẩy xa bờ, bãi cát dài bong rộp bị xé nát bởi những dòng nước thải đen ngòm. Mùi nồng chua thiu thối của hoa quả hỏng gặp thời tiết hanh khô càng gắt hơi tanh tưởi.

 

Đi hết rãnh nước đen cũng là lúc xóm chài hiện ra. Nằm dọc theo dòng nước còn đọng lại sát bãi giữa sông Hồng là hơn chục “nhà phao” được chắp vá bằng những mảnh nhựa, tôn nhặt về từ bãi rác, trong đó có cả những tấm ván mục họ xin được từ những buổi cải táng ở bãi tha ma.

 

Khoảng cách giữa bãi cát với “nhà phao” được “rút ngắn” bằng những ván gỗ mỏng bồng bềnh. Thấy người lạ, cầu bé chừng năm tuổi chạy băng băng vào “nhà”. Còn tôi, không quen nên đành lội bộ. Ghé thăm “nhà” chị Phạm Thị Lĩnh, tôi không khỏi giật mình. Mọi sinh hoạt của năm mẹ con chị chỉ gói gọn trong không gian chưa đầy chục m2. Đồ đạc chẳng có gì đáng giá chục ngàn. Chị Lĩnh tâm sự: “Cuộc sống của 5 mẹ con vốn trông vào chị, nay cái gì cũng tăng giá khiến nhiều hôm bát cơm trắng cũng chả có mà ăn”

 

Chị Lĩnh lao động quần quật cả ngày lẫn đêm, từ nhặt rác đến dọn vệ sinh, gánh thuê ở chợ đêm Long Biên. Thu nhập thì ngày một giảm đi vì tuổi già sức yếu, mà giá gạo rau thì cứ ngày một tăng. Đến người khỏe mạnh bình thường nhặt nhạnh suốt ngày tối đa cũng chỉ kiếm được 40.000 - 50.000 đồng. Số tiền này lo cho cuộc sống của cả 5 mẹ con.

 

Gọi là xóm chài nhưng đa phần nhưng người dân ở đây đều sống bằng nghề nhặt rác. Người nào có sức khoẻ thì thêm nghề kéo xe thuê. Số tiền họ kiếm được chỉ đủ kiếm miếng ăn. Gia đình nào có người bệnh nằm xuống là cả một thảm họa. Chị Lĩnh tâm sự: “Hôm trước trời bỗng nhiên trở lạnh, chị bị cảm không đi làm được, ba ngày liền, 5 mẹ con phải ăn mỳ tôm qua ngày. Đứa nhỏ đói không chịu được, khóc quấy như ranh…”.

 

Không còn sức đi nhặt rác, cụ Thế đành dựng chiếc lán tạm ngay bãi cát, làm nơi thu mua phế liệu cho cả xóm. Lấy công làm lãi, cả ngày cúi mặt bên những tải rác rối mù, phân loại rồi bán lại cho chính những người bán cho cụ hôm trước. Thu nhập cả ngày cũng chỉ đong nổi một cân gạo.

 

Tiếp chuyện tôi mà cụ không dám nhìn thẳng, cứ cúi gằm xuống bao rác, giọng già nua buồn bã: “Cả đời khổ cực, đến cái tuổi gần đất xa trời vẫn chưa hết khổ. Tích cóp cả tháng, đến khi lên phố đi chợ, vào hàng nào cũng băn khoăn. Giá tăng cao quá!”.

 

Ngày mai sẽ ra sao?

 

Lặng nghe họ trải lòng mình, tôi có cảm giác như mọi sự bất hạnh trên đời đều có mặt ở đây. Đưa vạt tay áo lên thấm những giọt nước mắt, chị Lĩnh bùi ngùi: “Thương con nhưng đành bất lực vì một mình tay làm hàm nhai đã bữa đói bữa no. Suốt cả năm cố dành dụm mua cho mấy cháu tấm áo Tết. Còn học hành thì chỉ còn trông chờ xã hội”.

 

Nhìn những đứa trẻ đang hồn nhiên chơi đùa trên bãi cát mà xót xa cho tương lai của một thế hệ xóm chài, sống trong thời đại kỹ thuật số mà không có nổi một tấm giấy khai sinh. Một vài em may mắn, tuần hai buổi được Tổ ấm xa mẹ trên đường Ngô Văn Sở đón lên học. Những buổi học cũng bấp bênh như những bữa cơm no nhưng đám trẻ vẫn hào hứng lắm. Một cô bé tên Thuỷ, năm nay đã 13 tuổi, hồ hởi khoe: “Chú ơi! năm nay cháu lên lớp 2 rồi đấy!”.

 

Em gái Nguyễn Thị Mai thì đã không còn giữ được vẻ hồn nhiên. Hiểu được những khó khăn, vất vả đang chờ mình trước mắt, em trầm ngâm: “Em chỉ mong học được cái nghề nào đó để có thể nuôi sống bản thân mà khó quá anh ạ!”. Mai chia sẻ, cuộc sống của em bây giờ chỉ còn quanh quẩn với những thùng rác, những đống phế liệu cũ và bãi sông này!

 

Trong khi những cư dân trên bờ đang xôn xao bàn tán chuyện “Thành phố hai bên sông Hồng” thì xóm chài bãi giữa vẫn “bình yên” như không có chuyện gì xảy ra. Với những cư dân xóm chài, cuộc sống hiện tại đã “tốn” nhiều lo toan, tương lai lại thành “món” xa xỉ.

 

Rời xóm chài khi trời chạng vạng tối, trên bãi cát, những người nhặt rác đã rục rịch trở về. Xen lẫn những bước chân mệt mỏi là những tiếng xì xèo: “Thời tăng giá, đến rác cũng chẳng có mà nhặt!”.

 

Thái Bình